Báo cáo lạm phát 'nhẹ' hơn dự kiến; Dầu đảo chiều tăng giá
Chứng khoán Mỹ tăng vào thứ Tư (12/7) sau khi dữ liệu mới làm tăng hy vọng rằng Fed có thể giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào suy thoái.
S&P 500 ghi nhận mức cao mới trong năm 2023
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0,74% lên 4.472,16. Chỉ số Dow Jones giao cộng 86,01 điểm, tương đương 0,25%, đóng cửa ở mức 34.347,43. Trong khi đó, Nasdaq Composite nhích 1,15% lên 13.918,96. S&P 500 và Nasdaq đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng khởi sắcc vào thứ Tư. Cổ phiếu của Citigroup và Goldman Sachs lần lượt tăng 1,8% và 1,7%. Cổ phiếu các ngân hàng khu vực cũng tăng, với Comerica thêm 3,1% và Zions Bancorporation tiến 2,8%.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 6, thấp hơn một chút so với mức tăng 3,1% do các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự báo. So với tháng trước đó, chỉ số này đã tăng 0,2% trong tháng 6, cũng thấp hơn so với dự báo. Ngoài ra, CPI cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động - tăng ít hơn dự kiến.
“Tôi nghĩ đó là một báo cáo tốt. Lạm phát đang diễn ra theo cách mà Fed muốn nó diễn ra. Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta đã sẵn sàng để nói rằng họ sẽ có thể giảm lãi suất,” Megan Horneman, giám đốc đầu tư của Verdence Capital Advisors, cho biết.
“Vẫn còn 3 lĩnh vực lạm phát mà Fed xem xét kỹ lưỡng – lạm phát dịch vụ, lạm phát tiền lương và lạm phát nhà ở. Cả 3 lĩnh vực đó, trong khi chúng đang ở mức vừa phải, nhưng vẫn là mức cao một cách khó chịu,” bà Horneman nói.
Dữ liệu về chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 6 - một thước đo lạm phát được theo dõi kỹ lưỡng khác - sẽ được công bố vào thứ Năm.
Cả hai chỉ số đều đang được theo dõi sát với lộ trình lạm phát, mà các nhà đầu tư coi đây là dấu hiệu tiềm năng cho việc ngân hàng trung ương sẽ điều chỉnh lãi suất như thế nào trong tương lai. Thị trường dự đoán khoảng 92% khả năng Fed tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 7, theo Công cụ FedWatch của CME.
Dữ liệu lạm phát xoa dịu nỗi lo tăng lãi suất của Fed
Dữ liệu của Hoa Kỳ cho thấy giá tiêu dùng tăng khiêm tốn trong tháng 6 và ghi nhận mức tăng hàng năm thấp nhất trong hơn 2 năm. Thị trường dự đoán sẽ có một đợt tăng lãi suất nữa, nhưng các nhà kinh doanh dầu mỏ hy vọng rằng điều đó có thể là như vậy. Lãi suất cao hơn có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Khép phiên, dầu Brent tăng 71 cent, tương đương 0,9%, lên 80,11 USD/thùng. Dầu thô WTI của Hoa Kỳ thêm 92 cent, tương đương 1,2%, lên 75,75 USD/thùng.
Dự báo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) chỉ ra rằng thị trường sẽ thắt chặt vào năm 2024.
Cụ thể, IEA dự đoán thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục thắt chặt trong nửa cuối năm 2023, do nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc và các nước đang phát triển kết hợp với việc cắt giảm nguồn cung từ các nhà sản xuất hàng đầu. Dự báo mới từ IEA dự kiến được công bố trong tuần này.
Nhà phân tích Tamas Varga của PVM cho biết khi đề cập đến triển vọng của EIA “Cán cân dầu trở nên thắt chặt hơn khi nguồn cung giảm hoặc nhu cầu được điều chỉnh tăng. Nếu cả hai điều này xảy ra cùng lúc thì sự thay đổi có thể là một cơn địa chấn.”
Nhà sản xuất hàng đầu Saudi Arabia tuần trước đã cam kết gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 8, trong khi Nga sẽ cắt giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày.
Gây áp lực lên giá dầu là báo cáo của EIA về dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ tăng gần 6 triệu thùng vào tuần trước, lớn hơn nhiều so với dự kiến.