Báo chí giải pháp: Giải bài toán 'tài chính' cho Báo Đảng?

Trong những năm gần đây, báo chí giải pháp được nhắc đến nhiều. Với thế giới, báo chí giải pháp hay báo chí hiến kế đang trở thành xu hướng mới, nhất là khi làn sóng độc giả của các tờ báo lớn đã quá sợ tác hại về những thông tin tiêu cực chỉ đơn thuần phản ánh, phê phán; họ yêu cầu cần tin tức khơi dậy cảm hứng, làm động lực để có thể trực tiếp tham gia vào các vấn đề cộng đồng thông qua các giải pháp…

Cùng nhiều yếu tố liên quan, báo chí giải pháp sẽ góp phần giải bài toán “tài chính” cho Báo Đảng.

Xu thế

Hiện nay nhiều hãng tin, tờ báo lớn đã đi đầu, mở ra các chuyên mục, chương trình với các thông tin tích cực và chú trọng đến yếu tố giải pháp cho các vấn đề xã hội. Từ đó, nguyên tắc kinh điển của báo chí với những câu hỏi: “Cái gì - Ai - Khi nào - Ở đâu - Tại sao và Thế nào?” được bổ sung dữ kiện thông tin theo nguyên tắc kể lại toàn bộ câu chuyện. Cụ thể: Bài viết đề ra giải pháp gì cho vấn đề đó? Và thay vì hỏi ai đã làm việc đó thì hãy hỏi họ là làm như thế nào? Cùng với việc đem đến sự hiểu biết và nêu ra những hạn chế của vấn đề; đưa ra các bằng chứng, căn cứ về tác động của các giải pháp đối với vấn đề sẽ là những điểm mấu chốt để xử lý một tác phẩm báo chí mang tính giải pháp. Sự quy củ, hấp dẫn đó đã khơi gợi, lan tỏa hơn vào báo chí trong nước một vấn đề tử tế, có trách nhiệm với xã hội vốn dĩ đã thuộc bản chất của báo chí cách mạng theo tinh thần của Lê Nin, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là nguyên tắc báo chí phải là người tuyên truyền, cổ động và tổ chức các phong trào cách mạng. Đó là báo chí đã và đang đồng hành với Đảng, Nhà nước, với các địa phương và nhân dân trong việc giải quyết các vấn đề thiết thực, cần kíp của xã hội, của đất nước. Hay nói cụ thể hơn, theo tinh thần của Báo Đảng là phê bình để sửa chữa, báo chí viết về cái sai, cái tiêu cực có phân tích vấn đề, có mở ra giải pháp để các tổ chức hoặc cá nhân, làm sai còn có thể sửa sai… Và có thể khẳng định “báo chí giải pháp” là một xu hướng tích cực, phù hợp với sự vận động của báo chí trong giai đoạn hiện nay và cũng hoàn toàn phù hợp theo tư tưởng cốt lõi của báo chí cách mạng. Chỉ khác, giai đoạn này đã hội tụ nhiều yếu tố chín mùi xuất phát từ nhu cầu của người tiếp nhận thông tin và báo chí giải pháp được nêu ra đa dạng hơn và phác họa rõ ràng hơn.

Giải bài toán “tài chính”?

Đối với Báo Đảng, yêu cầu đặt ra hiện nay là vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị và truyền thông chính sách vừa phải có nguồn thu. Đây có thể là vấn đề khá nan giải đối với các cơ quan báo chí chính thống, đặc biệt là Báo Đảng bởi tính chất “khô khan” cũng như sự ràng buộc nhiều yếu tố khác nhau mang tính nguyên tắc mà cơ quan ngôn luận trực thuộc Đảng bộ phải thực hiện. Do vậy việc đổi mới, sáng tạo để giải quyết từng bước những khó khăn đã và đang được một số cơ quan báo chí áp dụng. Một số tờ báo trong nước hiện đã có những cuộc thi mà với những tên gọi như “TPHCM nâng tầm quốc tế”, “Lắng nghe người dân hiến kế”… đã cho thấy báo chí đang làm nhiệm vụ gợi ý, tập hợp các đề xuất, kiến nghị, các góc nhìn của các tầng lớp nhân dân giúp chính quyền thêm thông tin, gợi mở chính sách cũng như có quyết sách giải quyết vấn đề đặt ra.

