Báo cáo (tóm tắt) tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024
Tại Kỳ họp thường lệ cuối năm HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáo (tóm tắt) tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Báo Hòa Bình điện tử trân trọng đăng toàn văn báo cáo.
Tại Kỳ họp thường lệ cuối năm HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáo (tóm tắt) tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Báo Hòa Bình điện tử trân trọng đăng toàn văn báo cáo.
Kính thưa đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình.
Kính thưa Chủ tọa Kỳ họp.
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, các vị đại biểu khách, cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Theo chương trình Kỳ họp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã gửi đến Hội đồng nhân dân tỉnh 60 Báo cáo và Tờ trình về các lĩnh vực (gồm: 08 Báo cáo thường xuyên, 07 Báo cáo chuyên đề và 45 tờ trình, dự thảo Nghị quyết), trong đó có các báo cáo đánh giá đầy đủ, toàn diện về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Được sự phân công của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi xin báo cáo tóm tắt những nội dung chủ yếu như sau:
Phần thứ nhất
Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
A. KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023
Năm 2023 tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước ta nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Ở trong tỉnh, các tác động lâu dài của hậu dịch bệnh Covid 19 nên một số ngành, lĩnh vực hồi phục chậm; tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn kéo dài, nguồn nước phục vụ sản xuất điện thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến sản lượng điện thương phẩm sản xuất trong năm giảm sút, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo thống nhất, quyết liệt, thường xuyên của Thường trực tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân tỉnh; sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Dự kiến năm 2023 có 15/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra (Có thêm 01 chỉ tiêu đạt so với số đã báo cáo đó là: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT ước đạt 95,2%). Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như sau:
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023: ước đạt 0,68% (Theo số liệu thông báo của Tổng cục Thống kê tại Công văn số 2127/TCTK-TKQG, ngày 25/11/2023); GRDP bình quân đầu người đạt 69,09 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.350 tỷ đồng, bằng 82% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 60% so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao, giảm 18% so với thực hiện cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 18.500 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt: 1 tỷ 695 triệu USD, tăng 17,94% so với cùng kỳ, đạt 100,04% kế hoạch năm; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1tỷ229 triệu USD, tăng 12,02% so với cùng kỳ, đạt 100,01% kế hoạch năm.
Hoạt động du lịch tiếp tục đà phục hồi, ước hết năm 2023 toàn tỉnh đón 3,8 triệu lượt khách du lịch, so với cùng kỳ năm trước tăng 21,5%, đạt 108,6% kế hoạch năm (Trong đó: Khách quốc tế ước đạt 450.000 lượt, Khách nội địa ước 3,35 triệu lượt). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 4.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 10,7%, đạt 102,6% kế hoạch năm 2023.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt 34,8%; hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện, Ước trong năm 2023 tỉnh Hòa Bình có 37 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 12.600 tỷ đồng, 30 dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư, 10 dự án bị chấm dứt hoạt động và 05 dự án bị tạm ngừng hoạt động.
Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao là 10.090,9 tỷ đồng; số vốn đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chi tiết đến các dự án là 10.220 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/10/2023, tổng số kế hoạch vốn đã giải ngân là 1.673 tỷ đồng, đạt 17% so với số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và 16% số kế hoạch vốn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chi tiết cho các dự án. Ước đến hết năm 2023, thực hiện giải ngân đạt 34% kế hoạch vốn giao.
Trong năm có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2023 trong toàn tỉnh là 80 xã (bằng 62% tổng số xã), số tiêu chí nông thôn mới trung bình trên một xã đạt 16,2 tiêu chí/xã; Đến nay toàn tỉnh có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu; có 114 sản phẩm OCOP. Tổ chức Lễ hội cá, tôm Sông Đà tạo ấn tượng và sức lan tỏa tốt.
Lĩnh vực văn hóa được quan tâm: Xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030. Tổ chức Lễ Hội khai Hạ dân tộc Mường với quy mô cấp tỉnh, đồng thời đón bằng cộng nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đối với Lễ Hội khai hạ dân tộc Mường; Tổ chức Liên hoan Làng Du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Phiên chợ vùng cao; Hội diễn nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số…
Giáo dục và đào tạo, y tế, truyền thông, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên đạt kết quả quan trọng. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên: Kết thúc năm học có 99,31% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT; Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia năm 2023 ước đạt 60%. Tiếp tục duy trì kết quả phổ cập giáo dục THCS đạt 100%; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 99%.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được cải thiện, công tác phòng, chống dịch bệnh được chú trọng, chủ động giám sát các bệnh truyền nhiễm gây dịch. Các quy trình khám, chữa bệnh thường xuyên được cải tiến; các kỹ thuật, máy móc tiên tiến, hiện đại được quan tâm cập nhật và bổ sung; Số giường bệnh/1 vạn dân đạt 29,04 giường, vượt chỉ tiêu đề ra; Tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân đạt 9,47 người. Các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện tốt; các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm hết hạn sử dụng lưu thông trên thị trường.
