Báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh

Việt Nam đang có hơn 800 cơ quan báo chí với đủ loại hình từ báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Khoảng 40 nghìn người đang công tác tại các cơ quan báo chí; hơn 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt ở Việt Nam, trong đó có nhiều hãng lớn như CNN, Reuters, AP, AFP đến được với công chúng Việt Nam mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi để tác nghiệp.

Với định kiến cố hữu, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) mới đây tiếp tục công bố cái gọi là "Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024". Theo RSF, tự do báo chí Việt Nam ở vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ với các chỉ số rất thấp.Chưa hết, RSF còn vu cáo rằng "các phóng viên và blogger độc lập ở Việt Nam thường xuyên bị bỏ tù"; bênh vực, cổ xúy cho một số hội nhóm, cá nhân lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Việt Nam.

Chuyện không lạ, vì việc xuyên tạc, bôi nhọ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những thủ đoạn mà lâu nay các đối tượng thù địch trong và ngoài nước thường xuyên sử dụng nhằm bôi đen hiện thực về tình hình tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phóng viên nước ngoài được tạo điều kiện tối đa để tác nghiệp tại Việt Nam.

Phóng viên nước ngoài được tạo điều kiện tối đa để tác nghiệp tại Việt Nam.

Các thế lực thù địch cố tình lờ đi việc từ tháng 9/1982, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc, trong đó có nội dung quy định về quyền tự do ngôn luận của tất cả mọi người. Chính phủ Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có rất nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định về quyền con người cơ bản của người dân Việt Nam theo đúng các điều ước quốc tế. Cụ thể, tại Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 hiến định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Quá trình triển khai thực hiện các quyền dân sự chính trị, đặc biệt là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ghi trong Hiến pháp, thực hiện những cam kết quốc tế liên quan đến quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, Việt Nam đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí Việt Nam, đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin báo chí.

Cũng trong năm 2016, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Báo chí quy định rõ những vấn đề cụ thể liên quan đến hoạt động báo chí, đồng thời quy định không ai được xâm hại đến hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo.

Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục chỉ đạo: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại".

Thực tiễn luôn là thước đo hoàn hảo nhất. Cho nên, dù các thế lực thù địch điên cuồng xuyên tạc, bôi nhọ đến đâu thì cũng không vì thế mà độc giả quay lưng với Báo chí Cách mạng Việt Nam. Sự phát triển ngày càng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng của lực lượng báo chí Việt Nam ngày càng chứng minh rõ cho quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Hiện, Việt Nam đang có hơn 800 cơ quan báo chí với đủ loại hình từ báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Khoảng 40 nghìn người đang công tác tại các cơ quan báo chí; hơn 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt ở Việt Nam, trong đó có nhiều hãng lớn như CNN, Reuters, AP, AFP đến được với công chúng Việt Nam mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi để tác nghiệp.

Hiện, Nhà nước Việt Nam đang cổ vũ, định hướng cho báo chí chuyển đổi số, số hóa, ứng dụng công nghệ. Cùng với đó là sự đầu tư xứng đáng, đặc biệt là đầu tư cho các cơ quan báo, đài lớn, chủ lực trong lực lượng báo chí để ngày càng hiện đại hóa, nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng của Báo chí Cách mạng Việt Nam: là diễn đàn của nhân dân, là phương tiện, thông tin thiết yếu của xã hội.

Thực tiễn này là chứng cứ vững chắc, khẳng định quyền tự do báo chí ở Việt Nam. Người dân Việt Nam có quyền tự hào được sống trong môi trường đảm bảo quyền ngôn luận và tự do báo chí, có quyền tự hào về sự lớn mạnh không ngừng của đội ngũ Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Trong thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh: 99 năm qua, những người làm báo Việt Nam đã làm tốt trách nhiệm "phụng sự nhân dân, phụng sự cách mạng", luôn đồng hành cùng đất nước, dân tộc.

Nhà báo Lê Quốc Minh cũng nêu rõ: "Trong những năm tháng chiến tranh, hàng nghìn lượt cán bộ, phóng viên báo chí đã sát cánh cùng bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Hàng trăm nhà báo - liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Báo chí Cách mạng nước nhà. Bước sang thời kỳ hòa bình, đổi mới và hội nhập, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, giữ vững định hướng chính trị, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ".

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/bao-chi-cach-mang-viet-nam-khong-ngung-lon-manh-i734215/