Và cũng như các Báo Đảng địa phương, Báo Bình Thuận thì mọi hoạt động của các số báo đều tập trung xoay quanh trục truyền thông chính sách. Chính sách của Trung ương được cụ thể hóa tại tỉnh như thế nào, thuận lợi, vướng mắc khi đi vào thực tế ra sao; những nảy sinh từ cơ sở thế nào. Câu hỏi đặt ra là tại sao ở cơ quan, đơn vị này làm tốt nhưng ở nơi khác lại làm chưa tới… Một câu hỏi thôi cũng là nguồn tư liệu bất tận trên tất cả các lĩnh vực mà báo chí khai thác không thể hết. Hơn nhau ở chỗ người viết chuyển hóa vấn đề, diễn đạt câu chữ sao cho dễ hiểu, hấp dẫn, thay vì copy báo cáo lên mặt báo. Qua đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị có nguồn kinh phí tuyên truyền theo quy định trong từng chương trình, nội dung sẽ phối hợp với báo để thực hiện hàng năm. Với cách làm này, hiện nay Báo Bình Thuận đã phối hợp thực hiện nhiều gói tuyên truyền trên các lĩnh vực. Nổi lên như những chính sách về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững, giảm nghèo thông tin, suy dinh dưỡng trẻ em, bảo hiểm xã hội, an ninh trật tự giao thông, khuyến công… Những bài truyền thông chính sách này, Báo Bình Thuận đều đăng trên báo giấy rồi chuyển lên báo điện tử hoặc ngược lại, tùy yêu cầu của bên cần tuyên truyền và cả vấn đề cần nhanh, kịp với các báo thường trú khác và mạng xã hội. Đáng chú ý, trong phát huy vai trò truyền thông chính sách, Báo Bình Thuận thực hiện tốt nhiệm vụ định hướng, dẫn dắt công chúng hiểu đúng nghĩa trong nhiều vụ việc nóng xảy ra tại tỉnh mà lúc ấy, thông tin mâu thuẫn nhau, mập mờ, chưa đầy đủ tràn trên mạng xã hội, khiến người tiếp nhận thông tin hiểu sai bản chất vấn đề, dư luận hoang mang… Khi sự thật được lan rộng, những thông tin sai, đơm đặt trên mạng sau đó tự “biến mất”. Những vụ việc chứng minh rõ cho điều này như xung quanh việc xây dựng hồ Ka Pét, hồ La Ngà 3, đền bù giải tỏa các dự án du lịch… Qua những vụ việc như thế, Báo Bình Thuận nâng thêm vị thế cũng như tầm quan trọng của báo địa phương, là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Thuận, Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận. Cũng từ đó, việc tăng nguồn thu cho báo được thuận lợi hơn, mở thêm được nhiều gói tuyên truyền không chỉ trong lĩnh vực nhà nước mà còn ở lĩnh vực doanh nghiệp. Tất nhiên, những đơn vị, cơ quan này đều chọn người viết chính cho gói tuyên truyền của họ bảo đảm nhu cầu họ mong muốn. Nhưng bên cạnh mặt được trên, không phải lúc nào Báo Bình Thuận cũng có những bài viết đáp ứng yêu cầu của báo chí giải pháp nên kết quả bài viết mang lại tác dụng ngược. Đó là sự bắt bẻ phản ứng của mạng xã hội về sự vô lý, sự “ăn theo nói leo”… Sau khi xử lý truyền thông những tình huống trên, Báo Bình Thuận đều rút kinh nghiệm, nhờ vậy, càng ngày những bài viết phân tích vấn đề chặt chẽ, chỉ ra nguyên nhân, đề ra giải pháp đối với vấn đề nóng, nhiều tranh cãi, tạo sự đồng tình lớn trên mạng xã hội cũng ngày càng nhiều lên. Đây cũng là kết quả vận dụng từ đặc điểm của báo chí giải pháp mà giới ủng hộ báo chí giải pháp nhấn mạnh rằng đặc điểm trên thường thể hiện ở những yếu tố chính. Đó là cơ quan báo chí, người làm báo đồng hành với chính quyền, doanh nghiệp, người dân… trong việc tìm kiếm các giải pháp khả dĩ nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra của xã hội; khi phản ánh hay phê phán, báo chí luôn đặt ra trách nhiệm của mình tham gia vào giải quyết hoặc đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề đó; vận động, kêu gọi công chúng báo chí nói riêng và toàn xã hội nói chung tham gia vào việc đề xuất các giải pháp đối với những vấn đề cụ thể; báo chí trực tiếp thực hiện các giải pháp đối với một số vấn đề phù hợp với năng lực, điều kiện của mình…

NovaWorld Phan Thiết. Ảnh: Đ.Hòa

NovaWorld Phan Thiết. Ảnh: Đ.Hòa

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Đ.Hòa

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Đ.Hòa

Điện gió Hòa Thắng. Ảnh: N.Lân

Điện gió Hòa Thắng. Ảnh: N.Lân

Những yếu tố mang tính quyết định

Tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 25 tổ chức cuối tháng 8/2024, HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua Nghị quyết ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó có định mức kinh tế kỹ thuật về tin, bài, clip… trên Báo Bình Thuận. Từ Nghị quyết này, UBND tỉnh sẽ ban hành đơn giá dịch vụ cụ thể làm cơ sở cho báo trong việc thực hiện các đơn đặt hàng, giao nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ban ngành, địa phương và các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức. Từ đây sẽ giúp báo đa dạng nguồn thu và tăng nguồn thu để bảo đảm lộ trình tự chủ tài chính theo Nghị định 60/CP. Đây là giải pháp quyết định, mở ra 1 trang mới cho Báo Bình Thuận. Nhưng để điều này thành hiện thực, thì cần phải triển khai các giải pháp phối hợp kèm theo, vì trên thực tế, còn nhiều chương trình, nội dung khác có khoản tiền cho truyền thông, tuyên truyền nhưng báo chưa khai thác được. Do vậy việc đầu tiên phải xây dựng kế hoạch ổn định nguồn thu về báo khớp với lộ trình tự chủ theo Nghị định 60. Trong kế hoạch này sẽ phân tích thị trường chính, phụ, vãng lai để xác định nguồn khai thác thu về từng năm phù hợp mang tính nuôi dưỡng nguồn thu và gắn kết mối quan hệ cũng như cho đối tác thấy hiệu quả mang lại khi truyền thông trên Báo Bình Thuận. Song song đó, đặt chỉ tiêu thực hiện linh hoạt nhưng bảo đảm tính công bằng giữa các bộ phận. Thứ hai, vấn đề cốt lõi vẫn là con người, chúng ta phải xây dựng cho được một đội ngũ làm nghiệp vụ tốt để làm kinh tế báo chí. Vì thực tế, tại Bình Thuận, ngoài một số hợp đồng theo ngành, lĩnh vực do phóng viên phụ trách đảm nhiệm, còn lại rất nhiều hợp đồng do phóng viên viết tốt và có mối quan hệ tốt khai thác. Tức phóng viên đã có thương hiệu, thường là đã thực hiện những bài viết phản biện gây tiếng vang mà chỉ cần nghe tên là các đơn vị, doanh nghiệp dù không muốn viết nhưng qua vận động, thuyết phục, họ đồng ý thực hiện tuyên truyền trên báo. Vì thế, việc xây dựng nhân sự cho báo chí giải pháp là điều khó, cần có thời gian, do phóng viên viết được bài viết có giải pháp phải nắm vững nghiệp vụ, tinh nhạy với sự biến chuyển của xã hội, nắm thông tin rộng, đa dạng thì mới có thể bao quát hiện trạng vấn đề và đề ra giải pháp. Thông qua đó, theo thời gian và thực hiện theo luật đấu thầu sẽ nâng dần số tiền của các hợp đồng đã ký. Vì thực tế, kinh phí cho truyền thông tại các chương trình, nội dung của các chính sách còn nhiều. Vấn đề đặt ra là bằng nhiều giải pháp, Báo Bình Thuận phải khai thác được nhiều nhất có thể trong khoản kinh phí chung ấy. Và chính Ban Biên tập đóng vai trò chính trong tìm kiếm nguồn thu về cơ quan. Cuối cùng chính là sự đồng hành của Ban Biên tập với những phóng viên, lãnh đạo phòng nghiệp vụ viết tốt những bài báo có chất lượng là sự quan tâm, động viên, gợi mở giải pháp… Để từ đó tìm ra được giải pháp tốt nhất, đúng nghĩa của hiến kế, có ý nghĩa thiết thực chứ không phải giải pháp chung chung, giải pháp “trên trời”…

Trong quá trình triển khai thực hiện các bài báo của báo chí giải pháp, Ban Biên tập phải luôn đồng hành cùng phóng viên, tránh để phóng viên bơ vơ trong hành trình này. Cùng với sự đồng hành khích lệ tinh thần, phải có chế độ đãi ngộ tương xứng, chế độ thưởng, phạt nghiêm minh, mới có thể khích lệ được sự tận tâm, cống hiến của nhân sự thuộc quyền.

BBT

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bao-chi-giai-phap-giai-bai-toan-tai-chinh-cho-bao-dang-124160.html