Báo Anh rộ tin Mỹ giáng đòn mạnh về tên lửa Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc một chiến lược có thể cho phép Hoa Kỳ phản ứng mạnh mẽ hơn về tên lửa Iran.
Reuters dẫn sáu nguồn tin là các cựu quan chức và cả những người đương nhiệm trong chính phủ Mỹ cho biết, đề xuất trên nhắm tới các lực lượng của Iran, các lực lượng thân cận người Hồi giáo Shiite của nước này tại Iraq và Syria cũng như sự hỗ trợ của họ đối với nhiều nhóm vũ trang trong khu vực.
Chiến lược này do Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson, cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và các quan chức hàng đầu khác soạn thảo và đã đệ trình lên Tổng thống Trump tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 8/9, những nguồn tin trên cho hay.
Văn bản này có thể đạt được sự nhất trí và công khai vào cuối tháng 9, hai trong số các nguồn tin cho biết. Theo Reuters, tất cả các quan chức trên đều thân cận với dự thảo và đã yêu cầu giấu tên vì ông Trump chưa công bố vấn đề.
Trái ngược với các hướng dẫn chi tiết của Tổng thống Barack Obama và một số người tiền nhiệm, ông Trump dự kiến sẽ thiết lập các mục tiêu và đối tượng chiến lược trên quy mô rộng trong chính sách chung, tuy nhiên, sẽ để cho các chỉ huy quân sự, các nhà ngoại giao và các quan chức Mỹ thực hiện kế hoạch, một quan chức cao cấp nói.
"Dù chúng tôi thông qua nội dung gì, chúng tôi cũng muốn thực hiện chúng cùng các đồng minh ở mức độ cao nhất có thể", quan chức này nói thêm.
Nhà Trắng từ chối bình luận về vấn đề này.
Chi tiết chiến lược mới
Kế hoạch này nhằm tăng áp lực lên Tehran nhằm hạn chế các chương trình tên lửa đạn đạo và sự hỗ trợ của nước này đối với các lực lượng vũ trang khu vực, một số nguồn tin cho hay.
Một quan chức khác cho biết: "Tôi sẽ gọi đây là một chiến lược rộng đối với hàng loạt các hoạt động được cho là nguy hiểm của Iran: hỗ trợ về tài chính, ủng hộ khủng bố, bất ổn trong khu vực, đặc biệt là tại Syria, Iraq và Yemen."
Đề xuất này cũng nhằm vào các gián điệp qua mạng cùng nhiều hoạt động khác, cũng như nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, theo quan chức trên.
Chính quyền Mỹ vẫn đang tranh luận về lập trường mới với thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, được ông Obama thúc đẩy thông qua nhằm hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Bản dự thảo lần này cũng kêu gọi xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt hơn nếu Iran vi phạm thỏa thuận năm 2015.
Tàu chiến Iran và Mỹ được cho là đã nhiều lần đối đầu nhau tại Vịnh Ba Tư. (Nguồn: Reuters)
Đề xuất trên bao gồm sự can thiệp mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ đối với việc vận chuyển vũ khí của Iran, như đối với các lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen và nhiều nhóm vũ trang Palestine ở Gaza và Sinai của Ai Cập, hai nguồn tin cho biết.
Kế hoạch này cũng đề nghị Mỹ cần phản ứng mạnh mẽ hơn ở Bahrain – nơi vẫn tồn tại căng thẳng giữa chế độ quân chủ Hồi giáo Sunni và đa số dân là người Shiite – hiện đang đòi hỏi cải cách, các nguồn tin cho hay.
Ngoài ra, lực lượng hải quân Mỹ có thể phản ứng mạnh mẽ hơn khi bị quấy rối bởi các tàu cao tốc của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), ba nguồn tin cho hay.
Các tàu của Mỹ đã từng nổ súng và phóng tín hiệu cảnh báo để đẩy lùi các tàu của IRGC khi cho rằng những chiếc tàu này đe dọa lực lượng phía Mỹ tại Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz. Các chỉ huy của Mỹ hiện tại chỉ được phép sử dụng hỏa lực khi nhận định rằng tàu và mạng sống của thủy thủ đoàn đang bị nguy hiểm. Các nguồn tin không cung cấp chi tiết về những thay đổi được đề xuất về các quy định này.
Ưu tiên chống Nhà nước Hồi giáo (IS)
Kế hoạch này không bao gồm việc gia tăng hoạt động quân sự của Mỹ tại Syria và Iraq. Các trợ lý an ninh quốc gia của ông Trump cho rằng một phản ứng quân sự cứng rắn hơn đối với những lực lượng thân cận Iran tại Iraq và Syria sẽ làm phức tạp cuộc chiến chống IS của Mỹ - điều họ cho rằng nên là ưu tiên hàng đầu hiện nay, bốn nguồn tin cho hay.
Hai ông Mattis và McMaster, cũng như những người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ và Bộ Tư lệnh Đặc nhiệm Hoa Kỳ, đã phản đối việc cho phép các chỉ huy Mỹ ở Syria và Iraq phản ứng mạnh mẽ hơn với IRGC, Hezbollah và các lực lượng dân quân Shi'ite do Iran bảo trợ, bốn nguồn tin cho biết.
Các cố vấn này lo ngại rằng những quy định cho phép mạnh tay hơn có thể khiến quân đội Mỹ chệch hướng khỏi việc đánh bại những tàn dư IS, nhiều nguồn tin cho hay.
Một quan chức chính quyền cấp cao nói, các quy tắc nới rộng hơn có thể đưa Hoa Kỳ vào cuộc xung đột với Iran trong khi lực lượng Mỹ vẫn đang còn đối mặt nhiều cuộc xung đột khác- trong bối cảnh ông Trump đã cho phép tăng quân tại Afghanistan.
Một cựu quan chức Mỹ cho biết Hezbollah và những người Shi'ite ủng hộ Iran ở Iraq đã "rất hữu ích" trong việc tái chiếm lại những khu vực rộng lớn IS đã nắm giữ tại Iraq và Syria từ năm 2014.
Trong khi đó, sự phản đối của ông Trump đối với thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Phần lớn các quan chức an ninh quốc gia trong chính quyền Mỹ hiện nay vẫn ủng hộ thỏa thuận này, tương tự như các đồng minh của Mỹ là Israel và Saudi Arabia, bất chấp việc họ vẫn bày tỏ nghi ngờ về sự tuân thủ của Iran, các quan chức Mỹ đã tham gia vào các cuộc thảo luận cho biết.
"Vấn đề chính đối với chúng tôi là để Tổng thống không loại bỏ JCPOA. Nhưng ông ấy đang có những cảm xúc mạnh mẽ, được ủng hộ bởi (Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ) Nikki Haley, rằng họ nên mạnh tay hơn với Iran ", một trong hai quan chức Mỹ nói. "Hầu như tất cả các chiến lược được trình bày cho ông ấy đều là những nỗ lực cố gắng bảo vệ JCPOA nhưng lại có những điều chỉnh về những vấn đề khác."
(Theo Reuters)