Báo chí Đồng Nai đồng hành cùng doanh nghiệp

Doanh nghiệp (DN), doanh nhân vừa là nguồn tin nhưng cũng là đối tác, là khách hàng của cơ quan báo chí. Trong bối cảnh cộng đồng DN đang đứng trước nhiều khó khăn, vai trò của truyền thông, báo chí lại càng cần thiết để đồng hành, hỗ trợ, động viên, chia sẻ.

Truyền thông chính sách đến doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng của báo chí. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tham quan một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành). Ảnh: V.THẾ

Truyền thông chính sách đến doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng của báo chí. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tham quan một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành). Ảnh: V.THẾ

Thời gian qua, các cơ quan báo chí địa phương, trong đó có Báo Đồng Nai, đã cố gắng để “gần” hơn với cộng đồng DN trên địa bàn.

Bám sát nhịp sống doanh nghiệp

DN chuyên sản xuất, kinh doanh ngành vật liệu thép xây dựng và tổng thầu xây dựng công trình, Giám đốc Công ty CP Kết cấu thép GSB (ở Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) Nguyễn Tấn Lộc cho rằng, áp lực của DN ngày nay rất lớn. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới thì cuộc chơi là sòng phẳng, DN chỉ tồn tại được khi có năng lực và dám đổi mới. Ngay cả những thương hiệu lớn nếu đi sai đường, không phù hợp thị hiếu, nhu cầu của khách hàng thì cũng đổ gãy. Hàng loạt tên tuổi đến và đi, thành công rồi thất bại trên thương trường đã cho thấy điều đó.

Cùng với công việc kinh doanh, ông Nguyễn Tấn Lộc cũng là bạn đọc quen thuộc của Báo Đồng Nai. Ông Lộc đánh giá, Báo Đồng Nai đang từng bước đổi mới, phát triển. Để kết nối, đồng hành cùng DN, báo chí cần có thêm các tuyến bài nhằm kiến nghị địa phương, các cơ quan chức năng kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; có các chính sách hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn, hạ tầng cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại, kết nối thị trường trong và ngoài nước.

Trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp, phục vụ thu hút đầu tư cho Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom) Nguyễn Công Định cho biết, thời gian qua, DN của ông đã nhận được sự đồng hành rất lớn từ các cơ quan báo chí. Những khó khăn của DN khi triển khai đầu tư sản xuất, kinh doanh được các cơ quan báo chí trên địa bàn nắm bắt, truyền tải nguyện vọng đến Nhà nước. Từ đó, địa phương tích cực hơn trong việc gỡ khó cho DN, nhất là thúc đẩy giải pháp về hạ tầng, mặt bằng đất đai. Qua thông tin báo chí, nhà đầu tư nắm bắt được tình hình thực tế tại khu công nghiệp và những tiềm năng phát triển nên sẽ mạnh dạn kết nối, tìm kiếm hợp tác đầu tư.

Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Thanh Thanh, Giám đốc Công ty CP Domilk (huyện Long Thành) - DN chuyên sản xuất các loại bánh kẹo từ sữa bò của Đồng Nai, thời gian qua, DN này đã tích cực tham gia nhiều chương trình khuyến công của địa phương để phát triển thương hiệu sản phẩm. Hiện nay, DN đang phát triển những sản phẩm với bộ nhận diện thông qua hình ảnh, danh thắng của Đồng Nai để xây dựng thương hiệu. Quá trình phát triển này không hề dễ dàng, sự lan tỏa qua các phương tiện thông tin báo chí cùng với nỗ lực của DN sẽ giúp cho ngày càng có nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến sản phẩm, thương hiệu địa phương nhiều hơn. Vì thế, bà Thanh mong muốn Báo Đồng Nai và các báo, đài khác sẽ tiếp tục hỗ trợ trong việc quảng bá thương hiệu hàng Việt đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Cần cởi mở từ cả hai phía

