Báo cáo nhân quyền của EU thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho rằng Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023 của EU đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam.

Chiều ngày 6/6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023 của Cơ quan đối ngoại liên minh châu Âu, mặc dù đã phản ánh một số thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người nhưng đáng tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

"Như đã nhiều lần khẳng định bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việt Nam luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống và quyền thụ hưởng của người dân. Các quyền tự do cơ bản của con người được ghi nhận ở Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được bảo đảm và tôn trọng trên thực tế.

Các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi và đánh giá cao.

"Quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU đang phát triển hết sức tốt đẹp. Việt Nam sẵn sàng trao đổi cởi mở và thẳng thắn với EU trong vấn đề quyền con người trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, nhằm tăng hiểu biết lẫn nhau thông qua cơ chế đối thoại thường niên và các khuôn khổ trao đổi song phương khác", bà Phạm Thu Hằng nói.

Theo bà Phạm Thu Hằng, việc tăng cường trao đổi và đối thoại thông qua các cơ chế hợp tác hiện có sẽ giúp EU có đầy đủ thông tin khách quan, hiểu đúng hơn về tình hình thực tế, thúc đẩy bảo đảm quyền con người của Việt Nam, qua đó cũng góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và EU.

Cũng trong cuộc họp báo chiều ngày 6/6 tại Bộ Ngoại giao, liên quan đến thông tin tàu Hải dương Địa chất 26 của Trung Quốc đang hoạt động khảo sát ở vùng biển Việt Nam ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam hết sức quan ngại, kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động khảo sát trái phép của tàu Hải dương Địa chất 26 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc không tái diễn những hoạt động trái phép tương tự, tôn trọng đầy đủ quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ UNCLOS năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc thực hiện nghiêm túc nhận thức của lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát, giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển và duy trì đà phát triển quan hệ song phương, đóng góp tích cực, trách nhiệm trong hòa bình, ổn định ở Biển Đông./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bao-cao-nhan-quyen-cua-eu-thieu-khach-quan-va-khong-phan-anh-dung-tinh-hinh-thuc-te-o-viet-nam-20240606172851227.htm