Báo cáo: Số lượng đầu đạn hạt nhân tăng vào đầu 2023
Số lượng đầu đạn hạt nhân mà các quốc gia có thể triển khai đạt tổng cộng 9.576 vào đầu năm 2023, tăng từ 9.440 vào năm trước, theo một báo cáo được tổ chức phi chính phủ NPA công bố. (CLO) Số lượng đầu đạn hạt nhân mà các quốc gia có thể triển khai đạt tổng cộng 9.576 vào đầu năm 2023, tăng từ 9.440 vào năm trước, theo một báo cáo được tổ chức phi chính phủ NPA công bố.
Báo cáo của Tổ chức giám sát vũ khí hạt nhân này cho biết năng lượng hạt nhân được vũ khí hóa bằng với "sức hủy diệt tập thể của hơn 135.000 quả bom ném xuống Hiroshima".
Vấn đề vũ khí hạt nhân đã trở nên nổi bật hơn trong năm qua sau cuộc xung đột Ukraine, cũng như những lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran và các vụ thử tên lửa mới của Triều Tiên.
Báo cáo hôm thứ Tư cũng cho biết Mỹ và Nga tháo dỡ một số vũ khí cũ của họ mỗi năm, khiến tổng số đầu đạn hạt nhân giảm. Tuy nhiên, bà Grethe Ostern của NPA cảnh báo rằng việc chế tạo các đầu đạn mới có thể sớm nhiều hơn số lượng đầu đạn cũ được tháo dỡ.
“Sự gia tăng này thật đáng lo ngại và tiếp tục xu hướng từ năm 2017. Nếu điều này không dừng lại, chúng ta sẽ sớm chứng kiến sự gia tăng tổng số vũ khí hạt nhân trên thế giới lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh”, bà cho hay.
Theo ông Hans M. Kristensen, giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, khoảng 5 quốc gia đang chịu trách nhiệm cho việc gia tăng các đầu đạn có thể triển khai.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã làm gia tăng căng thẳng hạt nhân bằng cách tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân "chiến thuật" sẽ được triển khai ở Belarus. Ông chỉ ra sự hiện diện của vũ khí hạt nhân của Mỹ ở nhiều quốc gia gần Nga trong những năm qua, bao gồm Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng số đầu đạn hạt nhân đạt đỉnh điểm 70.000 đầu vào năm 1986 khi Mỹ và Liên Xô ở trong giai đoạn căng thẳng nhất. Con số này đã giảm xuống còn 12.512 vào năm 2023, nhưng vẫn đủ để chấm dứt sự sống trên hành tinh.
Quốc Thiên (theo DW)