Kinh tế Canada đối mặt nguy cơ suy thoái nếu xảy ra cuộc chiến thương mại
Ngân hàng trung ương Canada (BOC) cảnh báo nền kinh tế nước này có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng nếu nổ ra cuộc chiến thương mại toàn cầu do tác động từ các mức thuế quan của Mỹ.

Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Canada. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngân hàng trung ương Canada (BOC) cảnh báo nền kinh tế nước này có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng nếu nổ ra cuộc chiến thương mại toàn cầu do tác động từ các mức thuế quan của Mỹ.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh BOC tuần trước quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 2,75%, chấm dứt chuỗi 7 lần cắt giảm liên tiếp kể từ tháng 6/2024.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, BOC cho rằng sự không chắc chắn liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ đang khiến việc dự báo kinh tế trở nên khó khăn. Thay vì đưa ra một lộ trình cụ thể, BOC đã xây dựng 2 kịch bản kinh tế để phản ánh những biến động tiềm ẩn.
Trong kịch bản khả quan hơn, Mỹ sẽ rút lại phần lớn các mức thuế sau các vòng đàm phán thương mại, qua đó chỉ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Canada tạm thời chững lại trong quý 2 năm nay. Sau đó, nền kinh tế dự kiến sẽ phục hồi nhẹ, với lạm phát giảm xuống mức 1,5% và dần quay trở lại mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, kịch bản xấu hơn cho thấy viễn cảnh một cuộc chiến thương mại toàn cầu kéo dài. Theo đó, nền kinh tế Canada sẽ rơi vào suy thoái sâu trong vòng một năm, trong khi lạm phát có thể tăng vọt lên mức 3,5% vào giữa năm 2026.
Thống đốc BOC, ông Tiff Macklem, cho biết quyết định giữ nguyên lãi suất lần này là để có thêm thời gian đánh giá đầy đủ tác động của các chính sách thuế mới.
Ông cũng thừa nhận rằng triển vọng kinh tế hiện chưa rõ ràng, do chưa thể xác định các mức thuế nào sẽ được áp dụng và sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế.
Dù vậy, ông Macklem khẳng định BOC sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng. Các chuyên gia kinh tế đánh giá phát biểu của Thống đốc BOC là dấu hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Canada sẵn sàng hành động thêm nếu nền kinh tế nước này rơi vào khó khăn, đồng thời việc tạm ngừng hạ lãi suất không đồng nghĩa với việc kết thúc chu kỳ nới lỏng tiền tệ.
Trong khi đó, vấn đề kinh tế và cuộc chiến thuế quan của Mỹ tiếp tục là một yếu tố tác động mạnh tới quan điểm của cử tri Canada trong cuộc bầu cử liên bang vào ngày 28/4 tới.
Cuộc đua tranh cử năm nay diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt khi Canada đang phải đối mặt với mối đe dọa về thuế quan cũng như chủ quyền từ Mỹ - quốc gia láng giềng phía Nam và là đồng minh thân cận.
Cử tri Canada có tâm lý muốn thấy sự thay đổi trong chính quyền để giúp họ đối phó tốt hơn với cuộc khủng hoảng giá cả và nhà ở hiện nay. Tuy nhiên, cũng có một lượng lớn cử tri ưu tiên lựa chọn nhà lãnh đạo có đủ năng lực để đối phó tốt hơn với những mối đe dọa từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Những mong muốn này của cử tri Canada đang tạo nên một cuộc đua khá quyết liệt giữa hai đảng Tự do và Bảo thủ. Theo kết quả thăm dò mới nhất của hãng Ipsos, đảng Tự do cầm quyền đang dẫn đầu, với khoảng cách 3 điểm so với đảng Bảo thủ đối lập, nơi vẫn đang giành được động lực tiến triển trong giai đoạn nước rút này.
Theo số liệu chính thức của Cơ quan Bầu cử Canada công bố ngày 22/4, khoảng 7,3 triệu cử tri nước này đã đi bỏ phiếu sớm từ ngày 18-21/4.
Đây là con số cao kỷ lục, tăng 25% so với mức 5,8 triệu phiếu bầu sớm trong cuộc bỏ phiếu năm 2021. Điều này cho thấy mức độ quan tâm lớn của cử tri đối với cuộc bầu cử năm nay.
Canada, với dân số 41 triệu người, có 28,9 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu vào cuộc bầu cử vào ngày 28/4 tới./.