Bánh Trung thu truyền thống chia rẽ người Hong Kong

Dù độ ngọt của bánh Trung thu khiến người dân xứ Cảng Thơm không còn ưa chuộng món ăn này, họ vẫn mua nhiều hộp quà được thiết kế độc đáo với giá thành đắt đỏ.

Người Hong Kong có mối quan hệ yêu - ghét rõ rệt với bánh Trung thu. Trong khi nhiều người cho rằng ai cũng ưu ái loại bánh truyền thống này thì số khác lại thấy ngán ngẩm mỗi lần nghĩ đến vị của chúng.

Andrew Sun, cây viết của tờ South China Morning Post, đã tham khảo ý kiến của bạn bè xung quanh về "bánh mặt trăng".

Hầu như mọi người đều giống như anh, không thể ăn nhiều hơn một miếng. Họ nói rằng chúng quá ngọt, nhiều chất béo, calo và cholesterol.

 Bánh Trung thu ngày này được thiết kế với nhiều kiểu dáng, màu sắc và hương vị. Ảnh: Time Out.

Bánh Trung thu ngày này được thiết kế với nhiều kiểu dáng, màu sắc và hương vị. Ảnh: Time Out.

“Ai cũng vui vẻ mong chờ đón Tết Đoàn viên nhưng không dành quá nhiều sự háo hức cho bánh Trung thu”, Andrew chia sẻ.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận loại bánh này mang ý nghĩa đặc biệt với người dân xứ Cảng Thơm. Cứ đến tháng 8 Âm lịch, họ lại mua rất nhiều khay thiếc, hộp quà được thiết kế độc đáo với giá thành đắt đỏ cho bạn bè và người thân.

Nó tượng trưng cho sự đủ đầy, viên mãn và hạnh phúc. Vào dịp lễ này, các gia đình Hong Kong sẽ sum vầy, cùng ăn bánh, uống trà hoa cúc, ngắm trăng tròn và thắp đèn lồng.

Đường phố cũng nhộn nhịp hẳn lên khi được trang trí cờ phướn, pháo và có đoàn người diễu hành. Ngay cả trong đại dịch, truyền thống này vẫn không bị mai một.

Trước đây, "bánh mặt trăng" chỉ bán trong dịp Tết Đoàn viên và sẽ được dùng để làm đồ cúng.

Kể từ khi xứ Cảng Thơm trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào thập niên 60, bánh Trung thu đã được thương mại hóa và phổ biến mạnh mẽ với thiết kế tinh xảo, dành để biếu bạn bè, khách hàng cả năm chứ không riêng rằm tháng 8.

Nhiều người mới tiếp cận với phong tục Hong Kong và Trung Quốc tin rằng không ăn hết chiếc bánh trong một lần là vi phạm văn hóa.

Theo một cuộc khảo sát của nhóm môi trường Green Power, hơn 1,9 triệu bánh Trung thu đã bị người Hong Kong bỏ vào thùng rác trong năm 2019.

Một nửa số người được phỏng vấn nói rằng họ không muốn nhận thêm bất kỳ hộp bánh nào. Bên cạnh đó, 90% trả lời những món quà thay thế như giỏ trái cây được ưu tiên hơn. Hoặc họ chỉ cần góp mặt trong bữa tiệc sum họp gia đình.

 Bánh Trung thu tượng trưng cho sự viên mãn, tròn đầy. Ảnh: SCMP.

Bánh Trung thu tượng trưng cho sự viên mãn, tròn đầy. Ảnh: SCMP.

Trong những năm gần đây, nhiều công ty đã tạo ra những kiểu dáng hiện đại cho bánh Trung thu. Một số nơi thay thế phần bên trong dày, ngọt truyền thống - vốn được làm từ nhân sen, vừng, đậu xanh, đậu đỏ, hạt - bằng một loại sữa trứng nhẹ hơn.

Thậm chí, những vị mới lạ như da tuyết, lấy cảm hứng từ lớp vỏ bột gạo nếp trắng của món tráng miệng mochi, chocolate, trà xanh, kem… cũng lần lượt ra đời.

Nếu không tìm được hương vị yêu thích, khách hàng có thể chọn những chiếc hộp có bao bì hấp dẫn, màu sắc bắt mắt. Nhiều người thích sưu tập hộp rỗng để đựng đồ lặt vặt hoặc trang sức của họ.

Sự đa dạng trong thị trường khiến các nhà sản xuất cũng phải liên tục ra mắt những mẫu mã mới để vượt mặt nhau và lôi kéo người tiêu dùng.

Ngay cả những công ty không liên quan đến thực phẩm như làm đẹp, khách sạn cũng tham gia vào đường đua hàng năm.

Tuy ngày nay sự yêu thích dành cho bánh Trung thu đã giảm đi phần nào, nó vẫn có ý nghĩa về mặt tinh thần với người dân xứ Cảng Thơm.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/banh-trung-thu-truyen-thong-chia-re-nguoi-hong-kong-post1349154.html