Báo Cao Bằng trong thời kỳ đầu đổi mới đất nước 1986 - 1995

Giai đoạn này, Báo Cao Bằng được Tỉnh ủy chỉ ra một cách toàn diện trong Nghị quyết số 86-NQ/CB ngày 19/5/1982 về cả tổ chức, nội dung, hình thức, phương tiện vật chất kỹ thuật... Nhiệm vụ đặt ra cho Báo Cao Bằng là phải phấn đấu từng bước sự đổi mới tư duy, tư tưởng, tác phong và nghiệp vụ để tổ chức tuyên truyền phục vụ đường lối đổi mới của Đảng.

Ban Biên tập tích cực triển khai, những vấn đề có thể làm ngay không phụ thuộc vào khách quan, như: Tổ chức nghiên cứu các nghị quyết của Trung ương Đảng và của tỉnh để nắm vững những quan điểm lớn xuyên suốt của quá trình xây dựng và đổi mới đất nước; nghiên cứu các chính sách mới chuyển toàn diện nền kinh tế bao cấp tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước...

Số báo xuất bản ngày 1/1/1987.

Số báo xuất bản ngày 1/1/1987.

Về nhận thức, sự chuyển đổi nền kinh tế buổi đầu còn rất lạ lẫm với cả cán bộ và nhân dân. Người làm báo phải kịp thời thay đổi suy nghĩ và thói quen cũ, tăng cường xuống cơ sở để phát hiện cái mới và ủng hộ cái mới, dù cái mới ấy chưa lớn nhưng là chồi non của nền kinh tế chuyển đổi.

Cao Bằng lúc bấy giờ có nhiều luồng tư tưởng khác nhau, rất ngỡ ngàng chưa hiểu tình hình xã hội, công ăn việc làm, đời sống rồi đây sẽ ra sao, nhất là khi thấy tình hình "bung ra" buôn bán làm ăn rất mạnh, lều quán dựng lên khắp nơi trong một thời gian ngắn, các công ty, xí nghiệp Nhà nước cũng bắt đầu tìm cách vận dụng chủ trương, chính sách mới để thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển như làm kế hoạch 3 để cải thiện đời sống... Những ngày tháng đầu đã có hai luồng tư tưởng khác nhau: một số thì thấy thị trường thông thoáng dễ chịu hơn; một số thì lại đánh giá là quá lộn xộn...

Trong khi vẫn kiên trì thông tin, giải thích các chủ trương, chính sách mới của Đảng về phát triển nền kinh tế toàn diện, nhiều thành phần là cần thiết, Ban Biên tập và phóng viên tỏa về khắp các vùng, các địa phương, xí nghiệp, công trường nghe cán bộ cơ sở, nghe nông dân, công nhân nói, tận mắt nhìn những việc họ làm được, những suy nghĩ mạnh dạn, táo bạo của người quản lý, người lao động và cấp ủy Đảng ở đó. Báo đã có được những tin tức và những bài điều tra có tiếng vang như: Hợp tác xã mua bán trên đỉnh đèo Mã Phục (Trà Lĩnh) từ hai bàn tay trắng sau mất mát trong cuộc chiến bảo vệ biên giới đã nhanh chóng vươn lên tạo nguồn hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân các dân tộc cả một vùng rộng lớn, giảm bớt khó khăn cho mọi gia đình. Hợp tác xã mua bán trên đỉnh đèo Mã Phục đã trở thành điểm sáng của ngành thương nghiệp trong thời kỳ đầu đất nước đổi mới.

Trong công tác tuyên truyền, Báo còn góp phần uốn nắn những lệch lạc, những việc làm quá đà ngoài hành lang pháp lý, chống buôn lậu, trốn thuế, lợi dụng các chính sách mới chưa hoàn thiện hoặc các chính sách cũ để vụ lợi cá nhân...

