Bão Bebinca và rãnh áp thấp có ảnh hưởng tới Việt Nam?

Tổng cục Khí tượng thủy văn đã có những nhận định về việc Bão Bebinca đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương cũng như dải hội tụ nhiệt đới trên biển Đông có ảnh hưởng tới Việt Nam hay không

Bộ TN-MT dự báo Bebinca sẽ đổ bộ vào khu vực phía Đông Trung Quốc và không ảnh hưởng đến Việt Nam

Bộ TN-MT dự báo Bebinca sẽ đổ bộ vào khu vực phía Đông Trung Quốc và không ảnh hưởng đến Việt Nam

Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết hiện nay đang có cơn bão Bebinca đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương, dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực phía Đông Trung Quốc và không ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ngoài ra, trên Biển Đông hiện đang tồn tại dải hội tụ nhiệt đới (rãnh áp thấp) kết hợp gió mùa Tây nam mạnh sẽ gây mưa cho khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ đến ngày16-9, lượng mưa phổ biến 40-80 mm, thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm. Hình thái mưa này không ảnh hưởng lớn đến Bắc Bộ.

Cảnh báo thời tiết nguy hiểm trong thời gian tới

Bộ TN-MT dự báo thời tiết Bắc Bộ trong 7 ngày tới chủ yếu ít mưa, ngày nắng gián đoạn. Riêng giai đoạn từ đêm 15 đến ngày 17-9, khu vực Bắc Bộ trong đó trọng tâm là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh và Hải Phòng có mưa vừa, lượng mưa phổ biến 10-30 mm/ngày, cục bộ có mưa to trên 50 mm/ngày.

Về dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian tới, Bộ TN-MT cho biết mực nước lũ ở hạ lưu sông Hồng hiện tại đang xuống nhưng vẫn còn ở mức cao, tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ giảm dần trong những ngày tới. Trong đó thời gian nước rút ở vùng trũng thấp ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ từ 8-10 ngày, ven sông Tích khoảng 5-7 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 2-4 ngày, sông Nhuệ từ 2-3 ngày.

Khu vực ngoài đê hạ lưu sông Hồng- Thái Bình (tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương) thời gian rút nước kéo dài từ 3-5 ngày, đối với các vùng không chủ động tiêu thoát thì khả năng kéo dài hơn.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tục tìm kiếm 14 người đang còn mất tích ở thôn Làng Nủ, Lào Cai

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tục tìm kiếm 14 người đang còn mất tích ở thôn Làng Nủ, Lào Cai

Trong những ngày tới khi nước lũ xuống trên các hệ thống sông sẽ có nguy cơ gây sạt lở bờ sông, nhất là ở những nơi vừa xuất hiện đỉnh lũ cao (đêm 13-9 đã xảy ra tại sông Chảy thuộc địa phận huyện Yên Bình, Yên Bái).

Mặc dù hiện nay mưa đã giảm, nhiều nơi không mưa, nhưng nguy cơ xảy ra sạt lở đất vẫn ở mức cao, đặc biệt trên các sườn dốc ở khu vực miền núi phía Bắc, nhất là Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng (thực tế đã xảy ra tại TP Yên Bái và các huyện Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên (Yên Bái) trong các ngày 12 và 13-9).

Từ nay đến hết tháng 9-2024, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 cơ bão (khả năng tập trung vào 10 ngày cuối tháng 9) và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Cảnh báo có nguy cơ cao xảy ra mưa lũ dồn dập ở Trung Bộ trong thời kỳ mưa lũ tháng 10 đến tháng 11-2024.

Đề xuất những việc cần làm ngay

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ TN-MT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ. Trong đó, Bộ TN-MT tiếp tục tổ chức các đợt điều tra, khảo sát, tình hình ngập lụt và tại các vị trí đã và đang xảy ra hiện tượng trượt, sạt lở đất đá; khoanh định chi tiết các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất để cảnh báo.

Rà soát tổng thể, điều chỉnh các quy trình liên hồ chứa các hồ chứa trên cơ sở cập nhật, tính toán, xem xét đầy đủ, toàn diện các tình huống bất thường, khẩn cấp, kịch bản biến đổi khí hậu,… khi đủ điều kiện thì điều chỉnh Quy trình vận hành theo hướng thời gian thực.

Nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường (quy định tại Khoản 8 Điều 50 Luật Tài nguyên nước năm 2023).

Mưa lớn gây ra nhiều vụ sạt lở đất tại tỉnh Yên Bái

Mưa lớn gây ra nhiều vụ sạt lở đất tại tỉnh Yên Bái

Tiếp tục tuyên truyền phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân nhận biết nguy cơ, dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, kỹ năng ứng phó. Bộ TT-TT tăng cường công tác rà soát chấn chỉnh việc lợi dụng thông tin để đăng tải giật tít câu view không đúng với thông tin dự báo, cảnh báo, cũng như diễn biến thiên tai tại các khu vực.

Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT và các địa phương đôn đốc các cơ quan chức năng, các chủ hồ chứa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; thực hiện chế độ quan trắc, thông tin hồ chưa theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Đồng thời, rà soát các phương án vận hành hồ chứa với kịch bản mưa lũ cực đoan, đặc biệt là khu vực miền Trung đang được cảnh báo khả năng xảy mưa lũ dồn dập và mùa lũ kết thúc muộn trong các tháng 10 và tháng 11-2024 do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.

Kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam theo Quyết định số 1262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tập trung điều tra, đánh giá, khảo sát bổ sung cơ sở dữ liệu về thiên tai sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn; lập bản đồ phân vùng nguy cơ, bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho các vị trí, khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét tại địa phương.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bao-bebinca-va-ranh-ap-thap-co-anh-huong-toi-viet-nam-196240916084513943.htm