Báo cáo Quốc hội việc thực hiện cải cách tiền lương tại Kỳ họp thứ 9

Chiều 11/7, tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội thông qua số lượng văn bản kỷ lục tại Kỳ họp thứ 7

Trình bày báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 7, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 27,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tiếp tục đổi mới, cải tiến, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại phiên họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại phiên họp.

Các nội dung được xem xét, quyết định thuộc nhiều lĩnh vực với nhiều vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện, giải quyết căn cơ những bất cập, điểm nghẽn, vướng mắc trong thực tiễn; tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.

Phát biểu đánh giá về kết quả Kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, mặc dù điều chỉnh chương trình đến 5 lần, do phát sinh nhiều vấn đề đột xuất, nhưng Quốc hội đã quyết định nhanh chóng nhiều vấn đề rất quan trọng với tỷ lệ tán thành cao; thông qua một số lượng văn bản luật kỷ lục.

Cụ thể, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội thông qua nhiều luật nhất, tỷ lệ đại biểu tán thành cao nhất, đa số tỷ lệ tán thành đều trên 90%, có luật 100% đại biểu có mặt tán thành, chứng tỏ công tác chuẩn bị tốt. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị hồ sơ tài liệu tại kỳ họp thứ 7 có nhiều tiến bộ, chặt chẽ, kịp thời hơn - Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nêu ra một số hạn chế như có nội dung “chín ép”, tuy chưa phải rất cấp bách. “Sự phối hợp giữa các cơ quan vẫn là khâu yếu” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp.

Kỳ họp thứ 8 sẽ chia thành 2 đợt

Về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ dành 14,5 ngày cho công tác lập pháp. Trong đó sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật, cho ý kiến 12 dự án luật. Trường hợp dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được chuẩn bị tốt, đủ điều kiện thông qua theo quy trình tại một kỳ họp nên tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật.

Quốc hội cũng sẽ dành hơn 8 ngày để xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN), giám sát… Trong đó có xem xét các báo cáo của Chính phủ về: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, NSNN năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, trong đó có kế hoạch tài chính NSNN 3 năm 2025 - 2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 8 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 8 theo 2 đợt họp, với khoảng cách 9 ngày giữa 2 đợt.

Như vậy, dự kiến Quốc hội làm việc 23,75 ngày, khai mạc vào thứ Hai, ngày 21/10/2024; bế mạc vào thứ Năm, ngày 28/11/2024. Trong đó, đợt 1 là 15 ngày (từ ngày 21/10 đến ngày 08/11/2024). Đợt 2 là 9 ngày, từ ngày 18/11 đến ngày 28/11/2024.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến tán thành với việc tổ chức kỳ họp theo 2 đợt. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, việc tổ chức kỳ họp theo 2 đợt nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan tiếp thu, giải trình các ý kiến, hoàn thiện, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long (hàng đầu, bên phải) tham dự phiên họp chiều 11/7.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng phát biểu tán thành việc chia Kỳ họp thứ 8 thành 2 đợt, và thống nhất với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội là Ban cán sự Đảng Chính phủ và đảng đoàn Quốc hội sẽ họp với nhau sớm hơn các Kỳ họp trước, trước khi khai mạc Kỳ họp thứ 8 khoảng 1 tháng.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã thông qua 4 đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp 8 gồm có Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh, Luật Dữ liệu, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo quy định tại Nghị quyết số 104/2023/QH15 về dự toán NSNN năm 2024, Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo tại Kỳ họp thứ 8 về việc thực hiện bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất; không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã quy định một số chính sách về thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 và yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 9. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị thực hiện báo cáo theo yêu cầu tại Nghị quyết số 142. Theo đó, Chính phủ sẽ báo cáo vào Kỳ họp giữa năm 2025.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bao-cao-quoc-hoi-viec-thuc-hien-cai-cach-tien-luong-tai-ky-hop-thu-9-154774.html