Báo cáo giữa kỳ UPR: Bức tranh toàn cảnh về nỗ lực bảo đảm quyền con người của Việt Nam

Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III phản ánh bức tranh toàn diện về nỗ lực không ngừng nghỉ, nhằm cải thiện hơn nữa việc thụ hưởng tất cả các quyền con người ở Việt Nam.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt thông tin về Báo cáo giữa kỳ tự nguyện UPR chu kỳ III của Việt Nam ngày 31/3. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt thông tin về Báo cáo giữa kỳ tự nguyện UPR chu kỳ III của Việt Nam ngày 31/3. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trên cơ sở chính sách nhất quán đó, Việt Nam đã nghiêm túc triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, trong đó có các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) mà Việt Nam đã chấp thuận tại chu kỳ III năm 2019.

Từ đó đến nay, Việt Nam đã tiến hành rà soát, tổng kết tình hình triển khai thực hiện. Ngày 31/3 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã chủ trì công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận. Báo cáo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/3 để công bố và gửi tới Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ).

Cơ sở để nhìn lại

Với 48 mục, nêu rõ bối cảnh, tình hình và kết quả triển khai các khuyến nghị, cùng một số tồn tại, dự báo và nhu cầu hợp tác, Báo cáo đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về quá trình thực hiện các khuyến nghị của Việt Nam.

Về bối cảnh, Báo cáo giữa kỳ tự nguyện chỉ ra đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, tác động nhiều chiều đến các nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm quyền của người dân, đồng thời tạo áp lực lớn đến kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam còn phải đối mặt với tác động gay gắt của thiên tai, biến đổi khí hậu…

Báo cáo nhấn mạnh bối cảnh thuận lợi là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, xác định mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Về tình hình triển khai, đến nay, Việt Nam đã thực hiện 82,6% các khuyến nghị với nhiều kết quả nổi bật, bao gồm nhiều thành tựu về xây dựng Nhà nước pháp quyền và hoàn thiện thể chế pháp luật; bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa; thực hiện nghĩa vụ theo các Công ước và triển khai các cam kết, hợp tác quốc tế khác liên quan đến quyền con người; tăng cường giáo dục về quyền con người…

Về định hướng tương lai, Báo cáo chỉ ra một số tồn tại khi đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động sâu rộng đến việc thụ hưởng quyền của người dân; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước ngày càng nhức nhối…

Đặc biệt, xác định rõ các khó khăn, thách thức Việt Nam phải đối mặt trong quá trình triển khai, Báo cáo đưa ra đề xuất, phương hướng giải quyết, bày tỏ mong muốn của Việt Nam nhằm sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực trong xây dựng Báo cáo quốc gia và thực hiện các khuyến nghị UPR.

Chân thực và toàn diện, bản Báo cáo là kết quả của phương pháp tiếp cận toàn Chính phủ và xã hội. Nội dung chính được đóng góp xây dựng bởi 18 bộ, ngành chịu trách nhiệm triển khai các khuyến nghị được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ từ năm 2019.

Báo cáo cũng được xây dựng qua quá trình đóng góp ý kiến tích cực của các bên liên quan, bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác và người dân.

Tại lễ công bố, ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định, Báo cáo giữa kỳ tự nguyện đã phác họa một bức tranh toàn diện về mức độ nghiêm túc của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện cam kết của mình đối với cơ chế UPR, cũng như việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp nhận.

Theo Trợ lý Bộ trưởng, đây cũng là bức tranh toàn cảnh cho thấy quyền con người của tất cả người dân Việt Nam đã được cải thiện như thế nào và những thách thức vẫn còn tồn tại ở đâu. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể chuẩn bị tốt nhất cho chu kỳ IV của cơ chế UPR hai năm tới.

“Chúng tôi coi bản đánh giá giữa kỳ là cơ sở để nhìn lại mình, rút ra bài học thành công, xác định những khó khăn, thách thức, rút kinh nghiệm, nhằm củng cố các nỗ lực trong thời gian còn lại trước chu kỳ UPR IV”, ông Đỗ Hùng Việt nói.

Cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc được ra đời từ năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật, được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt, thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia.

Trong chu kỳ III, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước và đã chấp thuận 241 khuyến nghị trong số đó.

Cam kết mạnh mẽ và nhất quán

Với việc lần đầu tiên xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR, Việt Nam đã trở thành một trong số ít các quốc gia gửi báo cáo giữa kỳ tự nguyện tới Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Cho đến nay, cùng với Việt Nam, mới chỉ có 79 quốc gia từng ít nhất một lần nộp Báo cáo. Riêng với chu kỳ III, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia đã xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến việc thực hiện các khuyến nghị UPR, trong đó có công tác thu thập dữ liệu, nhưng các bộ, ngành và các bên liên quan đã hợp tác chặt chẽ để triển khai và xây dựng Báo cáo.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tái khẳng định sự coi trọng và cam kết của Việt Nam đối với cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền.

Cụ thể, Việt Nam coi UPR là cơ chế phù hợp nhất, hiệu quả nhất để tất cả các quốc gia có những nỗ lực về nhân quyền được các nước khác xem xét trên cơ sở bình đẳng. Tại đây, các quốc gia có thể đối thoại và hợp tác mang tính xây dựng về nhân quyền.

Với sự tin tưởng đó, Việt Nam đã tích cực tham gia vào cơ chế UPR qua ba chu kỳ, nơi những nỗ lực và thành tựu về nhân quyền của Việt Nam được ghi nhận, đồng thời xác định những tồn tại và thách thức để giải quyết trong tương lai.

Theo ông Đỗ Hùng Việt, hàng trăm khuyến nghị mà Việt Nam đã nhận được và chấp nhận là động lực quan trọng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ nhằm cải thiện hơn nữa việc thụ hưởng quyền con người ở Việt Nam.

“Đây là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với Hội đồng Nhân quyền, rộng hơn là chủ nghĩa đa phương và LHQ”, Trợ lý Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chúc mừng Việt Nam hoàn thành Báo cáo, bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, trong đó có việc thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế UPR chu kỳ III và xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện.

Theo bà Rana Flowers, Báo cáo đã ghi lại chi tiết tiến độ thực hiện các khuyến nghị của Việt Nam và nhấn mạnh tầm quan trọng thời điểm bản báo cáo được hoàn thành.

Quyền Điều phối viên LHQ khẳng định cam kết của các cơ quan LHQ sát cánh cùng Việt Nam thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, thúc đẩy các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, không bỏ lại ai ở phía sau.

Đồng quan điểm, nhiều đại biểu quốc tế cũng bày tỏ đánh giá cao nỗ lực thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR của Việt Nam, ủng hộ Chính phủ Việt Nam tiếp tục xác định một cách minh bạch, công khai, và khách quan đối với các chuẩn mực nhân quyền liên quan đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Chủ động đương đầu với các thách thức trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, sẵn sàng chấp thuận và đi đầu trong việc triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR, Việt Nam đã và đang thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của mình đối với Cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-cao-giua-ky-upr-buc-tranh-toan-canh-ve-no-luc-bao-dam-quyen-con-nguoi-cua-viet-nam-179494.html