Báo Cao Bằng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 1975 - 1985 (Phần 1)

Ngày 27/12/1975, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (khóa V) kỳ họp thứ 2 quyết định hợp nhất tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn thành một tỉnh là Cao Lạng, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Cao Bằng. Diện tích tỉnh Cao Lạng 13.691,25 km2; gồm 20 huyện, thị, trong đó có 2 thị xã, 402 xã, phường... Để tiếp tục duy trì việc xuất bản báo Đảng phục vụ nhiệm vụ chính trị của một tỉnh mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Lạng đã ra Nghị quyết số 3-NQTC/CL, ngày 2/3/1976 'Hợp nhất hai tờ Báo Cao Bằng và Báo Lạng Sơn thành tờ báo của Đảng bộ tỉnh Cao Lạng', lấy tên là Báo Cao Lạng. Báo không có chế độ cung cấp, thực hiện chế độ bán mỗi số 2 xu (hai xu) theo quy định của Trung ương.

Nghị quyết của Tỉnh ủy đã ghi rõ: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và đối tượng, nội dung, hình thức của tờ báo; việc tổ chức phát hành và nhiệm vụ của các ngành, các cấp... Về bộ máy, tòa soạn có một Ban Biên tập gồm: Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, Thư ký Tòa soạn và 2 ủy viên.

Cuốn lịch sử Báo Cao Bằng.

Cuốn lịch sử Báo Cao Bằng.

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy Cao Lạng, Ban Biên tập Báo Cao Bằng và Lạng Sơn khẩn trương sắp xếp ổn định nhanh bộ máy và xây dựng quy chế làm việc. Hai tỉnh miền núi đều nghèo lại trải qua chiến tranh nên khi nhập lại với nhau người ít, địa bàn hoạt động rộng lớn, cơ sở vật chất từ thời bao cấp để lại không có gì đáng kể, mỗi báo chỉ duy nhất có bộ máy ảnh là đáng giá. Trong 3 năm hợp nhất, cơ quan Báo không được đầu tư về cơ sở vật chất, máy móc, con người... Phương tiện cơ giới chỉ có một xe ôtô Gát cũ nát do Khu tự trị Việt Bắc giải thể, chia tài sản cho tỉnh phải mang đi sửa chữa lớn chưa sử dụng ngay được. Đặc biệt, cán bộ thiếu, số anh chị em Báo Lạng Sơn chuyển lên làm việc tại Báo Cao Lạng chỉ có 5 đồng chí. Ban Biên tập phải lo có thêm phóng viên làm việc bằng nhiều cách: Xin lãnh đạo điều động, bổ sung các đồng chí cán bộ trẻ, có trình độ cho Báo. Khi về công tác tại Báo, hầu hết các đồng chí mới chưa quen với công việc, vừa làm vừa phải học hỏi kinh nghiệm của các đồng chí phóng viên lâu năm. Để làm quen với địa bàn hoạt động mới, Báo sắp xếp cứ mỗi cặp phóng viên 2 người (1 Cao Bằng, 1 Lạng Sơn) cùng đi về một địa phương để quen dần và hòa nhập nhanh với các vùng kinh tế - xã hội, đặc biệt là các vùng dân tộc của hai tỉnh cũ...

Làm việc trong điều kiện khó khăn thiếu thốn khi đất nước nói chung và hai tỉnh nói riêng vừa ra khỏi chiến tranh, song tinh thần làm việc của anh chị em Báo Cao Lạng vẫn nhiệt tình, say sưa. Đặc biệt là các đồng chí từ Lạng Sơn lên, phải xa gia đình, cuộc sống hằng ngày bị đảo lộn, Ban Biên tập luôn luôn động viên, tạo thuận lợi nhiều nhất cho anh chị em hoàn thành được nhiệm vụ theo yêu cầu của tờ báo mới đặt ra.

Tháng 4/1977, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Lạng lần thứ I được tổ chức tại thị xã Cao Bằng. Đại hội quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm (1976 - 1980) của tỉnh Cao Lạng: "Phát huy đầy đủ mọi khả năng lực lượng sản xuất hiện có, đẩy nhanh tốc độ xây dựng các cơ sở vật chất - kỹ thuật mới trên cơ sở hoàn thành gấp phân vùng, quy hoạch vùng và quy hoạch các ngành, tổ chức lại sản xuất để phát huy nhanh chóng các ưu thế to lớn của nền kinh tế công - lâm - nông nghiệp trong tỉnh. Nâng cao một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân các vùng dân tộc trong tỉnh. Phấn đấu đóng góp ngày càng lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà và phục vụ tốt các xí nghiệp và công trình xây dựng của Trung ương tại địa phương".

Việc tuyên truyền cho mục tiêu, nhiệm vụ với một tỉnh mới rất rộng lớn. Ban Biên tập đã tổ chức nghiên cứu nghị quyết trong Tòa soạn để nắm vững những nội dung cốt lõi và xây dựng kế hoạch tuyên truyền, chương trình nấc bước thể hiện trong từng tháng, từng quý, từng kỳ báo, đặc biệt chú trọng vùng, miền khác nhau. Ngoài những thông tin phản ánh các địa phương tổ chức tốt phong trào thi đua thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Báo Cao Lạng hướng phóng viên đi sâu vào cơ sở, phát hiện người tốt, việc tốt, những điển hình về xây dựng Đảng, về sản xuất, đời sống như cánh đồng thâm canh đạt 5 tấn/hécta (Thất Khê, Tràng Định); phong trào làm kinh tế rừng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, như: vùng hồi, mận tam hoa, thuốc lá, khoai tây hàng hóa ở Lạng Sơn; các điển hình ở Cao Bằng như: tăng diện tích thâm canh đỗ tương bằng giống mới, trồng thuốc lá thơm, vùng trẩu mở rộng; phát triển vật nuôi mới như nuôi ong mật, nuôi dê hàng hóa, phát triển đàn bò ở vùng cao,...

3 năm (1976 - 1978) là khoảng thời gian không dài, song Báo Cao Lạng đã khai thác bề dày kinh nghiệm của hai tờ báo Cao Bằng và Lạng Sơn cũ. Do đó, Báo đảm đương tốt nhiệm vụ là cơ quan tuyên truyền, giáo dục, cổ động, tổ chức cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, thi đua thực hiện mọi đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các nhiệm vụ trung tâm trong từng thời gian của tỉnh Cao Lạng cho đến khi tái lập hai tỉnh trở lại ngày 29/12/1978.

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bao-cao-bang-trong-thoi-ky-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-1975-1985-phan-1-3176396.html