Bánh gai Chiêm Hóa, món quà quê nức tiếng ở Tuyên Quang

Tuyên Quang là vùng đất nổi tiếng với Cam sành Hàm Yên, rượu ngô Na Hang. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến bánh gai Chiêm Hóa. Bao đời nay, Chiêm Hóa luôn tự hào với thứ bánh có nguồn gốc từ loài cây mộc mạc, mọc bạt ngàn trên quê hương.

Mặc dù bánh gai cũng khá phổ biến ở nhiều nơi như: Bánh gai Hải Dương, bánh gai Tứ trụ Thanh Hóa... Thế nhưng thứ bánh gai của người Tày Chiêm Hóa lại có một hương vị mới lạ, độc đáo riêng mà bất cứ ai khi đã được thưởng thức rồi cũng sẽ cảm thấy rất khó quên.

Muốn làm bánh ngon, đòi hỏi phải rất tỉ mỉ trong từng khâu, đầu tiên là khâu lựa chọn nguyên liệu. Lá chuối, lá gai sau khi được thu hoạch sẽ phơi khô dưới ánh nắng, lá gai phải chọn lá to, non không dùng lá nhỏ có lẫn hoa, lá phải đem phơi vài lần sau đó nghiền thật nhuyễn, mịn mới có thể dùng làm nguyên liệu. Gạo nếp để làm bánh nhất định phải là loại gạo nếp cái hoa vàng. Nhân bánh thường dùng là đậu xanh cùng đường phên, thông thường khi làm bánh gai người ta sẽ cho thêm dừa vào nhân bánh để tăng thêm vị thơm và ngọt thanh của bánh.

 Bánh gai của người Tày Chiêm Hóa lại có một hương vị mới lạ, độc đáo riêng mà bất cứ ai khi đã được.

Bánh gai của người Tày Chiêm Hóa lại có một hương vị mới lạ, độc đáo riêng mà bất cứ ai khi đã được.

Những năm gần đây, bánh gai có thêm mỡ lợn, tuy vậy mỡ lợn phải được làm nhuyễn, không ngấy và trộn với đường để làm sao cho người ăn không cảm nhận được độ mỡ mà vẫn thấy bùi bùi và mềm bánh. Gạo nếp xay mịn sau đó đem đi trộn với lá gai giã nhuyễn và đường phên. Sau đó giã làm sao để 3 nguyên liệu này hòa quyện vào nhau tạo thành bột có màu hơn đen sẫm.

Là một trong số những gia đình vẫn giữ được nghề làm bánh, chị Trần Tố Uyên (32 tuổi, ở xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang), chia sẻ: “Thời gian làm một mẻ bánh hoàn chỉnh khoảng 7 giờ đồng hồ. Thông thường, tôi dậy từ 4h để làm công việc này. Mỗi ngày gia đình tôi gói khoảng 100 cặp bánh gai, giá bán mỗi cặp bánh là 10.000 đồng. Tính ra cũng được lãi khoảng vài trăm nghìn. Điểm đặc biệt, bánh gai ở Chiêm Hóa được gói thành cặp chứ không gói 1 cái như ở các nơi khác, bánh được nặn tròn, rắc vừng ở ngoài, sau đó gói trong lá chuối”.

 Lá chuối được phơi khô

Lá chuối được phơi khô

Bánh sau khi đã gói hoàn chỉnh sẽ được người dân dùng lá chuối khô để gói theo phương pháp cổ truyền tạo nên chất lượng thơm ngon và đặc trưng của vùng quê Chiêm Hóa. Sau khi gói, bánh được xếp vào nồi, rồi được hấp cách thủy. Bánh gai chín được vớt ra, để ráo nước, mặt ngoài của lá chuối se lại, vẫn giữ được màu bàng bạc chứ không chuyển màu sậm đỏ như bánh ở nhiều nơi khác.

Hiện nay, ở huyện Chiêm Hóa có hàng chục gia đình làm nghề này. Nếu như trước đây bánh gai thường được sử dụng vào các ngày lễ, tết, đám cưới và dùng làm quà biếu, thì đến nay bánh gai đã trở nên thông dụng, khách xa gần khắp nơi tìm về mua hàng ngày.

Bóc một chiếc bánh, mùi thơm đặc trưng của lá gai và mùi lá chuối khô khiến thực khách muốn được thưởng thức. Vị ngọt của bánh gai Chiêm Hóa rất thanh, không gây cảm giác khé cổ. Khi thưởng thức, nhân đậu xanh quyện với dừa tươi mang lại vị ngậy bùi. Cũng bởi hương vị đặc biệt của bánh gai Chiêm Hóa mà mỗi ngày, theo các chuyến xe khách, hàng nghìn cặp bánh được vận chuyển đi khắp các tỉnh thành trên cả nước.

 Lá gai sau khi được thu hoạch sẽ phơi khô dưới ánh nắng.

Lá gai sau khi được thu hoạch sẽ phơi khô dưới ánh nắng.

Cũng theo chị Uyên chia sẻ thì bánh gai Chiêm Hóa chỉ nên sử dụng 2-3 ngày kể từ thời điểm sản xuất do bánh không có chất bảo quản. Để hoàn thiện chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu, nhiều cơ sở làm bánh chủ động trồng cây lá gai để phục vụ nhu cầu sản xuất quanh năm”.

Chị Nguyễn Thị Thủy (Hải Phòng) cho hay: “Hai năm trước tôi có dịp về Chiêm Hóa chơi, được mọi người biếu bánh gai, thực sự khi ăn miếng đầu tôi đã thấy ấn tượng bởi vị thanh nhẹ và không quá ngọt. Do đó lần này về lại Chiêm Hóa tôi mua mấy chục cặp về làm quà cho gia đình, không ăn hết tôi cất tủ đông, khi nào ăn chỉ cần hấp lại hoặc rán lên ăn cũng rất ngon”.

 Bao đời nay, Chiêm Hóa luôn tự hào với thứ bánh có nguồn gốc từ loài cây mộc mạc, mọc bạt ngàn trên quê hương.

Bao đời nay, Chiêm Hóa luôn tự hào với thứ bánh có nguồn gốc từ loài cây mộc mạc, mọc bạt ngàn trên quê hương.

Được biết, năm 2017 sản phẩm bánh gai Chiêm Hóa được công nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đến năm 2020 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt 4 sao.

Với hương vị đặc biệt, bánh gai Chiêm Hóa đang dần trở thành thứ quà quê quen thuộc mà quý giá. Hàng nghìn cặp bánh cứ thế mỗi ngày theo các chuyến xe khách được vận chuyển đi khắp các tỉnh thành để làm quà cho nhiều người.

Thanh Hoài

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/banh-gai-chiem-hoa-mon-qua-que-nuc-tieng-o-tuyen-quang-post265790.html