Bánh chưng bảo quản tủ lạnh được bao lâu, nếu có dấu hiệu này tốt nhất không nên ăn
Bánh chưng bảo quản trong tủ lạnh đúng cách, sau 3-4 tuần vẫn có thể ăn được. Còn nếu bánh xuất hiện các dấu hiệu như chảy nước, có mùi ôi, nhớt ở vỏ bánh thì nên mạnh tay vứt bỏ.
Sau Tết, hầu hết các gia đình đều dư thừa nhiều thực phẩm. Nhiều nhà có thói quen chế biến đi chế biến lại, thậm chí sử dụng các thực phẩm đã để lâu ngày bị hỏng, bị nấm mốc, nhất là bánh chưng. Khoa học đã chứng minh, ăn thức ăn nhiễm nấm mốc có thể xảy ra ngộ độc cấp tính, thậm chí ngộ độc mạn tính nếu cơ thể tích lũy dần những lượng nhỏ nấm mốc và độc tố nấm.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội thì bánh chưng ăn ngon nhất trong khoảng 1 tuần trở lại, tùy vào điều kiện bảo quản. Khi bảo quản bánh trong tủ lạnh phải để ở mức nhiệt 5-10 độ C ở ngăn mát.
Để bảo quản bánh chưng, người ta có thể để nó ở những nơi mát mẻ, sạch sẽ hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh (5-10 độ C) cũng rất tốt. Cách này giúp bảo quản bánh chưng được lâu hơn. Tuy nhiên, nhiệt độ ở khu vực ngăn mát chỉ có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn, làm cho nó sinh sôi chậm đi chứ không thể giết chết chúng. Đến khi vi sinh vật sinh sôi đủ nhiều, bánh chưng trong tủ mát vẫn sẽ có dấu hiệu hỏng như là mốc, thối, rữa... Bánh chưng để trong tủ mát thường chỉ để được 1 tuần. Nếu bảo quản bánh chưng được lâu hơn đó là để chúng trong ngăn đá. Nhiệt độ này thường rơi vào khoảng ( -18 độ C).
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thực tế, khi cất vào tủ lạnh thì bánh sẽ bị đông cứng lại, người ta gọi là hiện tượng lại gạo. Tuy nhiên nếu để bánh bên ngoài, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi làm bánh dễ bị ôi thiu hoặc ẩm mốc. Do vậy chỉ có cách bảo quản bằng tủ lạnh mới có thể sử dụng bánh lâu hơn. Khi sử dụng, bạn lấy ra rã đông, hấp hoặc rán, bánh vẫn thơm ngon.
Bánh chưng cất trong tủ lạnh 3-4 tuần vẫn có thể ăn nếu bạn bảo quản đúng cách. Nếu để ngăn mát, nhiệt độ cần duy trì là 4 độ, hoặc bạn có thể bảo quản trong ngăn đá. Khi lấy ra, bánh không có hiện tượng mốc, chua mà vẫn bình thường, chỉ đông cứng, vẫn có thể rã đông và ăn.
Tuy nhiên, nếu bánh xuất hiện các dấu hiệu như chảy nước, có mùi ôi, nhớt ở vỏ bánh thì không nên chế biến nữa mà phải bỏ đi do vi khuẩn xâm nhập làm hỏng bánh, ăn dễ gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc.
Trên thực tế, bất kể thực phẩm nào, không chỉ riêng bánh chưng, để trong tủ lạnh quá lâu thì các thành phần của bánh bị biến đổi. Bánh không có dấu hiệu ôi thiu, chế biến lại cũng không thể thơm ngon được như ban đầu. Tốt nhất bạn cố gắng ăn hết sớm, không nên để quá lâu.
Bí quyết để bảo quản bánh chưng không nhanh hỏng
Cũng theo chuyên gia, bánh chưng bảo quản được lâu hay không còn tùy thuộc vào các khâu vệ sinh lá bánh, gói bánh, luộc bánh, sau đó là tích trữ bánh. Lá dùng để gói bánh nên được rửa kỹ và để ráo nước. Quá trình gói không nên quá chặt tay hoặc quá lỏng tay. Trong khi nấu cần luộc làm sao để bánh được chín đều.
Sau khi bánh được dỡ ra, nên rửa lại bánh bằng nước sạch để loại bỏ nước, nhớt khi luộc còn bám trên bánh, tránh cho bánh bị ôi thiu nhanh, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Tiếp đó, hãy dùng mâm hoặc vải nilon phủ lên, sau đó đặt vật nặng đè lên trên.