Khi cả nước dấy lên phong trào hưởng ứng bài báo: "Những việc cần làm ngay" của tác giả NVL (đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh). Bài báo bao hàm những nội dung hợp ý Đảng lòng dân, những vấn đề mà bao lâu nay ít ai dám nói ra, nỗi bức xúc của xã hội, của mỗi gia đình, mỗi đơn vị và mỗi người. Nhận rõ cơ hội đây là dịp tốt để đẩy mạnh tuyên truyền cho độc giả đọc báo Đảng địa phương, Báo Cao Bằng tổ chức đợt tuyên truyền thực hiện "Những việc cần làm ngay" với tinh thần: "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật". Báo đăng bài của đồng chí NVL và có thêm bài bình luận: Làm gì, làm thế nào để thực hiện tốt "Những việc cần làm ngay". Chỉ vài ngày sau khi Báo đến tay bạn đọc, Tòa soạn không chỉ nhận được nhiều thư bạn đọc hưởng ứng, hoan nghênh mà còn nhận được những góp ý kiến xây dựng về phong cách làm việc của cán bộ chưa sâu sát cơ sở, những biểu hiện thiếu dân chủ, áp đặt, mệnh lệnh đang tồn tại ở nhiều địa phương, cơ quan, xí nghiệp. Báo đã khai thác, đăng tải hầu hết thư bạn đọc tâm huyết gửi cho Báo Đảng những sự thật mà bấy lâu nay bị chìm đi vì bệnh thành tích chỉ nói toàn mặt tốt, còn khuyết điểm thì bỏ qua. Báo còn đăng nhiều thơ ca, hò vè, tranh vẽ xây dựng tinh thần dám nói thật về những gì chưa làm tốt mà trước đây chưa nói, sợ mất thành tích thi đua. Qua tin, bài từ cộng tác viên, thông tin viên gửi đến thấy rõ lâu nay trong hợp tác xã thường giấu sản lượng, làm hai phương án ăn chia để giảm bớt nghĩa vụ đóng thuế và bán lương thực, thực phẩm cho Nhà nước. Phổ biến nhất trong nông nghiệp là giấu năng suất và sản lượng, trong các cơ quan, xí nghiệp là bệnh thành tích, không dám nói khuyết điểm cụ thể, thổi phồng thành tích, thiếu dân chủ trong quản lý điều hành công việc...

Thời kỳ đầu chuyển đổi nền kinh tế, trong nông dân xuất hiện tư tưởng từ nay nhà nông tự lo liệu lấy sản xuất và cuộc sống, nhà nước không giúp mình như trước nữa. Bằng thực tế việc làm để bà con nông dân thấy được Đảng và Nhà nước vẫn coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, Báo đã tăng cường đưa tin những việc mà lãnh đạo tỉnh và các ngành đã và đang làm để giúp nông dân thâm canh tăng năng suất cây trồng và vật nuôi như: đã cung cấp hàng vạn tấn phân bón, hàng trăm tấn giống ngô lai, đỗ tương, thuốc lá, lạc và giống lợn lai với giá ổn định; các công trình thủy lợi lớn, nhỏ được xây dựng, ưu tiên cung cấp điện cho các trạm bơm phục vụ tưới tiêu; các trạm thú y đã kịp thời giúp những vùng có dịch bệnh trâu bò dập tắt nhanh dịch bệnh, hạn chế được thiệt hại cho các gia đình và hợp tác xã. Đặc biệt, Báo đưa tin hàng trăm cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp được tỉnh cử về các xã, hợp tác xã tập huấn kỹ thuật thâm canh cây trồng, chăm sóc vật nuôi, biết cách dùng giống mới... góp phần động viên phong trào thi đua trong nông thôn, giữa các vùng miền toàn tỉnh. Năng suất ruộng lúa đạt năng suất cao, năng suất cây đỗ tương giống mới đạt năng suất gấp hơn hai lần giống cũ, hay vùng ngô giống mới năng suất đạt trên một tấn một hécta đăng tải trên Báo đã làm cho nông dân nhiều vùng quê tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm theo cách làm ăn mới. Báo đã đề cao những tấm gương cán bộ về cơ sở tận tâm, tận lực phục vụ nông nghiệp, chỉ đạo có kết quả ở những vùng thâm canh cao sản; biểu dương các đơn vị điển hình chỉ đạo sản xuất giỏi, đạt năng suất lúa, ngô, thuốc lá, đỗ tương cao, góp phần tạo thêm lòng tin tỉnh Cao Bằng có thể phấn đấu tự lo được nhu cầu lương thực trong một vài năm trước mắt. Những cái tên như: xã Vĩnh Quang (huyện Hòa An, nay thuộc thành phố Cao Bằng), xã đạt 5 tấn thóc/héc ta; các xã vùng cao núi đá Hạ Thôn, Tổng Cọt (Hà Quảng) mở rộng diện tích giống ngô mới đạt tới 2 tấn/héc ta gấp gần ba lần năng suất cũ, hay vùng đỗ tương dùng giống ĐT80 đạt năng suất tới 18 tạ một héc ta cao gấp hơn hai lần giống cũ địa phương đã được nêu nổi bật trên Báo Đảng. Báo còn viết bài biểu dương những cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về giúp các địa phương tạo nên thành tích hiếm có ở tỉnh Cao Bằng. Sau này phong trào thi dua học tập vùng lúa, ngô, đỗ cao sản trở thành tự giác ở nhiều địa phương và năm nào cũng có thêm các điển hình mới thường xuyên được xuất hiện trên Báo Đảng sau mỗi mùa vụ.