PGS-TS Vũ Quang Hào, Trưởng khoa Truyền thông sáng tạo, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, nhận định Báo Đồng Nai là cơ quan báo chí địa phương nhưng đa dạng các nền tảng. Bên cạnh báo giấy với nhiều chuyên mục thì Báo Đồng Nai điện tử cũng có sự phát triển ấn tượng. Không đơn thuần chỉ là tin, bài, ảnh, Báo Đồng Nai điện tử còn bao gồm nhiều loại hình khác như: longform, infographic, podcast, phóng sự truyền hình…

Cũng theo PGS-TS Vũ Quang Hào, là địa phương phát triển về kinh tế, DN nên Báo Đồng Nai cần chú trọng hơn về mảng đề tài này. Trong đó, báo cần tăng thêm thời lượng về câu chuyện DN, doanh nhân. Đây là một trong những vấn đề mà báo chí ngày càng phải quan tâm để DN có điều kiện chia sẻ.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long chia sẻ, cộng đồng DN, doanh nhân trẻ tại Đồng Nai đang ngày một phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đơn cử như hiện nay, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai đã thành lập được cấp chi hội tại các địa phương. Đây là tổ chức để chính quyền, DN dễ tiếp cận với nhau, gần gũi nhau hơn. Lãnh đạo một số địa phương trong tỉnh cũng thường có những buổi tiếp xúc, cùng cà phê sáng và trò chuyện với DN để nắm bắt thông tin, gỡ khó về các vấn đề một cách cụ thể. Trong quá trình ấy, cộng đồng DN, doanh nhân mong muốn được báo chí tiếp tục đồng hành, bám sát đời sống DN để truyền tải thông tin một cách chân thực, sinh động.

Cùng quan điểm trên, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng cho hay, báo chí vừa tuyên truyền chủ trương, đường lối; vừa có những phản biện xã hội mang tính kịp thời. Các nhà báo ghi nhận thông tin, trao đổi theo hướng 2 chiều để Nhà nước nắm bắt những vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc của DN, từ đó có những sự điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Góp ý thêm, ông Hưng mong muốn các cơ quan báo chí nói chung, báo chí Đồng Nai nói riêng cần mạnh mẽ hơn trong việc phản ánh, phản biện, thúc đẩy chính sách. Nhưng đồng thời, cộng đồng DN cũng cần cởi mở, tạo điều kiện cho những người làm báo có thêm kênh tiếp cận thông tin. Điều này vừa tạo cơ hội cho các DN nói lên tiếng nói của mình, cũng là để các nhà báo thực hiện chức năng, vai trò của mình một cách tốt nhất.

Đào Lê

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông NGUYỄN THANH LÂM:

Cùng DN giải bài toán về kinh tế

Tại Hội thảo quốc tế: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” được tổ chức ngày 14-6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, bên cạnh việc tìm nguồn vui của độc giả thì DN cũng là thực thể rất cần sự đồng hành có trách nhiệm của báo chí để giữa các bên hình thành một mối quan hệ vừa giám sát, vừa phản biện nhưng cũng đồng hành vì lợi ích chung. DN là bên có nguồn lực nhưng cũng đối mặt với những vấn đề còn phức tạp hơn một cơ quan báo chí cụ thể rất nhiều. DN có kinh nghiệm trong việc làm sao vượt qua khủng hoảng, vượt qua khó khăn, nhưng DN rất cần sự đồng cảm, chia sẻ để cùng giải bài toán khó trong phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh.

Ông HUỲNH THANH VẠN, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam:

Kết nối môi trường kinh doanh giữa báo chí và DN

Theo Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam Huỳnh Thanh Vạn, đối với cộng đồng DN, những hoạt động đồng hành, hỗ trợ của cơ quan báo chí, truyền thông rất quan trọng.

Báo chí và truyền thông đang là một phần của môi trường kinh doanh, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của DN, cũng như vun đắp tinh thần kinh doanh của dân tộc. Quan hệ giữa báo chí và DN luôn là mối quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, là bệ đỡ đưa thương hiệu của DN đến với người tiêu dùng. Báo chí góp phần hỗ trợ DN làm ăn chân chính và phát triển, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, thúc đẩy văn hóa kinh doanh. DN vừa là nguồn thông tin, vừa là đối tác, là khách hàng quan trọng của báo chí.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202406/bao-chi-dong-nai-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-5125e90/