Bánh khoái cá kình làng Chuồn

Bánh khoái (bánh xèo) là món ăn quen thuộc với nhiều người và hầu như địa phương nào cũng có. Nhưng bánh khoái nhân cá kình thì duy nhất chỉ có ở làng Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

 Bánh khoái cá kình làng Chuồn ăn kèm với rau sống và nước mắm ruốc. Ảnh: Thu Hạ

Bánh khoái cá kình làng Chuồn ăn kèm với rau sống và nước mắm ruốc. Ảnh: Thu Hạ

Làng Chuồn là ngôi làng ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nổi tiếng không chỉ vì phong cảnh hữu tình mà còn bởi có những đặc sản được nhiều người biết đến như bánh tét làng Chuồn, rượu làng Chuồn và đặc biệt nhất là bánh khoái cá kình làng Chuồn. Món ăn này trở thành đặc sản nơi đây bởi phần vỏ tuy vẫn được làm bằng bột gạo thông thường, nhưng phần nhân bánh thì lại không làm bằng tôm, thịt như truyền thống ở nhiều nơi khác, mà được làm bằng cá kình để nguyên con. Cá kình dùng để làm nhân bánh khoái là loại cá kình nước lợ, sống tự nhiên trong đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Mùa thu hoạch cá bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Không giống như cá kình biển, loại cá kình này có hình dáng bé nhỏ. Con lớn nhất cũng chỉ lớn hơn hai ngón tay, xương mềm nhưng rất thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Người dân vùng đầm phá thường dùng cá kình để nấu cháo hay nấu canh chua nhưng độc đáo nhất là dùng làm nhân bánh khoái.

Nguyên liệu làm món bánh khoái cá kình cực kỳ đơn giản gồm bột bánh, cá kình, nước mắm, tỏi, ớt. Với bước chuẩn bị, đầu tiên, người dân sẽ chọn những con cá kình tươi ngon, đem rửa sạch. Bột gạo, được pha với một chút muối và nước sao cho độ sệt vừa phải, không lỏng quá cũng không quánh quá. Theo chia sẻ của những người dân địa phương, để chiếc bánh thêm phần hấp dẫn nên pha thêm vào bột một chút bột củ nghệ vàng, hành lá cắt nhỏ, chút tiêu, muối, bột ngọt…

Chuẩn bị và sơ chế xong nguyên liệu rồi thì đến công đoạn chiên bánh. Khi chảo đã nóng, dầu sôi già, chủ quán đổ một lớp bột bánh lên, nghiêng theo vòng tròn để bột lan đều mặt chảo, sau đó đặt một hoặc hai con cá kình lên trên, chiên một lúc cho vàng mặt bánh thì lật mặt còn lại và chiên tiếp. Khoảng ba phút sau thì bánh chín, mở nắp khuôn sẽ dậy lên một mùi thơm đặc trưng, quyến rũ. Bánh được bày ra đĩa có màu vàng ươm cả hai phía trông thật hấp dẫn khiến ai nhìn vào cũng muốn được thưởng thức ngay.

Bánh khoái cá kình thường được ăn kèm với giá đỗ, rau sống gồm rau thơm, xà lách, nõn hoa chuối, giá sống, rau cải con… và được chấm với nước mắm nguyên chất được chắt lọc từ những chum ruốc của biển Thuận An cùng mấy trái “ớt hiểm” chín đỏ. Ăn bánh khoái cá kình không nên ăn vội mà phải từ tốn, chậm rãi. Thực khách có thể dùng đũa hay dùng tay sạch để nhón từng miếng cá chấm mắm ớt kèm mấy cọng rau thơm hay lấy từng miếng bánh giòn tan đưa vào miệng thì cảm giác sẽ vô cùng sảng khoái. Vị ngọt thơm của thịt cá, pha chút đắng dịu của mật cá sẽ để lại cảm giác khó quên cho người thưởng thức.

Với tôi, những buổi sáng mùa hè ở Huế, được hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, cùng người dân quê đi chợ sớm để tự tay chọn những con cá kình tươi ngon rồi háo hức chờ đợi những chiếc bánh vàng ươm, tỏa hương thơm ngào ngạt bên những bếp lửa rực hồng là cảm giác vô cùng thú vị, mới mẽ mà tôi luôn muốn được trải nghiệm mỗi khi có dịp đến Huế.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=149609