Trong thời kỳ đổi mới, Báo Cao Bằng còn rất thành công gây dựng nên phong trào làm kinh tế gia đình trong toàn tỉnh rất sôi nổi. Từ một vườn mơ, mận nhỏ lẻ trong một gia đình đã gây sự chú ý cho hàng nghìn gia đình cán bộ, đảng viên, nông dân ở khắp các vùng tham quan làm theo. Báo đưa một gương điển hình là nhà ông Kình, nông dân trồng rau ở thị xã Cao Bằng, ở nơi sơ tán chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, sau khi đất nước toàn thắng, gia đình ông ở lại gây dựng một trang trại nhỏ, chỉ 10 gốc mơ cho gia đình thu nhập tới 10 triệu đồng. Chuyện làm kinh tế vườn của gia đình ông Kình đã có sức hấp dẫn rất mạnh. Từ năm 1991-1993, phong trào làm kinh tế vườn phát triển rộng khắp. Từ chỗ chỉ chú tâm xây dựng vườn cây ăn quả (mơ, mận, dẻ, cam, quýt), nông dân lại có sáng kiến làm kinh tế vườn, ao, chuồng (VAC). Rất nhiều trang trại gia đình thu nhập khá nhờ làm kinh tế VAC. Một thời gian dài, trên mặt Báo mỗi kỳ đều đặn giới thiệu cá nhân, gia đình, cán bộ, đảng viên làm kinh tế vườn đồi giỏi, chỉ tính đến hết năm 1993, nhờ làm kinh tế vườn đồi (kinh tế VAC) mà tỉnh Cao Bằng trong 10 năm đầu đổi mới đã có hàng trăm gia đình từ nghèo trở thành triệu phú. Trong cuộc hội thảo tháng 5/1993 do Thường trực Tỉnh ủy chủ trì đã biểu dương khen thưởng 24 đảng viên tiêu biểu làm kinh tế VAC, đây là lực lượng nòng cốt, là tấm gương sáng để mọi người học hỏi làm theo, tạo không khí thi đua thực hiện mục tiêu 650 tấn quả mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra. Những tấm gương tiêu biểu kể trên đều đã được phóng viên và cộng tác viên phát hiện, lần lượt giới thiệu từ trước khi có cuộc hội thảo. Thường trực Tỉnh ủy và Ban Kinh tế Tỉnh ủy đã hoan nghênh Báo Đảng góp phần có hiệu quả vào phong trào thi đua làm kinh tế vườn đồi trong tỉnh.

