Báo chí - doanh nghiệp: Mối quan hệ bình đẳng và thượng tôn pháp luật

Mối quan hệ giữa báo chí - doanh nghiệp hướng đến mục tiêu tối thượng là hình thành tri thức công chúng - môi trường kinh doanh cạnh tranh. Doanh nghiệp cần báo chí, báo chí cũng cần doanh nghiệp, nhưng mối quan hệ này phải đảm bảo bình đẳng và thượng tôn pháp luật.

Đây là ý kiến của Phó Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Eco REAL Nguyễn Tấn Việt tại diễn đàn “Báo chí - doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” diễn ra vào chiều 12/6 ở TP Đà Nẵng.

Quang cảnh diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn.

Theo ông Nguyễn Tấn Việt, báo chí - doanh nghiệp trong thời đại mới được đặt trong khái niệm Cách mạng 4.0 hay ngôn từ phổ cập là chuyển đổi số. Tận dụng công nghệ số, báo chí có nhiều cách tiếp cận về nội dung, nâng cao chất lượng sản phẩm, trải nghiệm mới dành cho người đọc hay phân tích dữ liệu…

Doanh nghiệp cũng không nằm ngoài khi công nghệ ngày càng phát triển. Bên cạnh nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số thì hình thức tiếp cận thông tin, tiếp thị sản phẩm, cái gốc của thương hiệu doanh nghiệp chính là niềm tin với khách hàng được chú trọng nhiều hơn thông qua kênh truyền thông chính thống - báo chí.

Phó Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Eco REAL Nguyễn Tấn Việt.

Phó Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Eco REAL Nguyễn Tấn Việt.

Quan hệ báo chí và doanh nghiệp cần đảm bảo hoặc đặt trong phạm vi một số tiêu chí. Trong đó, thông tin là dữ liệu sống còn. Nó phải đảm bảo tính chính xác và tin cậy tuyệt đối trong quá trình công chúng tiếp cận. Từ đó giúp cho công chúng, xã hội có cái nhìn đa chiều về sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của doanh nghiệp.

Quan hệ tích cực và xuyên suốt sẽ đảm bảo sợi dây thông tin được truyền tải tốt nhất. Báo chí và doanh nghiệp phải cần giao tiếp một cách hiệu quả, tạo ra môi trường lành mạnh cho việc định hướng phát triển xã hội, tránh những vấn đề tiêu cực trong việc truyền tải thông tin, cạnh tranh không lành mạnh cùng tâm lý hoang mang cho khách hàng…

Quảng cáo/PR là xu thế tất yếu trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp. Góc độ này được xem là tương hỗ và bổ sung lẫn nhau trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên chúng ta có thể tách biệt quảng cáo - truyền tải thông tin, thông điệp rõ ràng của sản phẩm đến khách hàng nhưng phải được kiểm soát; PR - xây dựng thương hiệu đáng tin cậy thông qua các báo cáo đánh giá cụ thể, để có cách tiếp cận đúng đắn.

Khủng hoảng cũng được xem xét trong quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp. Đơn cử, doanh nghiệp gặp sự cố trong quá trình hoạt động hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Thời điểm này báo chí có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thông báo và đăng tải một cách khách quan cũng như tìm hiểu đến tận cùng vấn đề. Doanh nghiệp cũng cần trung thực, hợp tác và chuyên nghiệp trong việc chia sẻ với công chúng.

Đổi mới là chìa khóa cần tính đến trong việc duy trì mối quan hệ phát triển. Nền kinh tế thị trường đặt cả hai thường xuyên cập nhật, trao đổi và truyền đạt những thông tin, kiến thức và phương pháp mới để đồng hành cùng xã hội. Đặc biệt nhiều quyết sách về luật pháp được ban hành đòi hỏi cả hai phải nắm bắt và phân tích chuyên sâu. Nhà báo cũng dần trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực, cơ quan mình phụ trách.

Rõ ràng, báo chí và doanh nghiệp đều đóng vai trò then chốt trong việc định hướng và hình thành tri thức, giúp doanh nghiệp cạnh tranh và phát triển. Nhưng cần đặt ra 3 nguyên tắc cơ bản khi hợp tác.

Thứ nhất là quan hệ hợp tác cởi mở. Báo chí tích cực và chủ động thu thập và tìm hiểu thông tin về hoạt động kinh doanh, sản phẩm và định hướng phát triển thị trường. Chiều ngược lại, doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ và phản hồi đầy đủ những thông tin thực tế đang diễn ra một cách nhanh chóng.

Thứ hai là mối quan hệ độc lập và trung thực. Báo chí và doanh nghiệp phải sẵn sàng cho những góc nhìn đa chiều, chuyên sâu, thậm chí tiêu cực để làm sáng tỏ nhiều vấn đề còn tồn đọng. Báo chí tránh bị tác động còn doanh nghiệp thảo luận mang tính xây dựng.

Thứ ba là quan hệ xây dựng để tạo niềm tin cho xã hội. Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp cần đặt trong phạm vị xã hội. Cả 2 đóng vai trò xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó việc nhận thức vai trò một cách đúng đắn là vô cùng quan trọng khi cung cấp và truyền tải thông tin.

Cơ quan báo chí và doanh nghiệp đều hoạt động dựa trên tôn chỉ mục đích riêng của mình. Trong tương lai cả hai cần tăng cường tổ chức những diễn đàn trên tinh thần giao lưu, hợp tác và chia sẻ thẳng thắn, cởi mở.

Doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin một cách thường xuyên, nhanh chóng và chính xác góp phần nâng cao tính cạnh tranh về mặt thương hiệu và sản phẩm. Các cơ quan báo chí không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, đảm bảo chất lượng thông tin và môi trường kinh doanh lành mạnh.

Báo chí cần làm trong sạch đội ngũ phóng viên nếu xuất hiện cá nhân nhũng nhiễu, gây cản trở doanh nghiệp. Góc độ doanh nghiệp cũng cần chú trọng khâu xây dựng và phát triển đội ngũ truyền thông – Marketing để chủ động hơn trong quá trình hợp tác với cáo chí.

“Việc cung cấp và truyền tải một thông tin sai, tiêu cực sự thật có thể “giết chết” một doanh nghiệp, thậm chí cơ quan báo chí. Nhưng nếu thông tin chuẩn xác, tích cực sẽ góp phần nâng cao thương hiệu của cả 2. Một cách chung nhất, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đang được quan tâm. Kết quả của mối quan hệ này sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội. Do đó dù đặt trong hoàn cảnh nào thì phải bình đẳng và thượng tôn pháp luật” - ông Nguyễn Tấn Việt bày tỏ.

Nhóm PV Văn phòng miền Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-chi-doanh-nghiep-moi-quan-he-binh-dang-va-thuong-ton-phap-luat.html