Người 'lật mặt' sự thật về giống lúa Thiên đàng tại miền Tây

Là dân 'tay ngang' nhưng Đội Tuyên truyền – Giáo dục, Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị (PX03) Công an tỉnh Sóc Trăng đã có những tác phẩm báo chí 'để đời' trong đó có phóng sự về giống lúa Thiên đàng từng gây chấn động miền Tây.

Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng - Phó Đội trưởng Đội tuyên truyền - Giáo dục, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Anh em trong đội chúng tôi đa số là dân “tay ngang”, khi vào ngành, chưa ai qua trường lớp đào tạo chuyên môn về báo chí, nhưng anh em đều nỗ lực hết mình, vừa làm vừa học hỏi, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đội Tuyên truyền - Giáo dục (Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị Công an tỉnh Sóc Trăng) nhận giải Vàng tại Liên hoan phát thanh truyền hình Công an nhân dân năm 2022 tổ chức ở TP. Cần Thơ.

Đội Tuyên truyền - Giáo dục (Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị Công an tỉnh Sóc Trăng) nhận giải Vàng tại Liên hoan phát thanh truyền hình Công an nhân dân năm 2022 tổ chức ở TP. Cần Thơ.

Khi thực hiện một bài viết, một tác phẩm báo chí, anh em chúng tôi đảm nhận hết tất cả các công đoạn như tìm hiểu, ghi nhận thông tin, quay phim, chụp ảnh, dựng phim, viết kịch bản, viết thuyết minh, biên tập. Đây là những cái mà chúng tôi khi vào nghề chưa được học bài bản như các nhà báo khác. Thế nhưng, với tinh thần trách nhiệm cao, chúng tôi đã nỗ lực hết mình để xuất bản nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng, được lãnh đạo và bạn đọc đánh giá cao. Nhiều tác phẩm dự thi đã đạt nhiểu giải cao”.

Đai úy Trương Đức Trung cũng chia sẻ: "Các đài truyền hình đều có bộ phận chuyên môn phụ trách từng phần việc, còn anh em chúng tôi thì đảm nhận từ A đến Z cho tác phẩm của mình. Công tác tuyên truyền trên lĩnh vực ANTT có cái khó riêng của nó, chúng tôi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu, sử dụng các phương tiện ghi hình tác nghiệp, làm sao tiếp cận, ghi những hình ảnh chân thật nhất, sinh động, chân thực để phục vụ tuyên truyền, biểu dương tập thể, cá nhân trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn với bạn đọc, bạn xem đài".

Các cán bộ chiến sĩ trong những lần tác nghiệp báo chí

Các cán bộ chiến sĩ trong những lần tác nghiệp báo chí

Hiện tại, với quân số 10 người, đội phải đảm nhiệm nhiều công việc như sản xuất, phát sóng chuyên mục An ninh Sóc Trăng mỗi tuần 1 kỳ trên sóng đài PT-TH Sóc Trăng. Thực hiện tin, bài đăng trên Trang Thông tin điện tử Công an tỉnh và tin, bài, phóng sự cộng tác với các cơ quan báo, đài trung ương, địa phương. Ngoài ra còn xây dựng kế hoạch, báo cáo liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội theo các chuyên đề, các phóng sự phục vụ cho các hội nghị của ngành.

Nói về công việc của anh em trong đội, Đại úy Trung tâm sự: "Làm báo vốn đã có áp lực với công việc nhưng những người làm báo trong lực lượng công an còn có áp lực lớn hơn bởi chúng tôi vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, vừa thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cho bạn đọc, bạn xem đài. Mỗi khi có sự việc là anh em chúng tôi phải lên đường, bất kể sớm hay trưa, chiều tối hay nửa đêm, rạng sáng, mưa hay là nắng, không được chậm trễ.

Trong khi tác nghiệp, do tính chất công việc, nhiều hôm chúng tôi không về nhà được mà phải ăn cơm hộp, uống nước chai, làm việc xuyên đêm cho kịp ra đời tác phẩm phục vụ người đọc, người xem. Nam đã vất vả, nữ lại càng vất vả hơn.

Trong đội chúng tôi, đồng chí Thiếu tá Ngô Thị Diễm Hương có con nhỏ, chồng công tác trong quân đội đóng quân ở Cần Thơ nên đồng chí vừa phải hoàn thành việc nhà, vừa lo công việc chuyên môn nghiệp vụ của mình".

