Bánh tẻ của mẹ
Đối với bà Quách Thị Hoan, sinh năm 1961, ở thôn Làng Giàng, xã Thái Niên (huyện Bảo Thắng), những chiếc bánh tẻ, còn gọi là bánh giò, mà bà được mẹ chồng truyền dạy 'bí quyết' từ khi về làm dâu đã trở thành món ăn yêu thích của cả gia đình bà từ hàng chục năm nay.
Theo bà Hoan, bố mẹ chồng bà là người quê gốc ở Hưng Yên, lên Lào Cai khai hoang và sinh sống từ cách đây gần 60 năm. Hơn 40 năm làm dâu, bà Hoan được bố mẹ chồng truyền dạy nền nếp, gia phong của gia đình, dòng họ, trong đó có cách làm những món ăn mà đến giờ vẫn là những món ăn yêu thích và được đại gia đình bà coi là món ăn truyền thống mỗi dịp lễ tết, ngày rằm, mồng một, mừng thọ, đám cưới, đám hỏi hoặc đơn giản là dịp gặp mặt các thành viên trong gia đình. Một trong những món ăn được yêu thích nhất là bánh tẻ.
Bà Hoan cho hay: Ở đây gọi là bánh giò, nhưng ở quê mẹ tôi, người ta hay gọi là bánh tẻ. Ngày mới về làm dâu, năm nào tôi cũng được xem mẹ chồng làm bánh tẻ. Mẹ làm rất khéo, rất ngon, con, cháu ai cũng thích ăn. Bây giờ bà đã gần 90 tuổi rồi, không đủ sức khỏe ngồi làm bánh được nữa, nhưng tôi đã được mẹ dạy làm nhiều nên từ hơn chục năm nay, năm nào tôi cũng thay mẹ làm bánh tẻ cho cả nhà thưởng thức.
Món bánh tẻ thoạt nhìn khá đơn giản: Là một chiếc bánh làm bằng bột gạo tẻ, có nhân thịt thập cẩm và được gói bằng lá chuối. Tuy nhiên, để làm ra được chiếc bánh ấy lại phải trải qua các công đoạn phức tạp. Bà Hoan thường làm trong khoảng 3 tiếng đồng hồ để được một mẻ bánh tẻ, khoảng 40 chiếc. Nhưng trước đó, bà phải ngâm gạo 3 - 5 tiếng trước khi xay thành bột. Sau khi gạo đã được xay thành bột mịn, nhuyễn thì thêm nước lọc, muối rồi quấy đều tay liên tục trên bếp lửa cho đến khi bột chín đều, đặc quánh, dậy mùi thơm. Lượng nước pha vào bột nhiều hay ít tùy vào lượng bột, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng vỏ bánh. Với những người có kinh nghiệm như bà Hoan thì việc thêm nước đã có “cữ” và chất lượng vỏ bánh chưa bao giờ làm bà thất vọng.
Theo bà Hoan, “bí quyết” để có chiếc bánh tẻ ngon mà bà được mẹ chồng truyền dạy là nên chọn gạo Bao Thai để làm bột, bánh sẽ thơm, ngon hơn các loại gạo khác. Khi nấu bột phải nấu bằng nồi gang, trên bếp củi lửa và bánh phải được gói ngay khi bột vẫn còn nóng, bột vẫn mềm, dẻo. Nếu nguội, bột sẽ bị cứng thành mảng, rất khó thêm nhân.
Đối với nhân bánh, các nguyên liệu cần thiết gồm: Thịt xay, mộc nhĩ, hành khô băm nhỏ rồi xào chín, thêm gia vị vừa đủ. Sau khi gói với lá chuối sẽ được cho vào nồi hấp cách thủy trên bếp lửa trong khoảng 1 tiếng. Để biết bánh đạt chuẩn hay chưa, theo kinh nghiệm của bà Hoan, khi vớt bánh ra, bóc thử lớp lá chuối bên ngoài, nếu lá chuối dóc, không bị dính vào phần bột bánh và bánh có màu xanh cốm là bánh vừa ngon. Bà Hoan cho biết thêm: Bánh có thể dùng ăn ngay, nhưng sẽ ngon hơn nếu được chấm với nước mắm, tỏi - ớt - chua.
Dù cách làm và công thức khá giống với chiếc bánh giò mà nhiều nơi vẫn làm, nhưng chiếc bánh tẻ của bà Hoan gói khác biệt ở ngay hình thù. Trong khi chiếc bánh giò thường bày bán được gói khum khum cao như khum bàn tay thì chiếc bánh tẻ mà bà Hoan được mẹ dạy lại thuôn dài, chỉ hơi khum ở giữa.
Trong khi bà Hoan thoăn thoắt với công việc gói bánh thì cô con gái út Đào Thị Hồng của bà đã chuẩn bị sẵn bếp lửa và hấp bánh giúp mẹ. Chị Hồng cho biết: Ngày nhỏ, mỗi lần lễ, tết hoặc gặp mặt gia đình, chị em tôi thường háo hức chạy sang nhà ông bà nội từ sớm để được bà chia bánh tẻ. Mùi vị của chiếc bánh khiến chúng tôi như bị mê hoặc cho đến tận bây giờ. Tôi đang học làm bánh tẻ từ mẹ và thường tranh thủ ngày nghỉ về hỗ trợ mẹ hấp bánh và mang bánh đi giao cho hàng, quán hoặc những nơi nào đặt bánh mẹ gói.
Nhờ mạng xã hội, các con gái đã giúp bà Hoan quảng bá món bánh tẻ của gia đình. Nhiều mối hàng từ đó cũng xuất hiện. 8 nghìn đồng/chiếc bán buôn, 10 nghìn đồng/chiếc bán lẻ, thu nhập từ việc bán những chiếc bánh tẻ dù chưa giúp gia đình bà Hoan làm giàu nhưng cũng góp phần hỗ trợ kinh phí sinh hoạt cho gia đình. Không những vậy, những chiếc bánh tẻ ấy từ bao lâu nay đã có ý nghĩa đặc biệt với mỗi thành viên trong gia đình bà Hoan, bởi mỗi lần được thưởng thức hương vị đậm đà của chiếc bánh là họ nhớ về những ngày thơ ấu được quây quần bên nhau, thưởng thức món bánh tẻ thơm, ngon được làm từ đôi tay khéo léo và tình yêu vô bờ của bà, của mẹ.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/354859-banh-te-cua-me