Bánh tráng Chợ Lầu đắt khách dịp tết

Thời điểm này, các lò bánh tráng lớn, nhỏ tại thị trấn Chợ Lầu (Bắc Bình) đều tất bật, hối hả sản xuất để đủ các đơn hàng phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Bánh tráng Chợ Lầu đắt khách dịp

 Chị Hạnh đang tráng bánh bằng tay.

Chị Hạnh đang tráng bánh bằng tay.

Tất bật mùa tết

Đến làng nghề bánh tráng Chợ Lầu những ngày này, dọc 2 bên tuyến đường giao thông nông thôn hay sân nhà của các hộ dân, hàng ngàn vỉ bánh tráng vừa mới ra lò được xếp ngay ngắn phơi dưới nắng. Ghé nhà chị Hạnh ở khu phố Hiệp Phước - thị trấn Chợ Lầu, chúng tôi cảm nhận không khí làm bánh tráng của mọi thành viên trong gia đình khá tất bật, hối hả. Bên chiếc lò tráng bánh bằng điện, chị Hạnh tay thoăn thoắt vừa múc bột đổ lên khuôn, tráng đều thành chiếc bánh, rồi đậy vung hấp chín, sau đó lấy bánh ra nia. Đứng kế bên là mẹ chồng chị đang lấy từng chiếc bánh chị Hạnh vừa tráng xong đặt lên vỉ tre và đem ra sân phơi cho kịp nắng. Bình thường mỗi ngày chị Hạnh tráng khoảng 700 cái nhưng vào vụ tết thì tăng hơn 1.000 cái. Chị Hạnh học nghề làm bánh tráng từ mẹ mình đến nay đã gắn bó hơn 25 năm. Mỗi ngày chị dậy từ lúc 4 giờ sáng để ngâm gạo, xay bột, pha bột... Khi nắng bắt đầu lên, khoảng 7 giờ sáng chị bắt đầu ngồi vào lò để tráng bánh cho đến khoảng 12 giờ trưa kết thúc. Tuy nhiên vào dịp Tết Nguyên đán, đơn hàng tăng cao, việc tráng bánh của chị sẽ bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn bình thường (khoảng 3 giờ chiều). Chị Hạnh cho biết: “Khoảng từ tháng 10 âm lịch trở lên, khách hàng đặt bánh tráng với số lượng rất nhiều nên có khi làm không kịp để giao cho khách. Không chỉ có khách trong tỉnh mà ngoài tỉnh cũng đặt bánh tráng rất nhiều”.

Không chỉ có lò bánh của chị Hạnh mà các lò bánh tráng lớn, nhỏ tại thị trấn Chợ Lầu cũng đều hối hả làm bánh tráng để kịp các đơn đặt hàng phục vụ cho dịp tết. Bánh tráng Chợ Lầu nổi tiếng có 2 loại, gồm bánh tráng mỏng để cuốn và bánh tráng dày rất nhiều mè để nướng. Theo chia sẻ của các hộ dân, để có những chiếc bánh tráng ngon mang đặc trưng của Chợ Lầu, từ khâu chọn gạo, xay bột, pha chế bột đến kỹ thuật tráng bánh thủ công, phơi bánh, xếp bánh… mọi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ làm bánh.

Giữ nghề

Ông Nguyễn Quốc Khánh – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chợ Lầu cho biết: “Trước đây tại địa phương có khoảng 100 hộ dân làm nghề bánh tráng nhưng đến nay chỉ còn 40 hộ giữ được nghề, tập trung nhiều nhất ở khu phố Xuân An, Xuân Hội, Hiệp Phước… Để giúp bà con vừa ổn định cuộc sống, vừa duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, năm 2003 UBND tỉnh đã công nhận làng nghề bánh tráng Chợ Lầu là một làng nghề tiểu thủ công nghiệp”. Theo ông Khánh, trước đây các hộ dân thường sử dụng lò đun bằng trấu để tráng bánh gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả không cao nên hiện nay nhiều hộ dân đã đầu tư mua lò điện vừa tiện lợi, sạch sẽ. Tuy nhiên, qua rà soát còn 15 hộ dân sử dụng lò trấu. Để hỗ trợ các hộ dân tiếp tục làm nghề bánh tráng, trong năm 2020 Hội Nông dân thị trấn Chợ Lầu đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ 15 hộ dân, mỗi hộ 1 lò điện để sử dụng tráng bánh với tổng kinh phí trên 90 triệu đồng...

Mỗi dịp gần đến tết, bánh tráng Chợ Lầu rất đắt khách, nên các lò bánh tráng lớn, nhỏ tại địa phương phải tăng thời gian sản xuất để phục vụ người tiêu dùng. Cũng được làm từ bột gạo nhưng bánh tráng Chợ Lầu có một hương vị rất riêng, khiến bao người đã thử qua 1 lần đều nhớ mãi. Từ sự dân dã, đậm vị quê đến những nỗi vất vả, những người thợ làm bánh cũng như chính quyền nơi đây đang cố gắng từng ngày để giữ gìn nghề truyền thống của mình.

Thanh ThỦy

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/banh-trang-cho-lau-dat-khach-dip-tet-134301.html