Báo chí kinh tế: Minh bạch thông tin để không lãng phí nguồn lực đầu tư
Một trong những yêu cầu đặt ra đối với nhà báo kinh tế trong quá trình tác nghiệp là phải truyền tải đúng thông tin và thông điệp để công luận hiểu được thực trạng vấn đề, tránh lãng phí nguồn lực vì đầu tư theo phong trào…
Chung tay chống lãng phí nguồn lực
Khoảng tháng 8/2019, dù chính sách giá FIT1 (giá điện được thực hiện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mức giá 9,35 UScent/kWh) đã hết hạn, nhưng làn sóng đầu tư điện mặt trời tại Việt Nam vẫn không ngừng dâng cao. Việc bùng nổ đầu tư này cũng được các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn người đứng đầu Bộ Công thương, liên quan đến phá vỡ Quy hoạch Điện VII, hiệu quả kinh tế khi khai thác nguồn năng lượng này...
Khi ấy, đồng nghiệp trong Tòa soạn và một số bạn bè, người thân cũng hỏi tôi nên đầu tư vào điện mặt trời thế nào, bởi “nghe nói” rằng, “đầu tư điện mặt trời lãi rất đậm”. Trên hàng trăm group (nhóm) riêng tư và công khai về năng lượng tái tạo, những thông tin như vừa “xin” được dự án, đang ký hợp đồng… liên tục được chia sẻ. Kèm theo đó là những phép tính về lợi nhuận, như mỗi tháng thu về vài chục đến vài trăm triệu đồng, trong khi chỉ cần đầu tư theo kiểu “mỡ nó rán nó”, “tay không bắt giặc”. Điều này khiến “cơn sốt” đầu tư điện mặt trời càng tăng nhiệt.
Cần phải nói thêm rằng, ở thời điểm đó, cơ chế giá FIT1 mua điện mặt trời đã kết thúc (vào ngày 30/6/2019) và cơ quan chức năng đang lúng túng trong việc đưa ra quyết định cho giai đoạn tiếp theo.
Sự lúng túng này bắt nguồn từ việc đã có hơn 300 dự án điện mặt trời được đăng ký từ khi Quyết định 11/2017/QĐ-TTg được ban hành (tháng 4/2017) tới cuối năm 2018, vì các nhà đầu tư nghĩ rằng, mức giá này quá “hời”.
Lúc đó, thông tin về việc Campuchia chọn cách đấu thầu phát triển dự án điện mặt trời đã được những người quan tâm đến hệ thống điện Việt Nam chia sẻ cùng phóng viên Báo Đầu tư, với mong muốn góp tiếng nói cảnh báo cho cơ quan quản lý nhà nước để tránh “lỏng tay” trong phát triển nguồn điện mà có thể phải trả giá đắt sau này.
Rất nhanh chóng, thông tin về cuộc đấu thầu chọn nhà đầu tư phát triển Dự án Công viên điện mặt trời quốc gia tại Campuchia (do ADB hỗ trợ giao dịch và tài chính) với điểm nhấn là, từ 26 nhà thầu tham gia đã chọn ra nhà thầu Thái Lan có mức giá 3,877 UScents/kWh được đăng tải trên Báo Đầu tư.
Kỳ vọng của Báo Đầu tư khi đăng tải thông tin đấu thầu điện mặt trời tại Campuchia khi đó là góp phần hạ nhiệt “cơn sốt” đầu tư vào điện mặt trời, trong đó có những nhà đầu tư không có kiến thức về lĩnh vực này. Chiếc bánh ngon nếu chỉ dành cho 1 người, thì rất tuyệt. Nhưng nếu có hàng chục người cùng ăn, thì sẽ phải chia ra, mỗi người chỉ còn 1 miếng nhỏ. Còn nếu có tới hàng trăm, hàng ngàn người cùng lao vào giành lấy, thì sẽ cạnh tranh “sứt đầu, mẻ trán”.
