Báo cáo Sức sống hành tinh: 2/3 các quần thể động vật hoang dã đã giảm, có loài giảm 99%

Ngày 10.9, WWF công bố Báo cáo Sức sống hành tinh 2020, cho thấy trong vòng chưa tới nửa thế kỷ, hai phần ba quần thể động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá trên toàn cầu đã giảm, phần lớn là do môi trường bị phá hủy. Đây cũng là nguyên nhân góp phần lây lan các dịch bệnh liên quan đến động vật, như COVID-19.

Chỉ số Sức sống hành tinh (LPI) do Hiệp hội Động vật học London (ZSL) tính toán đã cho thấy các yếu tố khiến các đại dịch dễ bùng phát trên trái đất cũng chính là tác nhân thúc đẩy mức suy giảm trung bình 68% quần thể các loài có xương sống trên toàn cầu từ năm 1970 tới 2016. Những yếu tố này gồm có sự thay đổi trong sử dụng đất và buôn bán động vật hoang dã.

Loài vẹt xám châu Phi ở Tây Nam của Ghana giảm 99% từ 1992 đến 2014 do bị bẫy bắt. Ảnh: TL

Loài vẹt xám châu Phi ở Tây Nam của Ghana giảm 99% từ 1992 đến 2014 do bị bẫy bắt. Ảnh: TL

Theo đó, hai loài nguy cấp trong chỉ số LPI được báo cáo miêu tả nổi bật là loài đười ươi ở vùng đất thấp miền Đông Congo và loài vẹt xám châu Phi ở Tây Nam Ghana. Số lượng của loài đười ươi trong vườn quốc gia Kahuzi-Biega thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo được ước tính giảm khoảng 87% từ năm 1994 đến 2015, chủ yếu là do săn bắn bất hợp pháp,[1]. Loài vẹt xám châu Phi ở Tây Nam của Ghana giảm 99% từ 1992 đến 2014 do bị bẫy bắt để bán và bị mất môi trường sống[2].

Báo cáo theo dõi chỉ số LPI của gần 21.000 quần thể của hơn 4.000 loài động vật có xương sống từ năm 1970 năm 2016. Nó cũng cho thấy quần thể động vật hoang dã ở môi trường nước ngọt bị suy giảm 84%. Đây là sự suy giảm dân số trung bình mạnh nhất trong các hệ sinh thái, tương đương với giảm 4% /năm kể từ năm 1970. Một ví dụ tiêu biểu là số lượng sinh sản của cá tầm Trung Quốc trên sông Dương Tử đã giảm 94% kể từ 1982 tới 2015 do dòng chảy của sông bị các con đập thủy điện chia cắt[3].

Theo tiến sĩ Andrew Terry, Giám đốc Chương trình Bảo tồn của ZSL: "Chỉ số LPI là một trong những chỉ số đa dạng sinh học toàn cầu toàn diện nhất. Giảm trung bình 68% trong 50 năm thực sự là một thảm họa, và là bằng chứng rõ ràng về tác động mà con người đang gây ra cho thế giới tự nhiên. Nếu không thay đổi, chắc chắn các quần thể còn tiếp tục giảm và đi đến tuyệt chủng, đe dọa tính vẹn toàn của các hệ sinh thái đang nuôi dưỡng tất cả chúng ta. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng biết rằng các nỗ lực bảo tồn có hiệu quả và các loài có thể quay lại từ bờ vực tuyệt chủng. Với cam kết, đầu tư và chuyên môn, ta có thể đảo ngược xu hướng đó.”

Một con hổ bị dính bẫy trong rừng Belum-Temengor (Malaysia) nhưng may mắn được giải cứu kịp thời. Ảnh: WWF-Malaysia/Lau Ching Fong

Một con hổ bị dính bẫy trong rừng Belum-Temengor (Malaysia) nhưng may mắn được giải cứu kịp thời. Ảnh: WWF-Malaysia/Lau Ching Fong

Báo cáo LPI 2020 còn đưa ra mô hình dự báo, cho thấy rằng nếu không tiếp tục ngăn cản việc suy thoái và mất môi trường sống, đa dạng sinh học toàn cầu sẽ tiếp tục giảm. Mô hình này được dựa trên bài nghiên cứu “Cần một chiến lược tích hợp để đảo ngược xu hướng đi xuống trong đa dạng sinh học trên cạn” do WWF và hơn 40 tổ chức phi chính phủ, các tổ chức học thuật và nghiên cứu công bố trên tạp chí Tự nhiên ngày hôm nay. Nó chỉ ra rằng, chỉ có thể ổn định và đảo ngược sự mất mát của thiên nhiên do con người gây ra nếu có các nỗ lực bảo tồn tham vọng và có sự cải tổ trong cách sản xuất và tiêu thụ thực phẩm. Các thay đổi mà chúng ta cần là sản xuất thực phẩm và thương mại một cách hiệu quả và bền vững, giảm rác thải, và cổ vũ cho một chế độ ăn uống lành mạnh, thân thiện hơn với môi trường.

Nghiên cứu cho thấy rằng việc thực hiện tổng hợp các biện pháp, thay vì đơn lẻ, sẽ giúp giảm nhanh các áp lực lên môi trường sống của các loài hoang dã. Với cách này, ta có thể đảo ngược xu hướng suy giảm đa dạng sinh học do mất môi trường sống sớm hơn vài thập kỷ, so với kịch bản phá hủy môi trường sống rồi cố gắng để đảo ngược tình thế. Các mô hình cũng chỉ ra rằng nếu thế giới “tiếp tục như hiện tại", tỷ lệ mất đa dạng sinh học từ năm 1970 sẽ tiếp tục trong những năm tới.

Ông Marco Lambertini, Tổng giám đốc, WWF Quốc tế chia sẻ: "Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, hơn bao giờ hết, các quốc gia cần phải phối hợp và hành động để cùng chặn đứng và đảo ngược xu hướng mất đa dạng sinh học và quần thể các loài hoang dã vào cuối thập kỷ này. Sự sống còn của chúng ta ngày càng phụ thuộc vào việc này."

Báo cáo LPI 2020 giới thiệu một cách tổng quan, toàn diện về hiện trạng của thế giới tự nhiên, thông qua các chỉ số LPI - theo dõi xu hướng về sự phong phú của động vật hoang dã trên toàn cầu. Báo cáo có sự đóng góp của hơn 125 chuyên gia trên khắp thế giới.

Báo cáo LPI 2020 là ấn bản thứ mười ba của chuỗi báo cáo Sức sống Hành tinh, được WWF xuất bản hai năm một lần.

Báo cáo này được công bố một tuần trước phiên họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, xem xét các tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Hiệp định Paris và Công ước về Đa dạng Sinh học (CBD).

Phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc 2020 sẽ đưa các nhà lãnh đạo thế giới, các doanh nghiệp và xã hội công dân cùng thảo luận, nhằm phát triển Khung Hành động

Trọng Văn

[1] Plumptre, A., S. Nixon, và cộng sự (2016). Tình trạng của loài Đười Ươi Grauer và Tinh tinh ở miền Đông Cộng Hòa Công-Gô: phân bố và sự phong phú loài trong quá khứ và hiện tại, Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang Dã, Tổ chức Động vật và Thực vật Quốc tế, Institut Congolais pour la Conservation de la Nature: 1 - 46

[2] Annorbah, N. D., N. J. Collar, và cộng sự. (2015). "Thương mại và các thay đổi sinh cảnh gần như đã xóa sổ loài vẹt xám Psittacus Erithacus ở Ghana." Cùng ấn phẩm như trên 158(1): 82-91

[3] Zhuang, P., F. Zhao, và cộng sự (2016). "Bằng chứng mới có thể hỗ trợ tính thích ứng và tồn tại của loài cá tầm Trung Hoa đang sắp bị tuyệt chủng” Bảo tồn Sinh học 193: 66-69

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bao-cao-suc-song-hanh-tinh-2-3-cac-quan-the-dong-vat-hoang-da-da-giam-co-loai-giam-99-25280.html