Bánh cần sa rao bán tràn lan trên mạng xã hội
Việc bánh và các chế phẩm cần sa được rao bán công khai trên mạng xã hội khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Các sản phẩm này được bán dưới danh nghĩa bánh, kẹo bình thường.
Ngày 15/11, trang Facebook Trần Thu Hà đăng bài cảnh báo các bậc phụ huynh về việc học sinh lớp 8 sử dụng bánh có chứa chất cần sa.
Phụ huynh hoang mang với cách cần sa tìm đến trẻ
"Bên trường W. và trường V. đã phát hiện có học sinh mang bánh cần sa vào lớp để ăn trong lớp. Các phụ huynh đang chia sẻ trong các group lớp, dặn dò nhau cách đối phó.
Trường W. tuần trước, có học sinh lớp 8, nhờ bạn ở trường công lập mua bánh cần rồi mang vào lớp khoe và chia cho bạn bè. Có hai bạn ăn, bạn trai ăn nhiều (1,5 cái) nhưng không có vấn đề gì, bạn gái ăn có nửa cái, nhưng lát sau thì chóng mặt, rồi nghe phong thanh các bạn nói bánh có cần sa, nên bạn gái sợ, khóc, xuống phòng y tế. Trường nhắn cho mẹ đến đón đưa sang Vinmec khám, xét nghiệm thì bình thường.
Tuy nhiên, sau đó cô chủ nhiệm tìm ra được cái bánh còn lại, đưa cho trường mang đi xét nghiệm thì có cần sa trong bánh", tài khoản Trần Thu Hà viết.
Bài viết nhận được 1.400 lượt bình luận, 4.000 lượt tương tác và gần 5.000 lượt chia sẻ. Đa phần phụ huynh có con nhỏ tỏ ra rất hoang mang, lo lắng bởi thực tế, các mặt hàng này đang được bán công khai với cách mua dễ dàng trên mạng xã hội.
Với từ khóa “bánh cần”, Facebook trả về hàng loạt kết quả là fanpage, tài khoản cá nhân chuyên bán các sản phẩm được giới thiệu là có cần sa với mức giá từ 100.000-400.000 đồng.
Chẳng hạn, fanpage Dreamer Saigon **** rao bán công khai các chế phẩm cần sa như bánh bông lan, socola, kẹo thậm chí là cần sa nguyên chất kèm địa chỉ, số điện thoại mua hàng.
Bánh phô mai trà xanh cần sa được trang này giới thiệu sẽ mang lại "tâm trạng tuyệt vời" cho người sử dụng.
Nhiều phụ huynh giật mình với cách bày bán công khai của những trang này. "Bán cần trên Facebook như thể hàng này không phạm pháp vậy. Có địa chỉ, số điện thoại rõ ràng như vậy mà sao không bị bắt nhỉ", Lam Oanh, một phụ huynh ngụ Bình Tân, TP.HCM thốt lên khi thấy các bài đăng quảng cáo bánh cần với lượng tương tác khủng.
Tạo tài khoản trai xinh gái đẹp "câu" người mua cần
Ngoài Facebook, Instagram cũng là kênh phân phối chính của các chế phẩm cần sa.
"Đa số người sử dụng Instagram khá trẻ, thuộc độ tuổi từ 15-25. Đây cũng là lứa tuổi mục tiêu của những loại quảng cáo trên. Bằng nhiều hình thức lách luật cùng với sự hời hợt trong kiểm duyệt, Facebook đang làm ngơ cho những quảng cáo độc hại này xuất hiện", Phan Văn Khải, chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo Facebook chia sẻ.
Các đối tượng bán cần sa sẽ tạo những tài khoản ảo có hình ảnh đẹp, bắt mắt, hở hang. "Sau đó, bất kỳ ai theo dõi những tài khoản này sẽ được nhắn tin mời mua cần sa với giá từ 300.000-500.000/gam cần", Hoàng Sơn, người dùng Instagram tại quận 4, TP.HCM chia sẻ trải nghiệm bản thân sau khi kết bạn với một cô gái trên mạng xã hội và được mời mua cần.
Ngoài Instagram, một số người bán cần sa cũng tạo những tài khoản trên Tinder với ảnh đại diện đang sử dụng cần sa. "Nếu có người match (kết đôi), họ sẽ chủ động mời bán cần sa.
Bên cạnh đó, những nền tảng như Telegram, WhatsApp, Snapchat cũng được sử dụng để rao bán cần sa.
Tạo nhóm kín Facebook để bán bánh cần
Từ cuối năm 2018, trong group kín Facebook có tên “VNN***tầng 1”, quản trị viên của nhóm đăng bán hàng loạt các sản phẩm với mô tả đây là "bánh cần sa", "bánh phê" với giá từ 100.000-500.000 đồng.
Đáng chú ý, các bài đăng giới thiệu công năng, tác dụng của loại "bánh phê" này luôn được gửi kèm liên kết đến gian hàng trên trang thương mại điện tử Shopee.
“Như vậy, người mua chỉ cần đặt hàng, việc vận chuyển và thu tiền hộ sẽ do Shopee đảm nhận thay cho người bán”, Lê Minh Hiệp, người có kinh nghiệm thương mại điện tử 7 năm và đang là quản trị viên cộng đồng bán hàng Facebook với 8.000 thành viên phân tích.
Theo lời người bán trên Facebook, những loại “bánh phê” này sẽ gây “tăng động”, “trở nên vớ vẩn” và “trêu chọc người khác”... bên dưới dòng quảng cáo là đường dẫn đến Shopee.
“Nó khác với hút ở chỗ là ngấm từ từ. Sau đó, nó giựt cho nát người như mới hút 3-4 điếu, đủ để phê 3-4 giờ”, tài khoản quản trị viên nhóm Facebook “VNN****tầng 1” mô tả cảm giác khi sử dụng “bánh phê” được bán trên Shopee.
Theo số liệu trên Shopee, chủ gian hàng đã bán thành công 70 đơn hàng gồm bánh quy, bánh kem, socola được giới thiệu có nguyên liệu cần sa và các chất kích thích với số tiền thu về gần 20 triệu đồng.
Giá của các sản phẩm trong gian hàng này dao động từ 100.000-500.000 đồng. Điều này khiến nhiều nhiều người không khỏi thắc mắc sản phẩm chỉ là bánh quy. “Bốn cái bánh quy này có gì mà giá 500 nghìn đồng ghê vậy”, tài khoản Minh Vương đăng thắc mắc của mình trong một nhóm Facebook cộng đồng bán hàng Shopee.
Ngoài Facebook, chủ gian hàng cũng xây dựng website nhằm giới thiệu công dụng của các loại thực phẩm chức năng "người lớn". Nếu có ý định đặt mua, người dùng sẽ được dẫn liên kết về Shopee.
Việc tư vấn mua hàng được chủ gian hàng thực hiện trong nhóm kín Facebook. Trên Shopee, người bán không trả lời các tin nhắn thắc mắc của người mua.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/banh-can-sa-rao-ban-tran-lan-tren-mang-xa-hoi-post1015343.html