Bánh răng bừa tuổi thơ ngày tết!
Những cái tết của một thời thơ ấu ở quê của tôi luôn gắn liền với hình ảnh bà ngoại. Bà đã không còn nữa, nhưng hình ảnh và tình yêu thương của ngoại luôn khắc ghi trong trí nhớ của tôi. Ngoại khéo tay lắm, món bánh răng bừa là món bánh tôi thích nhất và cũng là món mà ngoại thường làm vào mỗi dịp tết đến xuân về.
Có lẽ vì cuộc sống thiếu thốn không có đủ những chiếc áo đủ ấm nên tiết trời quê tôi những ngày cuối năm càng trở nên lạnh giá. Nhưng không vì vậy mà tết bớt đi sự nhộn nhịp. Mới sáng sớm, ngoại đã ra góc vườn chọn và cắt những tàu lá dong vừa vặn, đẹp nhất để chuẩn bị gói những chiếc bánh răng bừa ngày tết.
Hăm chín, ba mươi tết mùi bột nếp, mùi tiêu bắc, hành phi… thơm phảng phất mọi nhà, mấy anh em tôi dù còn ngái ngủ nhưng cũng bừng tỉnh ban mai bởi mùi hương của tết. Những tàu lá dong bánh tẻ được ngoại rửa sạch và lau khô. Công việc vất vả nhất là ngâm gạo rồi xay thành bột bằng chiếc cối đá cũng đã được bà ngoại và mẹ chuẩn bị xong từ khi nào rồi.
Mấy anh em tôi được phụ ngoại việc nhặt hành, ngâm mộc nhĩ rồi sơ chế chúng, mẹ thì băm nhỏ thịt ba chỉ để làm nhân bánh. Ngoại bảo khâu chế bột rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến độ dẻo, độ dai, độ mềm rồi mùi vị của chiếc bánh. Từ lúc xay bột ngoại đã bỏ thêm chút muối để bột bánh khỏi bị chua, khi bắc bột lên bếp nấu, ngoại cho nhỏ lửa, quấy đều tay, phải quấy liên tục nếu không bột sẽ bén nồi và vón cục, đến khi bột sôi lên sền sệt cảm giác nặng nặng tay quấy là được.
Phần nhân bánh, ngoại trộn hỗn hợp đã băm nhỏ gồm thịt, tiêu, hành, mộc nhĩ và nước mắm ướp một lúc, rồi bắc chảo lên bếp cho chút mỡ lợn vào xào thơm. Chỉ xào vừa chín đến thôi, nếu không nhân sẽ bị khô và có mùi khét. Đến đây công đoạn chuẩn bị các nguyên liệu đã hoàn tất, tiếp theo là gói bánh và hấp chín nữa là xong.
Những chiếc lá dong bánh tẻ bà trải ra mâm, bà dùng đũa lấy bột đặc quánh với lượng vừa phải dàn theo chiều dọc lá dong, bỏ nhân vào giữa lớp bột rồi gấp 2 mép chiếc lá dong theo chiều dài, miết chặt tay lại một chút, sau đó gấp vuông vắn 2 đầu lại. Có lẽ khi gói xong, hình chiếc bánh vừa dài vừa nhỏ gọn trông giống cái răng bừa nên mới có cái tên là bánh răng bừa.
Bà đồ bánh trên bếp củi, tầm gần một giờ đồng hồ thì mùi bánh thơm lan tỏa ra tận đầu ngõ nơi lũ trẻ chúng tôi đang vui đùa.
Chỉ chờ có vậy, mấy anh em chúng tôi chạy vào bếp ngồi xung quanh nồi bánh mà thèm thuồng. Và thời khắc trông đợi nhất, thích nhất cũng đến, trước khi nhắc nồi bánh ra, bao giờ bà ngoại cũng gắp vài chiếc bánh, bóc lá để thử xem bánh đã chín kỹ chưa, theo kinh nghiệm nếu bột màu còn đục và còn dính bám lấy lá thì bánh chưa đạt, xuýt xoa mỗi đứa thử một miếng, rồi lao nhao cùng góp ý. Cái miếng bánh ăn thử ấy, với tôi, bao giờ cũng là miếng bánh thơm ngon nhất.
Ngày tết, nhà tôi có làm thêm vài loại bánh nữa, nhưng bánh răng bừa của bà ngoại vẫn là món tôi thích nhất. Thân bánh hình chiếc răng bừa, vừa dai, vừa mềm mà lại dẻo, bánh răng bừa khi ăn chấm cùng với nước mắm cốt có pha thêm tiêu ớt vắt chút nước chanh nữa, ăn đã lắm. Có lẽ bởi cái tiết trời quê tôi ngày tết rất lạnh, nên bánh răng bừa cũng thế mà để được vài ngày, chỉ cần bắc nồi lên bếp mà hấp lại là bánh lại thơm ngon như lúc mới làm.
Bà ngoại đã trở thành người thiên cổ. Bụi lá dong ở góc vườn quê cũng không còn. Những cái tết giờ đây không còn khốn khó như trước kia nữa. Ngày thường cũng có bánh răng bừa để ăn, nếu thèm chỉ cần chạy ù ra đầu ngõ là có. Bánh răng bừa ở phố cũng dẻo, cũng thơm đấy nhưng sao tôi không tìm được cái mùi, cái vị của bánh ngày xưa ngoại làm!