Thủ tướng: Cụ thể hóa việc cho phép doanh nghiệp chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại
Theo Thủ tướng, cần cụ thể hóa Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Chiều 7-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cần được thể chế hóa gồm 3 nhóm.
Nhóm 1 về các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đã có trong nội dung kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Với nhóm này, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, tập trung vào 10 cơ chế, chính sách cụ thể.
Nhóm 2 về các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, cần được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đã có trong nội dung kỳ họp thứ 9. Với nhóm này, gồm 8 cơ chế, chính sách cụ thể. Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan soạn thảo khẩn trương rà soát, nghiên cứu bổ sung trong các dự thảo luật đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Nhóm 3, các nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng, chưa cấp bách và cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua. Với nhóm này, Bộ Tài chính đề xuất đưa vào dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ để giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thực hiện theo lộ trình cụ thể.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68 để các chính sách sớm đi vào cuộc sống. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết ngay tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, nhằm giải quyết ngay những vấn đề cấp bách.
Trong dự thảo Nghị quyết, Thủ tướng gợi mở cần rà soát, tập trung vào những nội dung mà doanh nghiệp, người dân đang mong đợi nhất, có tính cấp bách, triển khai ngay được và tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" để phát triển kinh tế tư nhân.
Với quyết tâm thực hiện mục tiêu tới năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp, gấp đôi so với số lượng gần 1 triệu doanh nghiệp hiện nay sau gần 40 năm Đổi mới, Thủ tướng yêu cầu thủ tục hành chính phải đơn giản và chi phí ít nhất có thể.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế thúc đẩy phát triển doanh nghiệp để tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế cho người dân, như khuyến khích, tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp lớn trở thành doanh nghiệp lớn hơn.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý phải cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết 68 về bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng; đẩy mạnh hợp tác công tư theo các hình thức lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công.
Đặc biệt, để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu cần cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết 68 về "tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm", bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự; trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trực tiếp chỉ đạo xây dựng dự thảo Nghị quyết. Khẩn trương lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trong tháng 5 để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, bảo đảm yêu cầu theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.