Báo chí gặp khó vì thiếu quảng cáo

Các đại biểu Quốc hội nhất trí với việc nới diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính và tốt hơn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vấn đề khó khăn nhất với các cơ quan báo chí không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà là thiếu quảng cáo.

Phiên làm việc chiều 25/11 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Phiên làm việc chiều 25/11 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Chiều 25/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Góp ý về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, có 2 loại ý kiến khác nhau, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) tán thành với Ban soạn thảo về loại ý kiến thứ nhất là bổ sung quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đã nêu trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh thêm các loại quảng cáo hàng hóa khác thì đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này.

Liên quan quảng cáo trên báo in, có 2 loại ý kiến. Tuy nhiên, Đại biểu Hòa đề xuất thêm ý kiến thứ 3 và cho rằng, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính. Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường.

Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, cũng có 2 loại ý kiến. Cho rằng đây là vấn đề rất cần thiết, nên quan tâm, Đại biểu Hòa đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng 5-10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Cùng quan tâm về quảng cáo trên báo in, nhưng Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) cho rằng, cần cân nhắc để điều chỉnh tăng gấp đôi diện tích quảng cáo so với quy định tại Điều 21 của Luật hiện hành. Tăng diện tích quảng cáo như vậy là quá cao, không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống, mà có thể gây ảnh hưởng trái chiều, phản ứng trái chiều từ phía độc giả. Vì vậy, Đại biểu đề xuất diện tích quảng cáo không vượt quá 20% tổng diện tích của một sản phẩm báo hoặc 30% tổng diện tích của một ấn phẩm tạp chí từ báo, tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.

Đối với quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử (Điều 23), Đại biểu cho biết, dự thảo Luật Quảng cáo sửa theo hướng từ gia tăng “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây” thành “phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”. Điều này góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, các trang thông tin điện tử và báo điện tử, tuy nhiên, lại ảnh hưởng trực tiếp đến độc giả, đối tượng sử dụng/tiếp cận thông tin. Do đó, theo Đại biểu, việc tăng thời hạn cho phép đóng, mở quảng cáo cần được thực hiện sau khi đã đánh giá và khảo sát ý kiến của đối tượng tiếp nhận quảng cáo/ độc giả sử dụng các trang thông tin điện tử và báo điện tử này...

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Tranh luận về diện tích quảng cáo trên báo in, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho biết, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều nêu quan điểm, việc nới diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính và tốt hơn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà khó nhất là thiếu quảng cáo.

Các doanh nghiệp, các nhà quảng cáo có nhiều phương thức quảng cáo khác nữa hiệu quả hơn báo in. Thị trường có thể biến động, do vậy, cùng ý kiến với Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa ủng hộ phương thức nên giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo này.

Bên cạnh đó, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ lo lắng nếu giao tự chủ, tự quyết diện tích quảng cáo thì có thể dẫn đến một số cơ quan báo chí có lượng bạn đọc ổn định, lượng phát hành ổn định hoặc báo do ngân sách nhà nước bảo đảm mà lại tăng diện tích quảng cáo lên thì rất phản cảm. Báo, tạp chí là do thị trường quyết định, do bạn đọc quyết định.

Bởi thế, ngoài quy định đầy đủ, hoàn thiện về nội dung này, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, nên để cơ quan báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in, trừ cơ quan báo chí đặc thù, cơ quan báo chí sử dụng ngân sách nhà nước, các cơ quan báo chí đặt hàng, các báo được bao tiêu sản phẩm… Có nhiều cách để điều tiết vấn đề này, nhưng nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tức là các cơ quan báo chí đặc thù, báo do ngân sách nhà nước bảo đảm thì Chính phủ quy định chi tiết. Còn lại nên quy định mở, “vì quản thì không xuể”, quy định như trên sẽ cởi mở và hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay khi người đọc hiện nay rất tinh tường, sẽ lựa chọn những sản phẩm đứng đắn, đàng hoàng và có trách nhiệm với công chúng, với xã hội.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội vào cuối phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, đối với quảng cáo trên báo chí, Bộ sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí lớn để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ cố gắng bảo đảm lợi ích của các cơ quan báo chí, đồng thời không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người sử dụng. Đây là bài toán sẽ được cân nhắc và những gợi ý của các đại biểu Quốc hội về việc giao cho cơ quan báo chí tự quyết cũng là một nội dung cần xem xét trong nền kinh tế thị trường, nhất là sắp tới đây sẽ thực hiện sắp xếp các cơ quan báo chí theo chủ trương cải cách tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước.

Vương Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-chi-gap-kho-vi-thieu-quang-cao-post532904.html