Chia sẻ về công việc của mình, Đại úy Trung cho biết thêm: "Trong những chuyến tác nghiệp, chúng tôi càng hiểu thêm về những khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm của đồng chí, đồng đội như điều tra, phá các vụ án về các loại tội phạm như tội phạm ma túy, cướp giật, tội phạm hình sự. Cũng có những chuyến đi chúng tôi đã được tiếp cận với những tấm gương tiêu biểu của đồng chí, đồng đội của mình và của người dân trong các hoạt động. Những tấm gương đó đã giúp chúng tôi có thêm động lực để hoàn thiện bản thân mình hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Thậm chí, khi tham gia một số vụ án có tội phạm hình sự, qua điều tra, tìm hiểu, chúng tôi càng thấy xót xa khi hoàn cảnh của một số đối tượng rất éo le như đối tượng có mẹ già yếu, con thơ dại, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Giá như đối tượng có suy nghĩ chín chắn thì chắc họ sẽ không đi vào con đường phạm tội".

Nói về kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tác nghiệp, Thiếu tá Nguyễn Huy Hoàng kể: Năm 2019 - 2020, giống lúa "Thiên Đàng" được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội khiến nhiều nông dân tin theo.

"Ở một số địa phương của tỉnh Sóc Trăng, nhà nông mua giống lúa này về trồng với hi vọng sẽ có lời to. Từ thông tin trên, chúng tôi đã tìm đến nhiều vùng nông thôn của các tỉnh miền Tây và được bà con cho biết, người của công ty giới thiệu đây là giống lúa quý hiếm do một nhà sư ở Thái Lan tìm được. Lúa này sạ giống nông dân ít tốn chi phí, là giống lúa trời, phật ban giúp nông dân làm giàu, không chỉ ăn ngon mà còn trị được nhiều bệnh như cao huyết áp, tiểu đường. Họ bán cho nông dân 50.000 đồng/1kg lúa giống, bao tiêu sản phẩm với giá 8.000 đồng/kg", Thiếu tá Hoàng kể.

Tin vào những lời quảng bá này, chỉ trong 1 thời gian ngắn, nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã ồ ạt trồng giống lúa Thiên Đàng. Riêng 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã có hơn 200 héc ta canh tác giống lúa này trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020. Đến kỳ thu hoạch, người dân vỡ mộng khi công ty trốn bặt tăm. Có nông dân vì nhận làm đầu mối với công ty này nên đã ký hợp đồng bao tiêu với nhiều nông dân trong vùng. Khi công ty "mất tích", ông đành chấp nhận thu mua lúa của bà con với giá 7.000 đồng/kg để bán cho thương lái nhưng đau khổ hơn thương lái mua lại giá chỉ 5.500 đồng/kg. Vậy là một vụ lúa ông thua lỗ hơn 200 trăm triệu đồng.

Để làm rõ sự thật, nhóm phóng viên đã phối hợp với Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Sóc Trăng và công an các tỉnh An Giang, Hậu Giang bóc trần thủ đoạn lừa đảo bán giống lúa giả cho nông dân. Giống lúa này chưa được cấp phép, giá bán cao gấp 3 lần so với các loại lúa giống trên thị trường. Hàng ngàn nông dân Miền Tây đã vỡ mộng khi công ty bán lúa giống đã không thu mua lúa như hợp đồng liên kết. Nhưng sâu xa hơn là thủ đoạn lợi dụng tâm linh để trục lợi từ một số cá nhân. Giống lúa mang tên “Thiên đàng” nhưng cuối cùng đã trở thành "địa ngục" với nhiều nông dân miền Tây.

Phóng sự "Vỡ mộng trồng lúa Thiên Đàng" hoàn thành và tham gia Liên hoan truyền hình, phát thanh Công an nhân dân lần thứ XIII - năm 2022, tổ chức tại Cần Thơ, được trao giải Vàng ở thể loại phát thanh.

Tính từ năm 2015 đến nay, Đội Tuyên truyền - Giáo dục (Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị Công an tỉnh Sóc Trăng đã mang nhiều tác phẩm tham gia các liên hoan do Bộ Công an tổ chức và đã đạt được nhiều giải thưởng như 1 giải Vàng, nhiều giải Bạc, nhiều Bằng khen của Bộ Công an.

Bên cạnh đó, đội còn đạt 1 giải A, 2 giải B phát thanh viên. Các cán bộ chiến sĩ trong đội đã được nhận nhiều Bằng khen của Bộ Công an, của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhiều Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng.

Cao Xuân Lương

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nguoi-lat-mat-su-that-ve-giong-lua-thien-dang-tai-mien-tay-d199578.html