Điều đáng mừng là, ngành điện đã cầu thị, lắng nghe đóng góp của các nhà báo, nên nhiều thông tin vận hành hệ thống đã được công khai, đáp ứng nhu cầu của những người quan tâm.
Việc “chạy đua” đầu tư điện mặt trời sẽ dẫn đến tình trạng điện sản xuất ra nhiều mà không thể tiêu thụ hết, gây áp lực lên chính nhà đầu tư, bởi dòng tiền thu về không như mong muốn. Đây là sự lãng phí nguồn lực rất lớn, trong khi nhiều lĩnh vực đang cần vốn. Người thua thiệt trong câu chuyện này không chỉ có nhà đầu tư, mà còn là cả nền kinh tế và xã hội.
Link (đường dẫn) của bài báo trên nhanh chóng được “chuyền tay” trong giới năng lượng tái tạo và đặt trên bàn những người có trách nhiệm, góp một phần nhỏ trong quá trình xây dựng chính sách để không phát triển điện mặt trời tràn lan sau đó.
Tuy nhiên, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg được ban hành vào tháng 4/2020 bên cạnh việc đưa ra những mức giá thấp hơn cho điện mặt trời, lại không kín kẽ trong việc cụ thể hóa cách thức đối với 2.000 MW điện mặt trời mà tỉnh Ninh Thuận được hưởng, dù báo chí đã cảnh báo.
Nỗ lực để minh bạch
Sự bùng nổ trong đầu tư năng lượng tái tạo dù được ghi nhận là tạo ra những kỷ lục mới cho Việt Nam, nhưng đồng thời cũng khiến hệ thống phải đối mặt với những bất ổn, thách thức về cân bằng trong quá trình vận hành để đảm bảo mục tiêu cấp điện liên tục.
Ngành điện là một ngành kỹ thuật rất hẹp, nên không dễ để tìm kiếm thông tin cũng như tìm kiếm các chuyên gia có hiểu biết tổng hợp và khách quan để nhận xét, đánh giá về thực trạng vận hành hệ thống, đi cùng bài toán tài chính chi phí tối ưu.
Điều đáng mừng là, ngành điện đã cầu thị, lắng nghe đóng góp của các nhà báo, nên nhiều thông tin vận hành hệ thống đã được công khai, đáp ứng nhu cầu của những người quan tâm.
Còn nhớ, khi lần đầu tiên, các tính toán về huy động nguồn điện cho ngày hôm sau được công bố công khai trên website của ngành điện, nhà đầu tư và những người quan tâm tới năng lượng tái tạo đã không khỏi bất ngờ về con số thực tế có thể huy động được từ các nguồn này thấp xa so với những con số đầy hứng khởi được thống kê.
Nhìn vào bảng kê này, các nhà đầu tư cũng tự giải đáp được những câu hỏi, như tại sao nhà máy không được phát điện như thiết kế, vì sao không được bán điện…
Ở một góc độ khác, đã có người không ngại ngần nói với tôi rằng, không phải cứ làm trong ngành điện thì có thể hiểu biết một cách rõ ràng và tường tận về ngành điện, nhất là hiểu biết một cách tổng thể các vấn đề, từ kỹ thuật đến kinh tế của ngành. Chưa kể, bản thân người trong ngành có thể hiểu rõ, nhưng không dễ (hoặc không dám) nêu vấn đề để các cơ quan chức năng hiểu rõ thực trạng và thách thức, từ đó chung tay tháo gỡ.
Bởi vậy, hiểu rõ ngành và lĩnh vực theo dõi để không đưa ra những nhận xét định kiến và phiến diện là thách thức rất lớn với các nhà báo theo dõi mảng năng lượng nói chung và điện nói riêng. Tự nghiên cứu, tìm hiểu, suy nghĩ, đặt cùng một câu hỏi với nhiều người để nghe những câu trả lời từ các góc nhìn khác nhau cũng giúp ích cho các nhà báo khi muốn góp phần đưa ra giải pháp.