Báo chí lực lượng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh
Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh... mở ra nhiều cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, trong đó cơ quan báo chí truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Trước những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu trên toàn cầu, xu hướng phát triển kinh tế xanh, là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài.

Chuyển đổi xanh còn tạo cơ hội cho DN giữ vững thị trường xuất khẩu, gia tăng động lực phát triển nhanh hơn và hội nhập tốt hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có “dấu chân carbon” lớn. Đặc biệt, khi nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã và sẽ tiếp tục đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu.
Trong suốt thời gian qua đã có hàng trăm nghìn bài báo khác nhau liên quan đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bền vững đã được xuất bản. Với tần suất dày đặc, nhanh chóng và liên tục, báo chí đã dần tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường, phát tiển bền vững.
Giám đốc Vận hành PRO Việt Nam Chu Kim Thanh, cho biết, đơn vị đã hợp tác với nhiều cơ quan báo chí để nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường. Đồng thời, nhấn mạnh rằng truyền thông có vai trò quyết định trong việc thúc đẩy các DN nhìn nhận chuyển đổi xanh như một cơ hội, không chỉ là nghĩa vụ.
Là DN FDI có mặt tại Việt Nam hơn 30 năm qua, Heineken Việt Nam xác định Phát triển bền vững là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh doanh và sản xuất. Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam chia sẻ, hành trình hiện thực hóa những tham vọng phát triển bền vững của Heineken Việt Nam xuyên suốt ba trụ cột chính - môi trường, xã hội và uống có trách nhiệm. “Công ty đặt mục tiêu hướng đến tác động môi trường bằng không vào năm 2030 với các biện pháp giảm thiểu phát thải ròng, tối đa hóa kinh tế tuần hoàn và bảo tồn nguồn nước”.
"Hoạt động phát triển bền vững không thể tạo ra tác động mạnh mẽ khi thực hiện một mình. Vì vậy, tất cả các DN cần sự chung tay và đồng hành cùng nhau. Các cơ quan báo chí sẽ giúp kết nối, chia sẻ các thông lệ tốt, các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các DN lớn, vừa và nhỏ"- bà Trần Ngọc Ánh chia sẻ.
Ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty CP sữa TH cho biết, để đạt được mục tiêu Net Zero Carbon với nền kinh tế phát thải thấp, phát triển bền vững thì hoạt động của các DN và nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng, trong việc phát triển nhà máy xanh và thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR).
Nhờ các cơ quan truyền thông, chúng ta có thể nhận thấy sự thay đổi nhận thức rõ rệt trong những năm gần đây trong cộng đồng DN cũng như trong cộng đồng dân cư về trách nhiệm mở rộng EPR, sản xuất xanh, về phân loại rác tại nguồn, tiêu dùng xanh...
Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho rằng, các cơ quan truyền thông, báo chí không chỉ là cầu nối mà còn đóng vai trò chủ đạo, tích cực trong việc tuyên truyền, tích cực quảng bá những mô hình tốt trong sản xuất kinh doanh bền vững của nền kinh tế và đồng hành cùng cộng đồng DN để cùng thực hiện phát triển bền vững, góp phần xây dựng một tương lai xanh cho các thế hệ hiện nay và mai sau.
Bên cạnh đó, báo chí cũng là kênh thông tin phát hiện, biểu dương các tổ chức, đơn vị, DN, cơ sở sản xuất và cá nhân có nhiều cống hiến, có thành tích và nỗ lực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hữu ích, góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, qua đó khẳng định và nhân rộng, lan tỏa những mô hình, sáng kiến mới, hiệu quả tới toàn xã hội từ đó thúc đẩy bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng.
Giải quyết những “nút thắt”: Từ chức năng thông tin đến vai trò kết nối
Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Việt Nam đã cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC).
Trên hành trình chuyển đổi xanh, bên cạnh các cơ hội, Việt Nam cũng đối diện nhiều thách thức. Nhiều DN phản ánh vẫn gặp khó bởi, muốn chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn thì vốn đầu tư rất quan trọng. Bên cạnh đó là vấn đề về công nghệ, hạ tầng, năng lượng xanh. Cần giải quyết những “nút thắt” theo cách tiếp cận mới toàn diện hơn, linh hoạt hơn và đồng bộ hơn giữa chính sách – thị trường – hành lang pháp lý và vai trò của báo chí rất quan trọng.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may cần thông qua báo chí để phản ánh nhu cầu của ngành đối với nhà nước. Nhà nước cần có thêm các hỗ trợ thiết thực như đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông giúp ngành dệt may chuẩn hóa và nhân rộng mô hình chuyển đổi xanh, tiếp cận tín dụng cho dự án đầu tư xanh…
Ông Lê Quang Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu Tư và Xây Dựng Việt Long bày tỏ, mong báo chí truyền tải để các ngân hàng và cơ quan chức năng cần tăng cường tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho lĩnh vực tín dụng xanh từ các định chế tài chính quốc tế, quỹ tín thác tín dụng xanh.... để cung cấp vốn tín dụng xanh giá rẻ cho các DN hoạt động hiệu quả hơn. Cũng như đẩy nhanh tiến độ xét duyệt và giảm thiểu các các điều kiện để DN tiếp cận được nguồn vốn này.
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, với lực lượng hùng hậu, báo chí đóng vai trò quyết định trong việc tuyên truyền Phát triển nền kinh tế xanh, bền vững của Việt Nam. Các bài viết “thuận chiều” và kịp thời của báo chí giúp DN được các khách hàng và đối tác biết đến, tin cậy và gắn bó, từ đó góp phần phát triển công cuộc kinh doanh hiệu quả hơn. Đồng thời, các thông tin và phản ánh “trái chiều” của báo chí, nhất là về trách nhiệm xã hội liên quan đến phát triển kinh tế xanh, bền vững về DN, cũng có ảnh hưởng đến uy tín của DN.
Sự cộng sinh của các DN với báo chí còn thể hiện ở chỗ thông qua “cầu trung gian” báo chí, DN có thể phản ánh trung thực và nhanh chóng nguyện vọng của mình lên cấp có thẩm quyền chính sách hoặc tác động đến thị hiếu tiêu dùng xã hội, thậm chí tạo áp lực đến những thay đổi chính sách và xu hướng thị trường lớn cả cấp vi mô và vĩ mô, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN theo yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bền vững…
“Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn báo chí đang làm tốt vai trò định hướng, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của xã hội. Mà còn hỗ trợ giúp DN, doanh nhân nói lên được tiếng nói, tâm tư nguyện vọng, nêu ra các đề xuất quan trọng, để các bộ ngành có cơ sở sớm xem xét và ban hành chính sách phù hợp”- TS Nguyễn Minh Phong đánh giá.
Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn không chỉ là mục tiêu mà còn là con đường tất yếu để Việt Nam phát triển bền vững. Và quá trình này, báo chí cần phát huy vai trò của mình trong việc thúc đẩy những giá trị này, thông qua việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giáo dục và giám sát xã hội.