Báo chí góp phần củng cố niềm tin vào công lý

Hoạt động xét xử của Tòa án liên quan chặt chẽ đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nên thường xuyên thu hút sự quan tâm của nhân dân, của dư luận xã hội và báo chí. Mối quan hệ đặc thù, sự hợp tác tích cực, mối tương tác thường xuyên giữa Báo chí và Tòa án đã mang lại cho bạn đọc những tác phẩm báo chí về hoạt động xét xử của Tòa án ngày càng sinh động, hấp dẫn và khách quan…

Phản ánh chính xác, đầy đủ và kịp thời

Những năm qua, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, hệ thống Tòa án nhân dân đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện việc đổi mới sâu rộng về tổ chức, bộ máy, cán bộ và phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác; góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

Thực hiện Kế hoạch số 38-KH/CCTP ngày 15/8/2014 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài hệ thống Tòa án; tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng thông tin, phục vụ tốt mọi mặt hoạt động của Tòa án. Qua đó, công tác thông tin, tuyên truyền của Tòa án nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả rõ nét.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thông qua công tác tuyên truyền của Tòa án, các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân thấy rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và những đóng góp quan trọng của Tòa án nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; những cải tiến, đổi mới của Tòa án nhân dân trong thực hiện chiến lược cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Tạo điều kiện cho các cá nhân tiếp cận tốt hơn với các hoạt động của Tòa án nhân dân, Tòa án Quân sự các cấp, hiểu hơn về công cuộc xây dựng và phát triển của Tòa án, tạo điều kiện để người dân giám sát hoạt động của Tòa án, nhất là hoạt động xét xử.

Từ đó nâng cao chất lượng xét xử nói chung, chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa nói riêng, lấy kết quả tranh tụng là căn cứ chủ yếu để đưa ra bản án, quyết định, đảm bảo các quyết định của Thẩm phán, Hội đồng xét xử đúng quy định pháp luật, tránh được việc kết án oan người không có tội, bỏ lọt tội phạm. Đồng thời góp phần lan tỏa tích cực hoạt động xét xử trực tuyến, thúc đẩy việc chuyển đổi số trong hệ thống Tòa án, xây dựng Tòa án điện tử. Điều đó cho thấy, vai trò và sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài hệ thống Tòa án.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, tranh chấp dân sự, thương mại có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức người lao động Tòa án các cấp trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, còn có hỗ trợ tích cực của các cơ quan báo chí. Thông qua truyền thông, công chúng sẽ biết được về các hoạt động của hệ thống Tòa án, hiểu biết về quá trình đi đến các quyết định pháp lý, tạo niềm tin vào công lý.

Đề tài hấp dẫn của báo chí

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Xét xử tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”. Từ đó cho thấy quan điểm chủ đạo của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm là giáo dục, phòng ngừa tội phạm là chính. Chỉ khi công tác phòng ngừa tốt thì công tác chống tội phạm cũng đạt hiệu quả. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật thường xuyên đến đông đảo quần chúng nhân dân là một trong những phương pháp phòng ngừa tội phạm hiệu quả.

Từ các vụ án, bản án, quyết định của Tòa án, những năm qua nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài hệ thống Tòa án nhân dân đã chủ động xây dựng các tuyến bài, tuyến chuyên đề, với nhiều thể loại báo chí khác nhau mang lại hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ, thu hút người dân quan tâm. Diễn biến quá trình giải quyết, xét xử một vụ án được tái hiện sinh động bằng các ngôn ngữ báo chí, các thủ pháp nghệ thuật truyền hình, có ý nghĩa thiết thực và dễ dàng đi vào đời sống nhân dân. Qua đó, người dân có thể hiểu rõ hơn các quy định pháp luật; hiểu được nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta, người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: “Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa; cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, các cơ quan báo chí, các nhà báo viết về mảng tư pháp luôn coi đó vừa là niềm vinh dự lớn, vừa đặt ra những yêu cầu và trách nhiệm nặng nề đối với các tác phẩm của mình. Mỗi tác phẩm báo chí, đặc biệt là những nội dung liên quan đến hoạt động xét xử, các bản án nghiêm minh của Tòa án, độc giả luôn tìm thấy những giá trị nhân văn, nhân bản, tình yêu thương, sự sẻ chia, gương người tốt, việc tốt để học tập, làm theo. Nhận diện được cái ác, thói hư, tật xấu để né tránh. Xã hội sẽ tốt đẹp lên, nếu hoạt động truyền thông, báo chí đi đúng mục đích, tôn chỉ và bản chất chân chính vốn có của báo chí cách mạng.

Thông qua hoạt động của Tòa án, Báo chí đã mang lại những tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

Thông qua hoạt động của Tòa án, Báo chí đã mang lại những tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của báo chí, những năm qua Tòa án nhân dân các cấp luôn coi trọng và quan tâm tạo điều kiện để các cơ quan báo chí hoạt động, tác nghiệp, góp phần tích cực cho công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, cảnh báo cho những hành vi vi phạm pháp luật, định hướng xã hội “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Trong quá trình giải quyết vụ án, các Tòa án luôn tăng cường phối hợp cung cấp thông tin, bố trí vị trí tác nghiệp thuận lợi cho nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí. Đặc biệt là các phiên tòa lưu động, phiên tòa giả định để tuyên truyền pháp luật; các phiên họp của Hội đồng giảm án, miễn chấp hành hình phạt tù, Tòa án chủ động gửi giấy mời, bố trí phương tiện để cơ quan báo chí cùng đến tận nơi theo dõi đưa tin, bài.

Có thể nói, sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án và các cơ quan báo chí trong thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, phản ánh trung thực, khách quan về hoạt động của Tòa án; kịp thời thông tin về những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, những bất cập để có hướng xử lý phù hợp, tránh những hiểu lầm không đáng có, giúp Tòa án thực hiện đúng và tốt chức năng, nhiệm vụ của mình được quy định trong Hiến pháp và pháp luật; giúp cho người dân hiểu thêm về hoạt động tố tụng của Tòa án, quy trình giải quyết các tranh chấp trong xã hội.

Kết quả của công tác thông tin, tuyên truyền cũng góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/bao-chi-gop-phan-cung-co-niem-tin-vao-cong-ly-437158.html