Báo chí phải không ngừng chạy đua sáng tạo, tương tác với bạn đọc
Trong thời đại số, khi số lượng nội dung thông tin cần giám sát, kiểm tra tăng lên hàng chục, thậm chí là hàng trăm lần, việc cơ quan quản lý báo chí sử dụng công nghệ số là tất yếu và buộc phải làm.
LTS: Sự phát triển vũ bão của công nghệ số đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong cách thức sản xuất, phân phối và tiêu thụ thông tin. Trong xu hướng chuyển dịch mọi hoạt động lên môi trường số, độc giả ngày càng ưu tiên các nền tảng điện tử, mạng xã hội và ứng dụng di động, thay vì báo in, truyền hình, truyền thanh truyền thống. Thay đổi này đã và đang đặt ra thách thức vô cùng lớn, buộc các cơ quan báo chí, truyền thông phải không ngừng chạy đua, đầu tư vào công nghệ, xây dựng các sản phẩm theo hướng đa phương tiện, tập trung nhiều vào tương tác với người dùng.
Bên cạnh đó, việc quản lý báo chí cũng đòi hỏi một cách tiếp cận mới với công nghệ đóng vai trò then chốt. Trong năm 2024, các cơ quan quản lý đã chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để đối phó với những thách thức như tin giả, thông tin xấu độc và sự bùng nổ của các nền tảng xuyên biên giới.
Nhân dịp Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2024, báo VietNamNet khởi đăng loạt bài "Báo chí song hành cùng công nghệ".
Báo chí, truyền thông bước vào cuộc đua đầu tư công nghệ
Trong khoảng 5 - 10 năm qua, người tiêu dùng báo chí, truyền thông tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi lớn. Sự thay đổi này đã kéo theo những thay đổi về nhiều mặt trong các sản phẩm truyền thông, báo chí.
Trước nhất, trong xu hướng chuyển dịch mọi hoạt động lên môi trường số, độc giả ngày càng ưu tiên các nền tảng điện tử, mạng xã hội và ứng dụng di động, thay vì báo in, truyền hình, truyền thanh truyền thống.
Thay đổi trên đã khiến cho các sản phẩm truyền thống của báo chí, truyền thông phải thu hẹp dần quy mô, phạm vi, nhường chỗ cho các sản phẩm phù hợp môi trường số; hoặc sản phẩm truyền thống sẽ có sự chuyển hóa, biên tập lại để phù hợp cho môi trường số.
Mặt khác, công nghệ AI, Big Data đang giúp các nền tảng điện tử hiểu rõ nhu cầu, sở thích của từng người dùng. Điều này cũng tác động ngược trở lại, buộc các cơ quan báo chí, truyền thông phải xây dựng nhiều nội dung hơn đề phù hợp với từng nhóm đối tượng người dùng.
Bên cạnh xu hướng cá nhân hóa nội dung, độc giả ngày càng có xu hướng đọc, xem những nội dung ngắn, thậm chí là siêu ngắn. Thay đổi này đã và đang đặt ra thách thức vô cùng lớn cho các cơ quan báo chí, truyền thông. Đó là, phải làm sao để vừa rút ngắn thời lượng, vừa truyền tải đủ nội dung thông tin và đặc biệt là vẫn phải đảm bảo sản phẩm báo chí hay, hấp dẫn để thu hút độc giả.
Mặt khác, trong thời đại số, người dùng ngày càng thể hiện mong muốn tự do, làm chủ cách tiếp nhận thông tin. Các nền tảng đa dạng về hình thức thể hiện thông tin như hình ảnh, video, infographic, podcast hoặc livestream sẽ mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn. Ngoài ra, các nền tảng cho phép người dùng bình luận, thể hiện chính kiến, cảm xúc ngay khi tiếp nhận thông tin sẽ giúp thu hút hơn các sản phẩm truyền thống.
Tôi cho rằng, những thay đổi, chuyển dịch kể trên đã và đang buộc các cơ quan báo chí, truyền thông phải không ngừng chạy đua, đầu tư vào công nghệ, xây dựng các sản phẩm theo hướng đa phương tiện, tập trung nhiều vào tương tác với người dùng.
