Từ cậu bé đốn củi thành Lưỡng quốc trạng nguyên Việt - Trung

Dù xuất thân trong gia đình nghèo khó, nhưng ông rất chăm học, sau trở thành trạng nguyên, làm quan đứng đầu triều đình, khiến ngoại bang phải nể phục về tài năng.

Người được nhắc đến chính là Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.

Mạc Đĩnh Chi (1286-1350) tự là Tiết Phu, quê ở làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Theo tài liệu của các nhà sử học Đinh Xuân Lâm và Trương Hữu Quýnh, ông sinh ra trong gia đình nghèo, mồ côi cha từ nhỏ. Hàng ngày, hai mẹ con phải vào rừng đốn củi bán.

Mẹ hy sinh tất cả để nuôi con ăn học, chỉ mong con thoát cảnh nghèo, có thể thi cử đỗ đạt, giúp ích cho đời. Hiểu được lòng mẹ, Mạc Đĩnh Chi không ngừng gắng sức học tập.

Sách "Những tấm gương hiếu học xưa và nay" ghi, Mạc Đĩnh Chi đọc sách gần như mọi lúc, mọi nơi, kể cả lúc kiếm củi. Ông thức dậy từ rất sớm, vào rừng lấy củi xong mới về học tiếp. Nhiều lần, Mạc Đĩnh Chi đến lớp muộn, thầy giáo hiểu được hoàn cảnh của học trò nên không trách phạt.

Nhiều hôm, thầy còn bảo Mạc Đĩnh Chi ở lại làm thêm việc, cốt để ông được ăn bữa no. Mạc Đĩnh Chi còn mượn sách của thầy và bạn để học. Không có tiền mua nến, ông đốt củi, lá cây để đọc sách.

Mạc Đĩnh Chi từ cậu bé đốn củi thành Lưỡng quốc trạng nguyên. (Ảnh minh họa)

Mạc Đĩnh Chi từ cậu bé đốn củi thành Lưỡng quốc trạng nguyên. (Ảnh minh họa)

Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông, triều đình mở khoa thi, Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị Trạng nguyên khi mới hơn 20 tuổi. Thời xưa, người được chấm đỗ thi Đình phải vào yết kiến để vua xét dung mạo rồi mới quyết định cho đỗ hẳn hay không. Khi Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt, vua thấy tướng mạo ông xấu xí nên có ý không muốn cho đỗ trạng.

Biết ý vua, ông đã làm bài "Ngọc tỉnh liên phú" để gửi gắm chí khí của mình. Mạc Đĩnh Chi lấy hình ảnh hoa sen trong giếng ngọc đề cao phẩm chất trác việt và phong thái cao quý của một người khác thường, vượt xa người khác về mọi mặt; song không muốn a dua với người tầm thường để mong cho đời biết đến. Vua Trần Anh Tông xem xong khen là thiên tài rồi cho đậu.

Mạc Đĩnh Chi làm quan trải qua ba đời vua: Anh Tông (1293-1313), Minh Tông (1314-1328), Hiến Tông (1329-1340), làm đến chức Đại Liêu ban Tả bộc xạ (Tể tướng) đứng đầu triều. Trong cuộc đời làm quan, ông đã hai lần được cử đi sứ Trung Quốc.

Với tài hùng biện, Mạc Đĩnh Chi dùng văn chương đấu trí với tất cả vua quan phương Bắc, khiến họ từ tức tối chuyển sang thán phục, buộc vua Nguyên phải phong mình làm trạng nguyên Bắc triều (Lưỡng quốc trạng nguyên).

Không chỉ tài năng, Mạc Đỉnh Chi còn được đánh giá là vị quan liêm khiết, đức độ. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư viết": "Đĩnh Chi là người liêm khiết, sống rất đạm bạc. Vua rất hiểu ông, sai người ban đêm đem 10 quan tiền bỏ vào nhà. Hôm sau Đĩnh Chi vào chầu, tâu vua hay chuyện đó. Vua bảo: "Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu".

Hiện, đền Long Động thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương thờ Mạc Đĩnh Chi. Hàng năm, vào ngày 10/2 âm lịch các chi tộc họ Mạc từ mọi miền đất nước trở về đây thăm đất cũ, bái yết tổ tiên, tưởng nhớ đến vị Lưỡng quốc trạng nguyên của lịch sử Việt Nam.

Thiên Bình

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tu-cau-be-don-cui-thanh-luong-quoc-trang-nguyen-viet-trung-ar920593.html