Báo Bãi Sậy và các Bản tin Hưng Yên trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thực hiện chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tập trung giải quyết hai nhiệm vụ cấp bách là cứu đói và xóa nạn mù chữ. Toàn tỉnh dấy lên phong trào tăng gia sản xuất và bình dân học vụ. Nhờ sự cố gắng của Nhân dân và hỗ trợ của Chính phủ, dần dần nạn đói được đẩy lùi, số người biết chữ tăng lên gấp đôi. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, từ ngày 19/12/1946, báo Bãi Sậy được tái bản. 10 ngày đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ, báo Bãi Sậy được xuất bản hằng ngày, in ngay tại thị xã Hưng Yên. Sau, để đáp ứng yêu cầu tiêu thổ kháng chiến, nhà in đi sơ tán, báo tiếp tục được xuất bản nhưng phát hành không đều kỳ như trước đây. Càng ngày chiến tranh càng ác liệt, báo phải chuyển thành bản tin. Những bản tin Hưng Yên khi ấy tích cực hiệu triệu toàn dân trong tỉnh đoàn kết hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ! Các tờ báo Bãi Sậy, các bản tin Hưng Yên như mạch máu cuộc kháng chiến không ngừng chảy, vẫn là nguồn lực tinh thần to lớn động viên quân, dân sản xuất, chiến đấu, bảo vệ làng xóm, quê hương.

Ba năm đầu của cuộc kháng chiến (1946-1949), Đảng bộ Hưng Yên đã lãnh đạo quân, dân trong tỉnh vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Hoạt động thông tin, báo chí giai đoạn này vẫn được duy trì tương đối đều đặn. Cơ sở in báo của tỉnh phải thường xuyên thay đổi địa điểm để tránh sự càn quét của địch. Công nghệ in thời kỳ này rất cũ kỹ, lạc hậu, nhà in chỉ có một máy in Mi-ne đạp chân trưng thu của tư nhân. Giấy in báo, tài liệu, truyền đơn, bản tin... hầu hết in bằng giấy dó, hoặc giấy học sinh. Mặc dù cơ sở vật chất hết sức khó khăn, nguyên vật liệu thiếu, song tin tức thời sự, diễn biến của cuộc kháng chiến toàn quốc vẫn đến với quần chúng trong tỉnh thường xuyên, củng cố lòng tin của Nhân dân vào Đảng, vào chính quyền cách mạng, tin tưởng vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến. Thời kỳ này, phòng thông tin ở các huyện cũng xuất bản các tờ tin địa phương để phản ánh kịp thời diễn biến cuộc sống chiến đấu, sản xuất ngay tại địa bàn.

Cuối năm 1949, thực dân Pháp mở trận càn Điabơlô với một lực lượng lớn (khoảng 4 nghìn quân) ào ạt tiến công về bốn phía đánh phá nốt 5 huyện phía Nam Hưng Yên và 5 huyện Tây Nam tỉnh Hải Dương. Mục đích của địch là tái chiếm vùng tự do phía Nam tỉnh. Hưng Yên trở thành vùng khó khăn nhất trên chiến trường miền Bắc. Song, cơ quan thông tin tuyên truyền tỉnh vẫn quyết dựa vào dân, bám trụ gây cơ sở cách mạng trong lòng dân để hoạt động. Tờ tin Hưng Yên được rút lại khổ nhỏ 2 trang, mỗi tuần phát hành một số. Việc biên soạn, in ấn hoàn toàn thực hiện trong hoàn cảnh cơ động dựa vào dân, được dân che chở. Suốt 15 tháng trời ròng rã trong vùng kìm kẹp của địch (từ cuối tháng 12/1949 đến hết tháng 3/1951 khi ta mở khu du kích), tình hình Hưng Yên hết sức khó khăn. Nhân dân và cán bộ kháng chiến nói chung, những người làm báo nói riêng đều thể hiện rõ bản chất cách mạng, lòng tin sắt đá vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo.

Tuy điều kiện khó khăn gian khổ như vậy, những tờ tin đã kịp thời chuyển tải các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh chỉ đạo kháng chiến chuyển về các huyện, các cơ sở. Trong gian khó hiểm nguy, những người làm báo vẫn được Nhân dân hết lòng thương yêu, bảo vệ, đùm bọc. Những tin chiến thắng sốt dẻo, những tội ác của giặc còn hừng hực lửa căm thù... vẫn được ấn hành. Đặc biệt, những người làm báo còn đến những nơi có chiến sự vừa viết tin, bài, vừa cùng bộ đội, du kích dùng loa tay chĩa vào đồn bốt kêu gọi địch bỏ súng về với cách mạng, với Nhân dân.

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chinh-tri/202306/bao-bai-say-va-cac-ban-tin-hung-yen-trong-cuoc-khang-chien-9-nam-chong-thuc-dan-phap-40f032f/