An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%, từ 12,29% xuống còn 9,79%; Công tác cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết các chế độ chính sách cho người tham gia kịp thời; Công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo tiếp tục được quan tâm. Lao động, việc làm đạt nhiều kết quả tích cực. Ước năm 2023 có 18.000 lao động được giải quyết việc làm, đạt 107,3% kế hoạch năm, trong đó có 850 lao động được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 283,3% kế hoạch năm. Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực thành thị khoảng 2,2%.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm. Công tác quản lý và thực hiện các hoạt động đối ngoại, kế hoạch đoàn ra, đoàn vào của tỉnh bảo đảm chặt chẽ, thống nhất theo quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như trong Báo cáo toàn văn đã chỉ ra 12 hạn hạn chế và 10 nguyên nhân (trong đó có 05 nguyên nhân khách quan và 05 nguyên nhân chủ quan), cụ thể đề nghị các đại biểu nghiên cứu tại Báo cáo số 515/BC-UBND, ngày 24/11/2023 của UBND tỉnh (đã gửi đến các Đại biểu HĐND tỉnh).
B. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024
I. Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh; Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động xúc tiến đầu tư; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo vào sản xuất, kinh doanh thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác quản lý sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh. Tăng cường công tác thông tin truyền thông tạo đồng thuận xã hội.
II. Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024:
1. Có 07 chỉ tiêu về kinh tế, bao gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9%; GRDP bình quân đầu người đạt 77,59 triệu đồng; Tổng đầu tư toàn xã hội đạt 23.600 tỷ đồng; Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 5.760 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 2.000 triệu USD; giá trị nhập khẩu đạt 1.376 triệu USD; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 35%; Năng suất lao động đạt 113,5 triệu đồng/lao động.
2. Có 07 chỉ tiêu về xã hội, bao gồm: Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều là 2,3% - 2,5%; Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn 51%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,5% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25,5%); Tỷ lệ số trường đạt chuẩn quốc gia 61%; Số giường bệnh/1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã): 29,5 giường; Số bác sĩ/1 vạn dân: 9,8 bác sĩ; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95,25%; Có thêm 6 xã về đích nông thôn mới, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 66,7%; số tiêu chí nông thôn mới trung bình trên một xã đạt 16,3 tiêu chí.
3. Có 05 chỉ tiêu về môi trường, bao gồm: Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 95,9%; dân số thành thị được sử dụng nước sạch 96%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89%; Tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để trong năm 2023 là 100%; Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 80% (4/5 khu công nghiệp); Đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 51,5%.
III. Nhiệm vụ, giải pháp
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các chỉ tiêu trong năm 2024 có 10 nhóm nhiệm vụ, định hướng. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
1. Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh, gồm: (1) Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; (2) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; (3) Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động; (4) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: Dự án đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình); đường liên vùng: từ thành phố Hòa Bình đi Kim Bôi; đường kết nối hạ tầng giao thông thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia; Đường quanh Hồ Hòa Bình và nâng cấp cảng Thung Nai; Khu công nghiệp Yên Quang, Khu công nghiệp Nhuận Trạch…
2. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Đề án của Ban thường vụ tỉnh ủy như: Đề án cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; Đề án về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Đề án về phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025; Đề án về phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030.
3. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công đặc biệt là nguồn vốn thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
4. Thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách; đặc biệt tăng cường các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh nguồn thu từ sử dụng đất, cũng như là các nguồn thu khác đảm bảo kế hoạch giao.
5. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
6. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Các giải pháp cụ thể, chi tiết đề nghị các đại biểu nghiên cứu tại Báo cáo số 515/BC-UBND, ngày 24/11/2023 của UBND tỉnh (đã gửi đến các Đại biểu HĐND tỉnh).
Phần thứ hai
Về phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương năm 2022;
Tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024
1. Về quyết toán ngân sách địa phương năm 2022
Trên cơ sở số liệu quyết toán thu, chi ngân sách của các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh báo cáo quyết toán thu ngân sách nhà nước; thu, chi ngân sách địa phương năm 2022, trình HĐND tỉnh xem xét phê chuẩn, như sau:
- Thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 5.274,5 tỷ đồng, bằng 135% so với dự toán TTCP giao, bằng 82% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 94% so với thực hiện năm 2021, trong đó: (1) Thu nội địa đạt 4.901,1 tỷ đồng bằng 137% dự toán TTCP giao và đạt 80% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 94% so với thực hiện năm 2021; (2) Thu Xuất nhập khẩu đạt 332,9 tỷ đồng, bằng 106% dự toán TTCP và chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao và bằng 81% so với thực hiện năm 2021;
- Thu ngân sách địa phương năm 2022 đạt 16.462,3 tỷ đồng, bằng 135% dự toán TTCP giao và tăng 13% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 115% so với thực hiện năm 2021;
- Chi ngân sách địa phương năm 2022 đạt 16.237,8 tỷ đồng, bằng 133,9% dự toán TTCP giao và tăng 11% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 114% so với thực hiện năm 2021;
- Kết dư ngân sách địa phương là: 224.455 triệu đồng, trong đó: Kết dư ngân sách cấp tỉnh là 98.426 triệu đồng. Kết dư ngân sách cấp huyện là 110.135 triệu đồng. Kết dư ngân sách cấp xã là 15.894 triệu đồng.
