Báo chí kỷ nguyên AI: Giữ giá trị cốt lõi, khai thác sức mạnh mới
Tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề 'Báo chí-truyền thông trong bối cảnh AI phát triển' do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức sáng 23/5, nhiều ý kiến đã được đưa ra để cùng khắc họa một bức tranh về 'báo chí AI' trong kỷ nguyên số.

Ông Ngô Thanh Hiển, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: HẢI YẾN)
Nền tảng quảng bá hình ảnh Việt Nam vietnam.vn - một dự án sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ web tự động nhằm lan tỏa hình ảnh đất nước ra thế giới được ông Ngô Thanh Hiển, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở và Thông tin đối ngoại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ tại sự kiện như một thí dụ điển hình cho cách thức con người đang tận dụng AI phục vụ công việc.
“Vietnam.vn không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí biên tập mà còn tích hợp công cụ dịch tự động, trợ lý ảo và các công nghệ AI để giúp các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin chính thống, kịp thời và hiệu quả”, ông Hiển khẳng định.
Ngoài ra, hệ thống thông tin nguồn do Bộ phát triển còn sử dụng AI để hỗ trợ chuyển văn bản thành giọng nói vùng miền, giúp hiện đại hóa việc truyền tải thông tin cơ sở.
Những mô hình được ông Ngô Thanh Hiển chia sẻ là minh chứng tiêu biểu cho việc ứng dụng AI đang được triển khai thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách. Đây cũng là trọng tâm của hội thảo quốc tế lần thứ 10 trong khuôn khổ hợp tác giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Chia sẻ tại hội thảo, PGS,TS Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh: "AI đang làm thay đổi sâu sắc cách thức con người tiếp cận, sản xuất và phân phối thông tin", đồng thời cảnh báo những thách thức hiện hữu như tin giả, thao túng nhận thức và khoảng trống đạo đức nghề nghiệp. PGS, TS Lê Hải Bình nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và định hướng dư luận xã hội, và cho rằng công tác quản lý báo chí trong bối cảnh AI cần có cách tiếp cận tổng thể, liên ngành và linh hoạt.

PGS,TS Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HẢI YẾN)
Thứ trưởng Lê Hải Bình cũng đề xuất 3 định hướng chiến lược từ góc độ quản lý nhà nước bao gồm: hoàn thiện khung pháp lý cho AI trong báo chí, hỗ trợ ứng dụng công nghệ tại các cơ quan báo chí và nâng cao năng lực số cho đội ngũ người làm báo. “Những nhà báo trong thời đại số không chỉ cần biết sử dụng AI mà còn phải biết kiểm soát nó”, ông nói thêm.
Từ góc độ học thuật, PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh tầm quan trọng của định hướng đúng đắn: "Việc làm chủ AI phải được định hướng rõ ràng, nhất quán, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Theo ông, đổi mới chương trình đào tạo và đẩy mạnh hợp tác quốc tế chính là những bước đi thiết yếu để báo chí Việt Nam không bị bỏ lại trong cuộc đua công nghệ.

Các chuyên gia của Việt Nam và Hàn Quốc cùng tham gia chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: HẢI YẾN)
Hội thảo “Báo chí-truyền thông trong bối cảnh AI phát triển” bao gồm 2 phiên thảo luận chính với sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín của Việt Nam và Hàn Quốc với các chủ đề như: Kiến tạo môi trường phát triển báo chí-truyền thông trong bối cảnh phát triển của công nghệ AI; Trí tuệ nhân tạo và việc sử dụng nó trong truyền thông cũng như những thay đổi trong tương lai; Truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số; Tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số; AI định hình lại ngành báo chí truyền thông; “Đồng nghiệp A.I” trong sản xuất báo chí, truyền hình; những ứng dụng mới nhất của AI trong lĩnh vực báo chí và truyền thông.
Góc nhìn từ quốc tế được bổ sung qua phần tham luận chuyên sâu của PGS, TS Park Young Eun của Đại học Sookmyung (Hàn Quốc) - người đã đặt vấn đề về quyền sở hữu, đạo đức và pháp lý trong ứng dụng AI tạo sinh. “GenAI tạo ra cơ hội lớn trong tiết kiệm chi phí và cải thiện trải nghiệm khách hàng, nhưng đồng thời cũng đặt ra loạt thách thức: Dữ liệu đầu vào đến từ đâu? Ai chịu trách nhiệm khi thông tin sai lệch bị phát tán?” PGS, TS Park Young Eun đưa ra câu hỏi khi tham gia thảo luận bằng hình thức trực tuyến.

Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân, chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: HẢI YẾN)
Cảnh báo rõ ràng hơn được đưa ra bởi ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân. Ông Nguyễn Hoàng Nhật chỉ ra rằng: “Chúng ta đang đối mặt với một đối thủ mới nguy hiểm hơn cả Google hay Facebook - đó chính là các chatbot AI”. Dẫn chứng từ việc Chat GPT vươn lên vị trí top 5 thế giới về lượt truy cập, ông Nhật cho biết hành vi tìm kiếm thông tin của độc giả đang dịch chuyển mạnh mẽ từ Google sang AI. Điều này đẩy báo chí truyền thống vào thế khó khi lượng truy cập giảm mạnh.
Ông chia sẻ thêm: “Trước đây phóng viên phải mất vài ngày để phân tích một văn bản phức tạp, thí dụ như Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, thì giờ đây chỉ trong một buổi chiều có thể hoàn thành toàn bộ sơ đồ tư duy, bài viết, podcast nhờ AI”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Nhật cũng nhấn mạnh vai trò “chốt chặn cuối cùng” của con người trong biên tập nội dung: “AI có thể hỗ trợ, nhưng nhà báo mới là người chịu trách nhiệm cuối cùng về thông tin”.
Không chỉ phân tích những thách thức, các chuyên gia tại hội thảo còn mở ra hướng đi tích cực: coi AI là một công cụ để nâng cao chất lượng báo chí. Từ việc hỗ trợ biên tập, tổng hợp, tạo nội dung định dạng mới như podcast, video tương tác, đến khả năng phân tích xu hướng và tối ưu hóa dữ liệu lớn, AI đang trở thành trợ lý không thể thiếu.
“Vấn đề không phải là có sử dụng AI hay không, mà là dùng AI như thế nào để giữ vững giá trị cốt lõi và đạo đức nghề báo,” nhiều chuyên gia tham gia thảo luận cùng nhấn mạnh.
Hội thảo quốc tế “Báo chí-truyền thông trong bối cảnh AI phát triển” không chỉ là một hội thảo chuyên môn mà là bước đi chiến lược trong nỗ lực hội nhập chuyển đổi số của ngành báo chí Việt Nam. Khi AI đặt ra câu hỏi, chính con người, với tư duy phản biện, đạo đức nghề nghiệp và khả năng kể chuyện, sẽ là người tìm lời đáp.
Hội thảo quốc tế thứ 10 trong chuỗi hợp tác giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền với KOICA một lần nữa cho thấy nỗ lực nâng cao năng lực đội ngũ làm báo trong kỷ nguyên mới.
Hội thảo được tổ chức tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với sự tham dự của PGS, TS Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam, lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng các chuyên gia, học giả, nhà khoa học trong và ngoài nước.