Báo chí - doanh nghiệp chung sức xây dựng mối quan hệ lành mạnh, trách nhiệm và bền vững

Theo các chuyên gia, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp (DN) luôn là quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Vì vậy, hai bên cần chung sức để duy trì mối quan hệ này một cách đồng thuận, tích cực phục vụ cho việc thông tin tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của xã hội, của đất nước.

Báo chí là kênh thông tin quan trọng về hoạt động của cộng đồng DN và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh minh họa: S.T

Báo chí là kênh thông tin quan trọng về hoạt động của cộng đồng DN và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh minh họa: S.T

Báo chí là “cầu nối” thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp

Tại Diễn đàn “Báo chí và DN đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024” với chủ đề “Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và DN trên báo chí” mới diễn ra, chia sẻ về vai trò của báo chí hiện nay, ông Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho biết, trong thời gian qua, báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng DN. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và sản phẩm của DN trong nước nhiều hơn, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, sự tin dùng đối với hàng Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của DN nước nhà.

Bên cạnh đó, báo chí cũng là kênh phản ánh những thông tin từ xã hội và người tiêu dùng trong nước với DN, góp phần giúp DN nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ở góc độ khác, báo chí đã và đang là “cầu nối” hiệu quả, kịp thời giữa DN và Nhà nước. Thông qua các thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng có thêm kênh thông tin lắng nghe ý kiến của DN một cách kịp thời, toàn diện hơn, nhất là ý kiến phản hồi về các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước...

Cũng đánh giá cao vai trò của báo chí, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo số liệu thống kê, lực lượng báo chí tại Việt Nam hiện nay có 806 cơ quan báo chí, trong đó có 137 báo, hơn 70 đơn vị hoạt động phát thanh truyền hình trong cả nước.

Lực lượng báo chí lớn này đã góp phần tạo ra lượng tin tức khổng lồ, mỗi một năm khoảng 49 triệu tin bài chỉ trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng; sản xuất hơn 20 nghìn giờ phát thanh, hơn 50 nghìn giờ truyền hình phát sóng với nội dung đa dạng, trong đó có các thông tin về kinh tế, DN.

Do đó, ông Lâm nhấn mạnh rằng, báo chí trước kia, hiện nay và sau này vẫn là lực lượng thông tin chủ lực, dòng thông tin chính định hướng xã hội, tham gia cung cấp thông tin và tri thức cho xã hội.

Từ góc độ cộng đồng DN, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ, môi trường truyền thông, báo chí là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh, vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, hoạt động của DN, vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội, là yêu cầu then chốt, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các DN, từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

“Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin tuyên truyền về DN, bảo đảm tính khách quan, trung thực, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, cũng như hạn chế các hiện tượng tiêu cực, thông tin sai lệch ảnh hưởng đến DN, có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai phía DN và báo chí. Qua đó, góp phần vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Mối quan hệ giữa báo chí và DN là quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Ảnh minh họa: S.T

Mối quan hệ giữa báo chí và DN là quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Ảnh minh họa: S.T

Chung sức xây dựng mối quan hệ lành mạnh, bền vững

Ông Lê Quốc Minh cho biết, trong mọi thời điểm mối quan hệ giữa báo chí - DN luôn là quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận có thể thấy sự phát triển của báo chí hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Chẳng hạn như, nhiều bài báo về DN còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của DN, dẫn đến thông tin về DN được đăng tải không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch.

Bên cạnh đó, báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ DN phát triển, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và DN vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền…

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Lâm cũng đánh giá, trong hành trình phục vụ xã hội và người dân, đôi lúc, đôi chỗ lợi ích của báo chí và DN không song trùng và xung đột, làm giảm sút niềm tin của một bộ phận người đọc và làm mối quan hệ không được xây dựng trên cơ sở trong sáng và minh bạch.

“Nếu như chỉ nghĩ báo chí là kênh quảng cáo sản phẩm dịch vụ, hay là sự phiền phức, thì mối quan hệ này sẽ rất khập khiễng. Cả xã hội, cả thế giới đều cần truyền thông có trách nhiệm, việc này một mình báo chí không thể làm được” - ông Lâm nhấn mạnh.

Từ thực tế trên, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đứng trước kỷ nguyên mới của đất nước với những cơ hội và điều kiện phát triển mới, để báo chí và DN cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí - DN trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng vào nhau.

Đồng thời, báo chí và DN cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt, trong đó dịch vụ cung cấp thông tin cũng là dịch vụ cần đầu tư đúng mức để có các sản phẩm chất lượng cao.

Chia sẻ thêm ý kiến, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, báo chí - DN là mối quan hệ tương hỗ không thể tách rời, vì vậy, cần đưa ra các giải pháp để duy trì mối quan hệ này một cách đồng thuận, tích cực phục vụ cho việc thông tin tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của xã hội, của đất nước.

Theo đó, đối với các tòa soạn báo, muốn nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế, cần quan tâm số một là vấn đề nhân lực. Bởi theo số liệu thống kê, trong khoảng 21.000 nhà báo được cấp thẻ, thì có khoảng 39% nhà báo có bằng đào tạo về báo chí, còn lại là các chuyên ngành khác, trong đó có các ngành về kinh tế.

“Thực tế, báo chí là nghề đặc biệt, nhưng phóng viên viết về kinh tế nên có kiến thức về kinh tế, viết về chứng khoán có kiến thức về chứng khoán… Tất cả các lĩnh vực khác nhau đều phải có kiến thức nền để phục vụ cho chuyên môn của mình, đặc biệt thông tin về kinh tế cần phải có kiến thức chuyên sâu hơn” - bà Thảo nói.

Vì vậy, theo bà Thảo, bên cạnh việc sử dụng đội ngũ phóng viên của Tòa soạn, các Tòa soạn báo nên sử dụng hệ thống chuyên gia thẩm định, phản biện… Cùng với đó là đề cao tính minh bạch, đảm bảo tính xác thực, chính xác, khách quan về thông tin được đăng tải, bởi chỉ cần một thông tin sai lệch có thể dẫn đến hậu quả vô cùng lớn cho DN.

Ở chiều ngược lại, đối với DN, các DN cũng cần tự trang bị kiến thức trong vấn đề tiếp xúc với báo chí, để từ đó có thể đưa ra các giải pháp phù hợp, hợp tác với báo chí để cung cấp các thông tin chính thống, chính xác.

“Bộ Thông tin và Truyền thông đã đăng tải trên website của Bộ thông tin về danh sách, tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí, quy chuẩn về giấy giới thiệu tác nghiệp, vì vậy DN có thể truy cập vào để tham khảo” - bà Thảo chia sẻ thêm.

Từ góc độ DN, ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Quảng Ninh bày tỏ, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ DN phát triển. Do đó, DN mong muốn có được mối quan hệ hợp tác minh bạch, lành mạnh với các cơ quan báo chí. Việc đảm bảo tính chuyên nghiệp trong quá trình tác nghiệp của các nhà báo sẽ giúp tạo dựng được niềm tin từ phía DN, đồng thời duy trì mối quan hệ hợp tác giữa DN - báo chí lâu dài và hiệu quả./.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/bao-chi-doanh-nghiep-chung-suc-xay-dung-moi-quan-he-lanh-manh-trach-nhiem-va-ben-vung-35810.html