Bánh khảo - hương vị Tết của người Cao Bằng
Từ xưa đến nay, trong mỗi dịp Tết đến xuân về, cùng với bánh chưng, bánh khảo là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong lễ cúng gia tiên những ngày đầu năm mới. Món bánh giản dị được tạo nên từ gạo nếp thơm ngon dẻo ngọt đậm vị đồng quê, với những đặc trưng riêng biệt, là sự lựa chọn của nhiều du khách khi đến với Cao Bằng.
Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, không khí sản xuất tại cơ sở bánh khảo Sơn Tòng, phường Sông Hiến (Thành phố) lại nhộn nhịp hơn. Để chuẩn bị bánh cho dịp tết năm nay, cơ sở đã chuẩn bị các nguyên vật liệu làm bánh ngay từ cuối tháng 11 âm lịch. Hiện nay, đang là những ngày cao điểm, gần 20 nhân công đang gấp rút hoàn thành các đơn hàng cuối năm của khách. Trung bình mỗi ngày cao điểm, cơ sở sản xuất được 8.000 - 9.000 phong bánh khảo, lượng hàng tăng gấp nhiều lần so với ngày thường do khách hàng đặt để làm quà tết với số lượng lớn.
Ông Lâm Thanh Quý, chủ cơ sở sở sản xuất bánh khảo Sơn Tòng cho biết: để làm bánh khảo ngon, khâu chuẩn bị nguyên liệu hết sức quan trọng. Nguyên liệu làm bánh khảo chủ yếu là loại gạo nếp mới thơm ngon, hạt tròn mẩy, phần nhân bánh cũng phải đủ vị và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhân bánh khảo truyền thống của người Tày, Nùng gồm có lạc, vừng được rang, giã nhỏ và thịt mỡ luộc chín, thái hạt lựu rồi đem ướp với đường kính, phơi khô… Khi làm bánh, để bột và đường kết dính đều vào nhau đòi hỏi người thợ phải thật tỉ mỉ dùng tay vò hay dùng cán chà đi chà lại cho bột ngấm đường, tơi xốp, lúc này có thể mang bột đóng khuôn bánh. Khuôn làm bánh khảo cũng có nhiều kích cỡ, thông thường khuôn được làm từ các tấm gỗ bào mượt có hình chữ nhật cỡ 40 x 60 cm, cao 5 cm.
Hiện nay, sản phẩm bánh khảo Sơn Tòng được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, hộp bánh có đầy đủ nhãn mác và giấy chứng nhận sử dụng mã số, mã vạch cho sản phẩm, đồng thời đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Sản phẩm không chỉ được người dân trong tỉnh tin tưởng lựa chọn mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Đắk Lắk... Trong đợt tết năm nay, cơ sở sản xuất khoảng 18.000 phong bánh với mức giá dao động từ 130.000 - 160.000 đồng/túi 10 chiếc.
Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã làm bánh khảo nổi tiếng ở các huyện: Hạ Lang, Hà Quảng, Trùng Khánh. Nhiều cơ sở sản xuất bánh khảo ở Thành phố cũng tạo được niềm tin của người tiêu dùng, như: bánh khảo Sơn Tòng, Kim Phoóng, bánh khảo Thanh… mỗi cơ sở, địa phương đều có đặc trưng, bí quyết riêng, nhưng cơ bản vẫn giữ được hương vị đậm đà của mùi nếp nương Bảo Lạc, vị ngọt của đường mía Phục Hòa, bùi thơm của lạc đỏ Hạ Lang... Tấm bánh bé nhỏ chứa đựng tinh túy của mọi miền quê Cao Bằng, như tấm lòng của người dân vùng cao làm cho người thưởng thức một lần đều nhớ mãi.
Chị Nông Thu Huyền, phường Hợp Giang (Thành phố) chia sẻ: trên thị trường của tỉnh có rất nhiều loại bánh khảo được làm từ nhiều cơ sở khác nhau. Nhiều năm rồi, cứ đến Tết là tôi lại mua bánh cho gia đình và làm quà cho người thân, bạn bè. Vì bánh khảo Cao Bằng có vị ngon rất đặc trưng, có hương thơm hòa quện rất đặc biệt giữa các mùi thơm của gạo nếp, lạc sấy giòn, đường cô sánh, thịt lợn rang càng để lâu càng có độ kết dính, dẻo và ngon, có thể để được 1 tháng, phù hợp với khẩu vị gia đình. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất quan trọng, tôi chỉ mua bánh tại những cơ sở uy tín, có chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bánh khảo đã trở thành đặc sản chung của Cao Bằng được nhiều người ưa chuộng. Không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, những phong bánh khảo còn được dâng lên tổ tiên dịp tết đến xuân về, làm quà biếu cho anh em, bạn bè, cho những người con Cao Bằng xa quê.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/banh-khao-huong-vi-tet-cua-nguoi-cao-bang-3167394.html