Báo cáo phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, chiều 25.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Đề xuất cho VNA tự động gia hạn trả nợ thêm 3 lần

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 về Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, căn cứ trên quy định tại Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 194/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (VNA) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 về Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: Hồ Long

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 về Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: Hồ Long

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 26.3.2021 về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho VNA vay theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 04/2021/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho VNA vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có nhiều cuộc làm việc và các văn bản chỉ đạo, đồng hành cùng VNA thực hiện, hoàn thành các giải pháp đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, VNA đã tổ chức triển khai hàng loạt các giải pháp cấp bách và xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 (Đề án tổng thể) để VNA sớm phục hồi và phát triển bền vững, xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động.

Chuyển sang các năm 2021-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, dù tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với các giải pháp của Quốc hội, Chính phủ và sự nỗ lực của VNA, số lỗ hàng năm của VNA có xu hướng giảm kể từ năm 2022. Với kết quả nêu trên, trong năm 2024, VNA đặt kế hoạch có lãi trở lại.

Về quan tâm đến quyền lợi người lao động, VNA đã điều hành linh hoạt chính sách sử dụng nhân lực trong giai đoạn Covid-19 phù hợp với quy mô sản xuất, nỗ lực thực hiện đúng và đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động bảo đảm mức thu nhập tối thiểu và ổn định đời sống cho người lao động, không sa thải người lao động. Các chế độ, chính sách điều hành đều nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của người lao động và VNA đã nhận được sự chia sẻ hỗ trợ từ cổ đông chiến lược.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Việc kết hợp triển khai tổng thể các giải pháp trong thời gian qua đã có tác động tích cực, mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề mới cũng như khó khăn, tồn tại, hạn chế. Trước hệ lụy kéo dài và nặng nề từ đại dịch Covid-19 để lại, cùng với môi trường kinh doanh tiếp tục biến động và nhiều rủi ro, các yếu tố đầu vào, như tỷ giá, giá dầu... vẫn ở mức cao dẫn đến trạng thái tài chính năm 2024 của VNA chưa được cải thiện.

Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn vào Chương trình Kỳ họp thứ Bảy này. Đồng thời, thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội, thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (bao gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14); lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.

Phân tích, làm rõ hơn về tính khả thi và hiệu quả của phương án

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135/2020/QH14.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Hồ Long

Trong tình thế cấp thiết, cấp bách như Chính phủ báo cáo, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể tháo gỡ ngay khó khăn trước mắt cho VNA.

Xét về quan hệ tín dụng, VNA vẫn phải bảo đảm điều kiện để được vay vốn tại tổ chức tín dụng và thực hiện nghĩa vụ trả nợ. “Do vậy, phương án này giúp cân đối dòng tiền cũng như hỗ trợ về thời gian để VNA cơ cấu lại hoạt động một cách toàn diện”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhận định.

Để làm rõ hơn tính khả thi và hiệu quả của phương án, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của VNA; bổ sung, đánh giá rõ hơn về khả năng, tính khả thi khi thực hiện một số biện pháp khác kết hợp với phương án gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn để bảo đảm tháo gỡ khó khăn, tăng cường năng lực tài chính, bảo đảm hoạt động liên tục của VNA.

Đồng thời, theo Ủy ban Kinh tế, Chính phủ cũng cần báo cáo trường hợp chỉ có biện pháp gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn có giúp cho VNA cải thiện được tình hình tài chính và vượt qua khó khăn hay không; đánh giá về khả năng Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội có giải pháp hỗ trợ VNA trong thời gian tới. Tiến hành rà soát, tính toán kỹ lưỡng các giải pháp, phương án xử lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho VNA, bao gồm cả nguồn từ khoản vay tái cấp vốn nếu được Quốc hội đồng ý gia hạn trả nợ đối với khoản vay này.

Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ đề xuất đưa thành 1 khoản tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy này.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cần thống nhất nội dung kiến nghị nêu tại Tờ trình của Chính phủ và nội dung của dự thảo Nghị quyết (việc cho vay tái cấp vốn gồm lãi suất tái cấp vốn, tài sản bảo đảm thuộc thẩm quyền quyết định của Ngân hàng Nhà nước).

Bên cạnh đó, cần xác định bổ sung vào dự thảo Nghị quyết trách nhiệm của các cơ quan trong việc cam kết trước Quốc hội về hiệu quả của việc triển khai Nghị quyết, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định.

Ghi nhận các giải pháp đã được VNA triển khai trong thời gian qua, song Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục triển khai mạnh hơn các giải pháp nội lực; trước mắt có giải pháp cụ thể đối với tình trạng thiếu tàu bay, bảo đảm năng lực khai thác và khả năng cung ứng dịch vụ hàng không.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung cơ cấu lại bộ máy để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành, đổi mới mô hình kinh doanh, cơ cấu lại tài sản, nguồn vốn, các khoản đầu tư và khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/bao-cao-phuong-an-gia-han-tra-no-doi-voi-khoan-vay-tai-cap-von-theo-nghi-quyet-so-135-2020-qh14--i376877/