Mặc dù Báo đã hết sức cố gắng phấn đấu từng bước tự đổi mới để phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng địa phương, tất cả khó khăn thiếu thốn, gian nan, vất vả đều vượt qua được. Nhưng để cho tờ báo có hình thức đẹp hơn, hấp dẫn thêm bạn đọc lại gặp trở ngại kéo dài. Suốt từ năm 1979 đến năm 1993, báo vẫn in bằng công nghệ tipô, máy cũ, chữ thiếu, giấy thô, ấn phẩm in ra rất chậm, ảnh mờ, chữ mất dấu (vì thiếu chữ), bạn đọc gửi thư phê bình Tòa soạn.

Vấn đề in của báo được đặt ra với Ban Thường vụ Tỉnh ủy từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII (1991 - 1995). Đầu đầu tháng 7/1993, Thường vụ Tỉnh ủy chuẩn y cho phép Báo Cao Bằng được in tại Hà Nội. Trong điều kiện làm việc còn rất thủ công sẽ vất vả, nhưng cơ quan Báo chấp nhận cho tờ báo Đảng nhanh chóng thay đổi diện mạo. Tuy nhiên, kỳ xuất bản phải dồn lại thành tuần báo, 8 trang. Nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo Xí nghiệp In Thông tấn xã Việt Nam, Báo ra nhanh, đẹp, in hai màu trên giấy tốt, ảnh rõ nét, các cỡ tít bài phong phú, giấy trắng, giá thành không tăng. Từ đây, Báo đã thay đổi hoàn toàn về kỹ thuật in, đi đôi với nội dung tiếp tục được cải tiến, ấn phẩm đến tay bạn đọc đều đặn và nhanh. Nhiều bạn đọc ở các địa phương trong tỉnh gửi thư về chúc mừng và khen Báo in đẹp, rõ.

Số báo xuất bản ngày 2/1/1990.

Số báo xuất bản ngày 2/1/1990.

Trong 10 năm đầu (1986 - 1995), phục vụ đường lối đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước, địa phương, Báo Đảng đã từng bước tự đổi mới trong buổi đầu khó khăn để làm tròn nhiệm vụ là cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Từ một tờ báo tỉnh hậu phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trở thành tờ báo tỉnh tiền tuyến những năm 1979 - 1990, anh chị em làm Báo Đảng đã thay đổi nhận thức, tư tưởng, tác phong, tổ chức và nghiệp vụ cho phù hợp với thời kỳ mới. Trong hoạt động của mình, Báo Cao Bằng luôn bám sát sự chỉ đạo của Đảng phấn đấu và học tập vươn lên cố gắng hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kiên trì tuyên truyền điển hình, mô hình, nhân tố mới trong những năm đầu thực hiện các nghị quyết, các chủ trương chính sách mới của Đảng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, nền kinh tế nhiều thành phần, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng, vấn đề then chốt xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch... Báo địa phương ngày càng gắn với thực tế sinh động và sức sáng tạo của quần chúng, thông tin kịp thời, trung thực cuộc sống, cổ vũ mọi hoạt động xã hội, tích cực chủ động hướng dẫn dư luận, phát hiện và phổ biến nhiều kinh nghiệm tốt, cách làm hay của những đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Trung ương và tỉnh. Báo đã đáp ứng được một phần sự đòi hỏi của bạn đọc. Nhờ bước đầu đổi mới đã tăng được hiệu quả của tờ báo, là cơ sở để những năm tiếp theo phát triển và đổi mới toàn diện hơn.

Lịch sử Báo Cao Bằng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bao-cao-bang-trong-thoi-ky-dau-doi-moi-dat-nuoc-1986-1995-3176620.html