2. Về Tình hình hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2023
Năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh giao thu ngân sách Nhà nước là 7.285 tỷ đồng, tăng 1.980 tỷ đồng, bằng 137% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 875 tỷ đồng, bằng 114% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2022, tăng 2.010,5 tỷ đồng, bằng 138% so với thực hiện năm 2022. Với việc Tổ chức, điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 linh hoạt, chủ động, chặt chẽ, kết quả thu ngân sách năm 2023, như sau:
- Thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 4.350 tỷ đồng, bằng 82% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 60% so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao, giảm 18% so với năm 2022. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 83% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và giảm 41% so với dự toán HĐND tỉnh giao; thu xuất nhập khẩu bằng 65% dự toán Thủ tướng Chính phủ và chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, giảm 25% so với cùng kỳ; Thu tiền sử dụng đất ước đạt 1.000 tỷ đồng, bằng 29% so với chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh giao.
- Thu ngân sách địa phương năm 2023 ước đạt 23.158 tỷ đồng, tăng 16% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ và bằng 106% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Trong đó: Thu điều tiết được hưởng theo phân cấp: 3.697,5 tỷ đồng; Thu bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương: 7.147 tỷ đồng; Thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương: 8.079,9 tỷ đồng; Thu chuyển nguồn: 3.764,6 tỷ đồng.
- Tổng chi ngân sách địa phương cả năm ước đạt 22.946 tỷ đồng, tăng 15% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 105% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. Trong đó: Chi đầu cân đối ngân sách địa phương ước đạt 11.913,5 tỷ đồng; chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương ước đạt 3.279,3 tỷ đồng.
3. Về dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2024
Năm 2024 là năm thứ ba của thời kỳ ổn định ngân sách Nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, trên tinh thần quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính; Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xem xét, quyết định dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2024, như sau:
3.1. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn
- Số thu ngân sách Nhà nước Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024 là: 4.041,4 tỷ đồng;
- Số thu ngân sách Nhà nước năm 2024 trình HĐND tỉnh giao là: 5.760 tỷ đồng, tăng 43% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với số tuyệt đối tăng 1.718,6 tỷ đồng, giảm 21% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2023, tăng 32% so với ước thực hiện năm 2023;
3.2. Thu ngân sách địa phương
- Số thu ngân sách địa phương Thủ tướng Chính phủ giao là: 14.406,8 tỷ đồng;
- Số thu ngân sách địa phương trình HĐND tỉnh giao là: 16.125,4 tỷ đồng, tăng 12% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với số tuyệt đối tăng 1.718,6 tỷ đồng, bằng 72% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2023, giảm 30% so với ước thực hiện năm 2023, trong đó:
+ Thu điều tiết được hưởng theo phân cấp 5.247 tỷ đồng, tăng 49% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với số tuyệt đối tăng 1.718,6 tỷ đồng, giảm 21% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2023;
+ Thu bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương là 8.203,9 tỷ đồng, bằng 100% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 15% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2023;
+ Thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương là 2.657,3 tỷ đồng, bằng 100% so với dự toán TTCP giao, bằng 33% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2023;
+ Thu vay huy động 17,2 tỷ đồng.
3.3. Chi ngân sách địa phương
- Số chi ngân sách địa phương Thủ tướng Chính phủ giao là: 14.406,8 tỷ đồng
- Số chi ngân sách địa phương trình HĐND tỉnh giao là: 16.125,4 tỷ đồng, tăng 12% so với dự toán TTCP giao, tương đương với số tuyệt đối tăng 1.718,6 tỷ đồng, giảm 27% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2023.
3.4. Phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh
Ngân sách cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ có tính chất liên vùng, liên huyện; đảm bảo kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách cho con người, an sinh xã hội, các chế độ, chính sách do địa phương ban hành, các nhiệm vụ đặc thù của địa phương,... với mục tiêu như vậy, UBND tỉnh dự kiến trình HĐND tỉnh phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2024 là: 14.384,3 tỷ đồng, Trong đó:
- Chi thuộc nhiệm vụ của ngân sách cấp tỉnh 7.808,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48% tổng chi ngân sách địa phương, bằng 65% so với dự toán năm 2023;
- Chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới 6.576,2 tỷ đồng.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Trong bối cảnh tỉnh ta còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 là rất nặng nề. Với tinh thần, ý chí quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất định chúng ta sẽ sớm phục hồi và phát triển KT-XH, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đưa tỉnh Hòa Bình vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.
Ủy ban nhân dân tỉnh trân trọng đề nghị và mong tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự quan tâm, ủng hộ và giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, cử tri và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh để cùng Ủy ban nhân dân tỉnh quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH mà Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã giao.
Xin trân trọng cảm ơn