Bánh mì Chính Lý giữa lòng thủ đô

Nghề làm bánh mì ở xã Chính Lý (Lý Nhân) đã tồn tại trên 30 năm, tuy không phải là nghề truyền thống nhưng được nhiều người dân địa phương theo học và làm nghề. Theo thống kê, hiện toàn xã có khoảng 700 - 800 hộ sản xuất bánh mì, trong số này, đa phần họ chọn cách rời xa quê hương để lập nghiệp với nghề này, đông nhất vẫn là thủ đô Hà Nội.

Quy trình sản xuất bánh mì tại cơ sở sản xuất Hương Lan Bakery, số 234, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) do anh Nguyễn Văn Thể, quê xã Chính Lý (Lý Nhân) làm chủ.

Vào những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm lò bánh mì Hương Lan Bakery, địa chỉ 234 (đường Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) đúng lúc anh Nguyễn Văn Thể, quê ở thôn 7, xã Chính Lý (Lý Nhân), chủ lò bánh mỳ đang chỉ đạo người lao động khẩn trương ra lò mẻ bánh để kịp giao hàng cho khách. Anh Thể đã có gần 20 năm làm nghề bánh mì ở Hà Nội và cũng là một trong những chủ lò làm bánh mỳ lâu nhất ở đây. Anh theo học nghề từ lúc còn trẻ, năm 2002, khi công việc làm ăn ở quê gặp khó khăn, anh cùng gia đình lên đây để làm nghề.

Anh kể lại: Ngày đầu lên đây làm nghề cũng gặp không ít khó khăn, phải thuê nhà, công nghệ sản xuất lạc hậu, bột phải xay thủ công, lò nướng bằng đất nên sản xuất ra một chiếc bánh mì rất vất vả. Nhưng bù lại, thời đó nhu cầu bánh mì của người tiêu dùng rất lớn, lò bánh mì lại ít nên bán rất chạy, khiến anh càng quyết tâm theo nghề. Đến nay, việc làm bánh mì đã nhàn hơn rất nhiều, bánh mì được nướng bằng lò chuyên dụng, năng suất, chất lượng tăng rõ rệt.

Nguyên liệu làm bánh mì chủ yếu vẫn bao gồm bột mì, muối, bột nở, bột tạo độ xốp, trứng, bơ, nước. Để sản xuất ra những chiếc bánh mì với lớp vỏ giòn tan, vàng rộm bên ngoài và lớp ruột mềm mịn bên trong, có mùi thơm ngon đặc trưng, người thợ bánh mì phải luôn chú trọng đến từng công đoạn như trộn bột, chia bột, ra khuôn, nướng, kiểm tra trước khi ra lò. Tất cả đều được sản xuất trên dây chuyền từ máy đánh bột, máy ủ, máy nước, máy cắt để tạo ra nhiều loại bánh như bánh ngọt, bánh nhân bơ, nhân dừa, giúp người tiêu dùng thoải mái lựa chọn các sản phẩm phù hợp với khẩu vị và túi tiền.

Cũng theo kinh nghiệm của anh Thể, để làm ra một chiếc bánh mì ngon thì việc đong đếm nguyên liệu theo đúng tỷ lệ là rất quan trọng. Bánh mặn bao gồm bột mì, muối, bột nở, bột tạo độ xốp (bánh nhân chứng cho thêm trứng để tạo độ ngậy, thơm ngon cho bánh), bánh ngọt cho thêm đường. Khi trộn nguyên liệu xong, quật bột phải bảo đảm thời gian 20 phút bằng thủ công, 10 phút với máy, sau đó nặn thành hình chiếc bánh mì, độ to, nhỏ phụ thuộc vào thị trường và đơn đặt hàng. Ủ 45 phút cho bánh nổi (nở to ra), sau đó đem vào lò nướng ở nhiệt độ 2000C trong khoảng 12 phút.

Đối với bánh thông thường, bánh mặn như thế là xong, đối bánh ngọt, sau khi chín cần phải phết bơ, để nguội, đóng gói trước khi ra thị trường. Hiện tại, gia đình anh Thể có 2 cơ sở sản xuất bánh mì tại Hà Nội, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 5 tạ bột, tương đương với sản xuất 14 nghìn chiếc bánh mì các loại với giá từ 1.700 đồng tới 30 nghìn đồng, tạo việc làm cho 10 lao động, thu nhập bình quân 7,5-8 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, cơ sở của gia đình anh còn chuyên sản xuất các loại bánh sinh nhật phục vụ thị trường. Sản phẩm bánh của cơ sở anh chủ yếu tiêu thụ trên thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Tính trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất bánh mì của gia đình cho doanh thu khoảng 2,5 - 3 tỷ đồng, trừ chi phí cho lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Cũng giống anh Thể, anh Nguyễn Văn Nam, một người dân xã Chính Lý đã hành nghề bánh mì tại thủ đô được 12 năm. Mỗi tháng, từ sản xuất bánh mì, gia đình anh tiêu thụ khoảng 5 tấn bột, chủ yếu là sản xuất bánh mỳ thông thường với giá 1.700 đồng/chiếc. Lò bánh mì của gia đình anh cũng có bí quyết riêng trong việc tạo ra những mẻ bánh chất lượng, tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng. Với việc sản xuất bánh mì như hiện nay, gia đình anh thu lãi từ 12-15 triệu đồng/tháng…

Qua tìm hiểu được biết, tại Hà Nội hiện nay có khoảng trên 300 lò bánh mì do người dân xã Chính Lý làm chủ. Trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng triệu chiếc bánh mì các loại. Cùng với các chủ lò, hiện tại cũng có hàng trăm lao động là người Chính Lý tranh thủ lúc nhàn rỗi lên thủ đô bán bánh mì tại các bến xe, bến tàu, hằng năm mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho mỗi gia đình.

Để hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, Hiệp hội bánh mì xã Chính Lý tại Hà Nội được thành lập từ năm 2015, với 278 thành viên. Hằng năm, hiệp hội đều tổ chức gặp mặt, chia sẻ về kỹ thuật sản xuất, kinh doanh; đồng thời đóng góp quỹ ủng hộ quê hương xây dựng nhiều công trình phúc lợi, thăm hỏi nhau khi có việc hiếu, việc hỉ.

Đồng chí Phạm Sông Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Chính Lý cho biết: Mặc dù là nghề tự phát, nhưng không thể phủ nhận nghề bánh mì đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Theo thống kê không đầy đủ, hiện toàn xã có khoảng 700 - 800 lò sản xuất bánh mì được trải khắp cả nước, trong đó nhiều hộ đã tích cực đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.

Từ nghề sản xuất bánh mì, những năm qua, các hộ này ngoài việc mang lại thu nhập cho mỗi gia đình cuộc sống ổn định, họ còn tích cực đóng góp tiền của xây dựng nông thôn mới tại địa phương, như ủng hộ xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng đường điện chiếu sáng tại các thôn xóm, mua thẻ bảo hiểm cho hộ nghèo...

Trần Ích

Trần Ích

Nguồn Hà Nam: http://www.baohanam.com.vn/doi-song/banh-mi-chinh-ly-giua-long-thu-do-20213.html