Nâng cao năng lực, sự minh bạch và hiệu quả quản lý bằng công nghệ
Ở khía cạnh quản lý, giờ đây khi đối tượng quản lý đã chuyển phần lớn hoạt động lên môi trường số, việc dùng công nghệ để quản lý báo chí là việc tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, chứ không còn là yếu tố lựa chọn có thể sử dụng hoặc không.
Thực tế, trước đây một cơ quan báo chí chỉ có từ 2 - 3 kênh để truyền tải thông tin như báo in, báo điện tử; còn hiện nay mỗi cơ quan báo chí có thể có đến hàng chục kênh khác nhau, từ báo điện tử, Facebook, YouTube, Tiktok, Zalo… Và trên mỗi kênh cũng có tới hàng chục tài khoản để triển khai các chuyên mục khác nhau. Điều này khiến cho số lượng các nội dung cơ quan quản lý cần giám sát, kiểm tra có thể tăng lên hàng chục, và thậm chí là hàng trăm lần.
Vì thế, theo tôi phương án đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất khả thi là các cơ quan quản lý cần sử dụng các công cụ công nghệ số như giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI, học máy - Machine Learning và phân tích dữ liệu lớn - Big Data) để quản lý theo dõi và xử lý thông tin trên không gian mạng, bao gồm cả giám sát, kiểm tra hoạt động báo chí truyền thông.
Mặt khác, ứng dụng công nghệ số còn giúp tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, chẳng hạn như có thể sử dụng trợ lý ảo để hỗ trợ cho các cán bộ quản lý thực hiện công việc của mình. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ còn giúp tinh giản các bộ máy quản lý, giảm thiểu sự không nhất quán, và nâng cao khả năng phối hợp giữa các đơn vị.
Đi sâu vào các ứng dụng công nghệ để phục vụ công tác quản lý báo chí, mọi người đều có thể thấy rằng, sự phát triển mạnh mẽ của AI, đặc biệt là các mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên – NLP giờ đây đã có thể khiến cho máy có thể hiểu được nội dung con người nói, viết.
Cũng vì thế, hiện nay có nhiều giải pháp công nghệ có thể triển khai để hỗ trợ quản lý báo chí trên không gian mạng, trong đó giải pháp ứng dụng AI và Big Data để tự động phân tích, đánh giá các nội dung trên không gian mạng, qua đó chấm điểm, phát hiện nội dung vi phạm, dự đoán các rủi ro tiềm ẩn và cảnh báo các nội dung có khả năng vi phạm, cần xác minh thêm của con người.
Cơ quan quản lý cũng có thể dùng công nghệ để giám sát tự động, cụ thể là tự động thống kê, phân loại nội dung, phân tích xu hướng, sắc thái của bình luận, cảm xúc được chia sẻ bởi người dùng. Điều này sẽ giúp các nhà quản lý có được cái nhìn toàn cảnh về truyền thông, báo chí theo thời gian thực.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý báo chí còn có thể sử dụng nhiều công cụ công nghệ khác hỗ trợ hữu hiệu việc thực hiện nhiệm vụ, như: “Bộ lọc, kiểm duyệt tự động” cho phép liên tục giám sát, kiểm tra các nội dung được đưa lên không gian mạng; “Xác minh, cảnh báo thông tin sai lệch”, có thể tự động tìm nguồn các nội dung, giúp phát hiện các thông tin sai lệch so với nội dung gốc; hay công cụ hỗ trợ phát hiện các hình ảnh giả mạo, chỉnh sửa, cảnh báo cho các đơn vị khi sử dụng.
Rõ ràng là, công nghệ đang ngày càng có vai trò quan trọng trong mọi mặt đời sống xã hội và lĩnh vực báo chí truyền thông cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung.
(* Tác giả Vũ Ngọc Sơn hiện là Giám đốc Kỹ thuật Công ty NCS, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia)