Báo chí đồng hành cùng Đoàn ĐBQH TP.HCM lan tỏa tiếng nói cử tri đến nghị trường
Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM Nguyễn Văn Lợi kỳ vọng báo chí tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Chiều 14-7, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức hội nghị trao đổi thông tin về công tác phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động tuyên truyền của Đoàn ĐBQH TP khóa XV.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Báo chí đưa tâm tư cử tri đến nghị trường
Góp ý tại hội nghị, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, nhận định rằng báo chí TP.HCM thời gian qua đã phản ánh rõ nét các hoạt động của Đoàn ĐBQH TP.HCM. Song song đó, nhiều đại biểu cũng tích cực phối hợp với báo chí để cùng lên tiếng về những vấn đề mà cử tri và người dân quan tâm.
Theo ông Phước, bên cạnh việc đưa tin về hoạt động của TP.HCM nói chung và Đoàn ĐBQH TP nói riêng, báo chí còn đóng vai trò là cầu nối, truyền tải tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Ông kỳ vọng các đại biểu sẽ lắng nghe, tiếp nhận những phản ánh đó và có phản hồi trở lại thông qua báo chí, để người dân thấy tiếng nói của mình được lắng nghe, quan tâm.

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, góp ý tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Ông cũng nhấn mạnh, báo chí TP.HCM không chỉ phản ánh, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phản biện, góp ý xây dựng chủ trương, chính sách.
“Một số đại biểu từng chia sẻ với tôi rằng nhiều nội dung được đăng tải trên báo Pháp Luật TP.HCM, Tuổi Trẻ, Người Lao Động… đã được tiếp thu và mang ra thảo luận tại nghị trường. Thời gian tới, chúng tôi mong các đại biểu sẽ tiếp tục đồng hành, tham gia cùng báo chí trong các buổi tọa đàm, hội thảo, góp ý chính sách, để những chủ trương, quy định ban hành sát với thực tiễn cuộc sống”- ông nói.
Ông Phước cũng đề xuất Đoàn ĐBQH TP.HCM tăng cường trao đổi định kỳ với báo chí, chủ động chia sẻ thông tin về hoạt động, định hướng công tác để các cơ quan báo chí truyền thông kịp thời cập nhật, lan tỏa đến cử tri và người dân TP.HCM.

Bà Phạm Thị Vân Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Bà Phạm Thị Vân Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM, đánh giá cao mối quan hệ phối hợp giữa báo chí và Đoàn ĐBQH TP. Theo bà, đây là mối quan hệ cộng sinh, cùng đồng hành để nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội và góp phần hoạch định chính sách từ thực tiễn.
Bà cho rằng báo chí cần được tạo điều kiện tiếp cận thông tin kịp thời, đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm, những nội dung cần góp ý thẳng thắn, mang tính xây dựng.
Bên cạnh việc tổ chức họp báo định kỳ, bà đề xuất mở rộng hình thức tiếp xúc chuyên đề, tọa đàm, hội thảo với từng nhóm đối tượng như phụ nữ, doanh nhân, nhà khoa học... để thu nhận tiếng nói đa chiều từ xã hội.
Đại tá Phan Tùng Sơn, Trưởng ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP.HCM, cho rằng công tác truyền thông về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội cần được nâng lên tầm cao mới, chuyển từ tư duy phản ánh sang tư duy kiến tạo.
Theo ông, thông tin hiện tại vẫn chủ yếu dừng ở việc tường thuật, phản ánh bề mặt, trong khi xu thế truyền thông hiện đại đòi hỏi sâu sắc hơn, có góc nhìn phản biện và hàm lượng khoa học rõ rệt. Ông đề xuất mỗi phát biểu của đại biểu cần được xây dựng như một đề tài có giá trị lan tỏa trên truyền thông.

Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV TP.HCM, thông tin tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Cùng góp ý xây dựng TP.HCM mới
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV TP.HCM, cho biết hiện Đoàn ĐBQH TP.HCM có 44 đại biểu, dự kiến sẽ được chia thành 15 nhóm. Sắp tới, hoạt động tiếp xúc cử tri sẽ diễn ra tại khoảng 80 điểm, trải rộng trên địa bàn 168 xã, phường.
“Với địa bàn rộng, khối lượng công việc lớn và đan xen cùng nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội khác, chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí chủ động phối hợp, đồng hành trong việc truyền tải thông tin, phản ánh kịp thời các hoạt động của Đoàn”- bà Phúc bày tỏ.
Bà cũng đề xuất báo chí tạo điều kiện để các đại biểu có cơ hội chia sẻ thông tin, góp phần lan tỏa nhanh chóng, chính xác các nội dung tuyên truyền liên quan đến hoạt động của Quốc hội và cơ quan dân cử tại địa phương.
Bà Phúc tin tưởng rằng sự phối hợp chặt chẽ giữa báo chí và Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tạo bước phát triển mới trong việc đưa thông tin về Quốc hội đến gần hơn với người dân, đồng thời đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, phát biểu kết luận. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý từ lãnh đạo các cơ quan báo chí truyền thông nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn trong thời gian tới.
Ông cho biết, trọng tâm sắp tới của Đoàn ĐBQH TP.HCM là tham gia xây dựng thể chế, cả ở cấp Trung ương và địa phương.
“Hiện Thành ủy đã chỉ đạo, UBND TP đang xây dựng và đề xuất một số cơ chế đặc thù cho TP.HCM mới. Chúng tôi mong các cơ quan báo chí sẽ tích cực phản biện, đóng góp ý kiến, trở thành diễn đàn để người dân hiến kế cho TP”- ông Lợi bày tỏ.
Theo ông, với địa giới hành chính mở rộng, TP.HCM mới đòi hỏi một phương thức quản trị thông minh hơn, hệ thống thủ tục hành chính cũng phải thông suốt, hiện đại hơn. Do đó, Đoàn ĐBQH TP.HCM dự kiến sẽ tổ chức khảo sát chuyên đề về xây dựng chính quyền số, cải cách thủ tục hành chính… “Chúng tôi rất mong báo chí đồng hành, phản ánh thực tiễn và cùng góp ý với Đoàn trong các nội dung này”- ông Lợi đề nghị.
Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM cũng kỳ vọng báo chí tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là đối với những vấn đề bức xúc kéo dài, những nội dung "nóng" còn tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết, cũng như góp ý cho những chính sách chưa sát với thực tiễn đời sống của người dân, cử tri.