Báo chí Nga: Hội nghị BRICS đang thay đổi nền kinh tế toàn cầu

Theo báo chí Nga, Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo BRICS tại Kazan là cơ hội để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ đối với nền kinh tế toàn cầu.

Sáng nay (24/10), Nhật báo Izvestia của Nga đã có bài viết chi tiết về ngày thứ hai Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo BRICS tại Kaza với tiêu đề:"Vốn và đầu tư: Các nhà lãnh đạo BRICS đang thay đổi nền kinh tế thế giới".

Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo BRICS tại Kaza. Ảnh: RIA

Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo BRICS tại Kaza. Ảnh: RIA

Được biết, hội nghị có sự tham gia của 22 nguyên thủ quốc gia và các phái đoàn từ 14 quốc gia khác. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã tới tham dự sự kiện và có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Vladimir Putin.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, BRICS đang trở thành một công cụ mạnh mẽ để hỗ trợ các quốc gia trong khối, đồng thời cung cấp khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính cho những quốc gia đối tác. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình hình kinh tế bất ổn trên toàn cầu, trong đó có lạm phát về lương thực và năng lượng, sự có mặt của BRICS là cần thiết hơn bao giờ hết.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, các quốc gia trong nhóm BRICS có tiềm năng lớn về kinh tế, khoa học, dân số và chính trị. Ông Putin cũng tin tưởng rằng, BRICS sẽ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế toàn cầu, nhờ lợi thế về tăng trưởng dân số, tích lũy vốn, đô thị hóa và năng suất lao động, cùng các cải tiến công nghệ.

"Để hiện thực hóa tối đa tiềm năng của nền kinh tế chúng ta, để tận dụng mọi lợi thế của làn sóng tăng trưởng kinh tế toàn cầu mới, các quốc gia trong BRICS cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, phát triển hiệu quả các nguồn lực về thương mại, logistics, tài chính và đầu tư", nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tin tưởng rằng, BRICS sẽ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: Izvestia

Tổng thống Nga Vladimir Putin tin tưởng rằng, BRICS sẽ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: Izvestia

Một trong những điểm nhấn trong chương trình nghị sự ngày 24/10 là sự tăng cường hợp tác tài chính trong khuôn khổ BRICS. Tại cuộc họp, các lãnh đạo đã nhất trí thông qua một nền tảng đầu tư để hỗ trợ các nền kinh tế quốc gia Nam Bán cầu.

Đồng thời, tại hội nghị thượng đỉnh, Bộ Tài chính Liên bang Nga đã cho ra mắt nền tảng BRICS Bridge, một hệ thống tài chính và thanh toán toàn cầu mới. Nền tảng này hứa hẹn sẽ có thể thanh toán toàn bộ tiền tệ từ các quốc gia thành viên trong khối BRICS và các đối tác, và còn có thể thanh toán bằng tiền điện tử.

Chia sẻ với tờ Izvestia, bà Natalia Poluyanova, thành viên Ủy ban Duma quốc gia Nga về doanh nghiệp vừa và nhỏ khẳng định: "Mục đích của nền tảng thanh toán này là tạo ra các cơ hội đầu tư mở rộng. Nền tảng BRICS Bridge sẽ là một hệ thống tạo ra tiềm năng tăng trưởng và phát triển trong nhiều năm tới".

Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh cũng tập trung vào các vấn đề địa chính trị quan trọng, bao gồm tình hình chiến sự tại Ukraine và Dải Gaza. Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva khẳng định: "Hiện tại, chúng ta đang trải qua hai cuộc chiến tranh có thể lan rộng ra toàn bộ thế giới. Do đó, chúng ta cần cùng nhau hướng tới mục tiêu hòa bình. Chúng ta cần làm việc theo nguyên tắc thống nhất và bình đẳng để có thể đạt được mục tiêu đó”.

Tại hội nghị, các nước BRICS cũng đã thông qua Tuyên bố Kazan, bày tỏ sự cần thiết phải cải cách cấu trúc tài chính quốc tế để đối phó với các thách thức toàn cầu, đảm bảo tính toàn diện và công bằng hơn cho các quốc gia thành viên.

Liên quan xung đột ở Trung Đông, tuyên bố chung bày tỏ đặc biệt quan ngại về tình hình nhân đạo ở các vùng lãnh thổ Palestine, đặc biệt là sự gia tăng bạo lực ở Dải Gaza và Bờ Tây. Lãnh đạo các nước kêu gọi một lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza, cũng như hối thúc Israel chấm dứt chiến dịch quân sự tại miền Nam Lebanon.

Về cuộc xung đột Nga - Ukraine, lãnh đạo các nước khẳng định tầm quan trọng của việc các quốc gia tuân thủ nhất quán với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Tuyên bố ghi nhận các đề xuất về trung gian hòa giải nhằm đạt được giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và ngoại giao.

Tuyên bố chung cũng đề cập cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong đó lãnh đạo các nước BRICS cam kết tăng cường hợp tác để giảm khí thải nhà kính, song chỉ ra rằng, các biện pháp khí hậu mà một số quốc gia áp đặt đơn phương lên các nước khác có thể gây bất lợi cho các nước thành viên.

Từ 23-24/10/2024, Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng diễn ra tại thành phố Kazan, Nga. Đây là Hội nghị quan trọng trong khuôn khổ hợp tác giữa BRICS với các nước đang phát triển. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các thành viên BRICS và lãnh đạo hơn 30 nước khách mời, bao gồm các nước đang phát triển ở các châu lục và một số tổ chức quốc tế.

Theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nước Chủ tịch BRICS năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự hội nghị với tư cách khách mời.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị BRICS mở rộng và các hoạt động liên quan. Đi cùng Bộ trưởng có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ như: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Văn phòng Bộ...

Phú Quý (theo TASS, Izvestia)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-chi-nga-hoi-nghi-brics-dang-thay-doi-nen-kinh-te-toan-cau-354595-354595.html