Báo chí giải pháp - 'ngọn hải đăng' chỉ dẫn độc giả
Báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo khác báo chí truyền thống như thế nào? Các cơ quan báo chí cần phải làm gì để nâng cao vai trò, phát huy thế mạnh, góp phần xây dựng nền Báo chí Cách mạng Việt Nam ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn? Đây là những vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn Tổng Biên tập 2024: 'Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí truyền thống?' (Diễn đàn), diễn ra cuối tuần qua.
Diễn đàn là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí chia sẻ, thảo luận về báo chí giải pháp - xu hướng báo chí đang được các tòa soạn trên thế giới cũng như tại Việt Nam hết sức quan tâm. Diễn đàn gồm 2 phiên thảo luận: Phiên thứ nhất “Báo chí giải pháp - Xu hướng và tiềm năng”; Phiên thứ hai: “Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả?”
Độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng
Trong bài thuyết trình tổng quan về báo chí xây dựng, báo chí giải pháp, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, thông tin tiêu cực dường như trở thành ADN của báo chí; theo đó những bài viết về thảm kịch đối với con người, thiên tai và xung đột toàn cầu đóng vai trò chủ đạo để kích thích mọi người đọc tin mỗi ngày…
Khi mà niềm tin với truyền thông bị xói mòn và tình trạng né tránh tin tức cao chưa từng thấy, các cơ quan báo chí phải tìm hiểu lý do người dùng ồ ạt xa rời tin tức và tìm ra cách thu hút, tương tác và giữ chân độc giả. Tin tức tiêu cực thường bị coi là một trong những nguyên nhân chính, vì vậy báo chí phải xác định cách thức hoàn thành nhiệm vụ - đưa tin - mà không làm độc giả xa lánh.
“Một hướng đi đang hiện rõ cho ngành báo là báo chí xây dựng/báo chí giải pháp. Theo đó, các cơ quan báo chí trong khi đưa tin thì cũng đề xuất các giải pháp hoặc luận giải kỹ lưỡng để độc giả cảm thấy được trao quyền và mang lại hy vọng”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, báo chí đang đứng trước rất nhiều thay đổi. Thực tế cho thấy, công chúng trẻ, thế hệ Gen Z giờ đây không đọc báo in, không xem truyền hình, không nghe phát thanh nhưng họ vẫn biết hết tất cả thông tin.
Trước đây, có hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn câu chuyện, chúng ta chọn lọc đưa câu chuyện nào thì công chúng biết đến nội dung đó, nhưng bây giờ họ còn biết nhiều hơn những gì báo chí đưa tin.
Tuy nhiên, khi công chúng bị choáng ngợp trước “cơn bão” thông tin, giữa những tin tức thật giả lẫn lộn, không đủ sức để xử lý, thì người dùng mong muốn được các cơ quan báo chí chính thống chọn lọc, định hướng. Lúc này, các quan báo chí như “ngọn hải đăng” để chỉ dẫn cho người dùng trong các vấn đề về công việc cũng như cuộc sống.
“Làm thế nào để giữ vị trí ngọn hải đăng như thế, các cơ quan báo chí phải vượt qua rất nhiều trở ngại ở hiện tại và tương lai” - ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh - “Thứ làm báo chí khác biệt là những thứ sâu sắc. Còn nếu tiếp tục chạy đua về nhanh, về nhiều thì không thể thắng. Vì thế, tôi muốn các cơ quan báo chí, không phải tất cả phải dành nguồn lực cho báo chí chuyên sâu. Tuy nhiên, hãy tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp, tạo thế cân bằng, đa chiều trong tin tức để thấy được sự khác biệt của báo chí”.
“Lối thoát” để báo chí chính xác và hoàn thiện hơn
Thống nhất cho rằng báo chí giải pháp đem lại rất nhiều hiệu quả tích cực cho sự phát triển của xã hội, nhưng các đại biểu cũng phản ánh không ít khó khăn, thách thức đối với việc thực hiện báo chí giải pháp và báo chí kiến tạo tại Việt Nam. Do vậy, các đại biểu kiến nghị, bên cạnh việc chú trọng công tác đào tạo, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cả lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí và người làm báo.
Người làm báo chí giải pháp cần phải có một tư duy đổi mới, tích cực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuân thủ nghiêm túc quy trình tác nghiệp; thành thạo trong việc tiếp cận, sử dụng công nghệ để tạo ra các nội dung đa phương tiện, truyền tải thông tin một cách hấp dẫn để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí giải pháp thực sự có giá trị. Báo chí giải pháp đòi hỏi các phóng viên, nhà báo có tinh thần đồng hành vì sự phát triển của xã hội; có kiến thức, khả năng phân tích và đánh giá các vấn đề.
Đặc biệt, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường cơ chế hỗ trợ, cơ chế đặt hàng các cơ quan báo chí trong lĩnh vực truyền thông chính sách, xây dựng chính sách để không chỉ tuyên truyền, định hướng mà còn hướng đến các giải pháp giải quyết những vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đang đặt ra… Như vậy, báo chí giải pháp chính là “lối thoát” để báo chí trở nên chính xác và hoàn thiện hơn. Và đó cũng chính là sự khẳng định lại những giá trị đích thực, bền vững của báo chí truyền thống.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nêu rõ, để phát triển báo chí, đặc biệt là báo chí giải pháp, vấn đề cần quan tâm nhất là đào tạo nguồn nhân lực.
“Chúng ta cần tìm giải pháp cho chính mình trước khi tìm giải pháp cho người khác”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các cơ quan báo chí cần nhìn thấy những vấn đề của mình để phát huy thế mạnh, khắc phục những tồn tại. Bởi nền báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng, nếu có một vấn đề gì đó cần hiệu triệu, định hướng xã hội, cần tập hợp lực lượng để làm những việc tốt cho đất nước thì lúc đó hệ thống chính quyền, người dân luôn tìm đến báo chí và tìm thấy mình trong báo chí.
Phát biểu chỉ đạo, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí kiến tạo là những nội dung được công chúng và các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm. Thời gian tới, từ sự định hướng của các cơ quan chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí cần nâng cao vai trò, phát huy thế mạnh và phát triển báo chí giải pháp, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn.