Báo chí Phật giáo và báo chí với Phật giáo
Năm nay, sau thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Phật giáo ở nước ta đã tổ chức viên mãn kỳ Đại lễ Phật đản với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, để lại niềm hoan hỷ trong Tăng Ni, Phật tử và dấu ấn cho cả những người chưa phải là Phật tử.
Không khí đại lễ được tường thuật chi tiết, sống động bằng cả hình ảnh, video, âm thanh và bài vở trên báo chí, cổng thông tin của Phật giáo, từ Trung ương đến địa phương. Niềm hoan hỷ và nét đẹp của sự an lạc, giải thoát, hòa bình của Phật giáo cũng được các cơ quan thông tấn, báo chí chia sẻ rộng khắp. Đời sống sinh hoạt của Tăng Ni, Phật tử, lễ hội Phật giáo được lan tỏa ngày càng rộng khắp trên báo chí chính thống, mạng xã hội. Đây là niềm vui nhưng cũng là thách thức để Phật giáo chỉn chu hơn trong các hoạt động của mình, từ nội dung đến công tác tổ chức.
Phật giáo là lối sống tỉnh thức
Đức Phật đản sinh tròn 2.647 năm, dù vậy, những tư tưởng, phương pháp thực tập của Ngài được nêu ra 26 thế kỷ qua vẫn vẹn nguyên giá trị. Không chỉ ở phương Đông mà phương Tây, Âu-Mỹ cũng đã thẩm thấu, chọn lựa Phật giáo làm lối sống, đưa giá trị cốt lõi của đạo Phật và ứng dụng Phật pháp vào đời sống.
Thiền học Phật giáo được phổ biến với nhiều vị thầy xuất chúng, đem đạo vào đời, tiếp nối hạnh nguyện hoằng pháp của Đức Thế Tôn. Mạng xã hội, các ứng dụng khoa học đã giúp chuyển tải Phật giáo sinh động hơn trên nền tảng số, khiến ngôi chùa và hình ảnh của bậc xuất sĩ, Tăng đoàn trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Rất nhiều người được lợi lạc, chuyển hóa thân tâm trở nên an lành hơn từ khi tiếp xúc với lời Phật dạy, chọn đúng phương pháp tu học - pháp môn phù hợp.
Để hình ảnh Phật giáo được sống động, ngôi chùa, tu sĩ kết nối rộng hơn với cộng đồng, không thể thiếu vai trò truyền thông, báo chí. Ngày nay, báo chí Phật giáo cũng trong xu thế phát triển chung của xã hội, vận dụng công nghệ trong thể hiện các ấn phẩm, tác phẩm, sản phẩm của mình, trở nên đa phương tiện. Nhờ đó, các sinh hoạt của Giáo hội, Tăng đoàn, văn hóa Phật giáo và Phật học được chia sẻ rộng rãi bởi các cây bút uy tín, các bậc thầy lớn có sự thực tu, thực chứng.
Làm báo Phật giáo vì vậy cũng mang sứ mệnh hoằng pháp, không chỉ dừng lại ở chuyển tải thông tin mà còn phản biện cuộc sống, giới thiệu các đặc sắc trong văn hóa và đặc trưng trong các pháp môn riêng của đạo Giác ngộ.
Báo Giác Ngộ là một trong những kênh thông tin Phật sự của Giáo hội và là tờ báo đã xiển dương lời dạy của Đức Phật qua rất nhiều chuyên mục đặc thù như Phật học, Tư vấn, Văn hóa… Câu chuyện của Phật giáo là lối sống tỉnh thức đã được viết bởi các vị tôn túc và hành giả, nhà nghiên cứu, tạo nên một kênh thông tin hữu ích về mặt tìm hiểu về đạo Phật, giáo lý.
Tất nhiên, để Giác Ngộ trở thành “ngôi chùa” trong làng báo, là “trung tâm tu học” thì tương lai cần có cải tiến hơn nữa về mặt nội dung, hình thức. Bên cạnh thông tin hoạt động Phật sự có thể có các chương trình truyền hình, thiết kế app thiền học, có cả lý thuyết lẫn hướng dẫn cụ thể để bất kỳ người nào cũng có thể hiểu, thực hành, phân chia đối tượng để có nội dung phù hợp.
Theo đó, series về các bài thực tập thiền căn bản, đơn giản, mỗi bài thực tập thở, quán niệm chừng 3 - 5 hay 10 phút cho dân văn phòng, người bận rộn, bác sĩ, thầy cô giáo, học sinh hay thậm chí cả chính khách… có thể là một gợi ý. Khi phổ biến phương pháp thực tập và hành thiền một cách dễ hiểu, sinh động thì ở góc nào bạn đọc, hành giả cũng có thể trải nghiệm, chỉ cần vào báo Giác Ngộ hoặc app do báo tạo ra. Được vậy, sẽ lợi lạc và qua đó cũng giúp cho Phật giáo đi vào đời sống mạnh mẽ hơn. Có thể xem đây là một đặt hàng cho báo trong bối cảnh báo chí đa phương tiện hiện nay.
Báo chí góp phần lan tỏa đạo Phật
Như đã nói, Phật giáo dần trở nên gần gũi với cộng đồng vì những thông tin nhanh chóng, chính xác trên các báo, đài. Quý thầy, các hành giả Phật giáo đã được đứng trên những chương trình truyền hình, các talkshow của báo, đài để nói về sự thực tập của mình và phương pháp thực tập căn bản của Phật giáo.
Hình ảnh một vị thầy trả lời phỏng vấn báo chí không còn xa lạ hay chờ vào dịp gì đặc biệt nữa. Các chương trình mang âm hưởng “lắng”, “yêu thương”, “an lành” hay “chữa lành”, với khách mời từ Phật giáo chiếm đa số. Điều đó chứng tỏ, giáo lý, phương pháp thực tập Phật giáo không chỉ bó hẹp ở những người tu hành mà còn ứng dụng cho số đông.
Quả thực, các tập đoàn lớn trên thế giới, các nhà lãnh đạo của các tổ chức, thương hiệu lâu năm và uy tín, chẳng hạn như Google, Apple, Nike, Yahoo, Procter & Gamble (P&G), HBO… cũng khuyến khích nhân viên tập thiền để nâng cao khả năng sáng tạo. Steve Jobs từng luyện tập thiền định. Ông được coi là người tiên phong của “Công nghệ trí tuệ” vì đã giới thiệu việc luyện tập thiền định vào cấu trúc công ty của Apple. Nhân viên có thể vào phòng thiền, họ có 30 phút cho việc nghỉ ngơi và tập luyện, có thể tập yoga và thiền định tại chỗ. Tất cả đều là một phần của quá trình mà Steve đã từng luyện tập để giảm căng thẳng, đạt được sự tỉnh táo hơn và tăng cường sự sáng tạo của mình.
Trong khi đó, A.G. Lafley, Giám đốc điều hành P&G đã bắt đầu một chương trình hướng dẫn thiền định và lắp đặt các không gian thiền định trong các tòa nhà công ty của P&G. Ông nói: “Nếu bạn không thể giải quyết vấn đề, hãy tĩnh tâm và suy ngẫm về nó”.
Vài ví dụ trên có thể xem là câu chuyện truyền cảm hứng không chỉ cho các tập đoàn mà còn với cả báo chí, xem đây là đề tài thú vị từ thực tế cuộc sống, ở những con người có ảnh hưởng toàn cầu. Thực ra, có nhiều người viết, là phóng viên, nhà báo ở các cơ quan báo chí cũng lấy lời Phật dạy, phương pháp thực tập từ Đức Phật làm lẽ sống. Nhờ thiền tập, những cái nhìn đa chiều, sắc sảo, ngôn ngữ và bút pháp thể hiện của người cầm bút trở nên nhạy bén, tinh tế hơn. Vì vậy, có thể nói, Phật giáo với báo chí vừa là đề tài khai thác nhưng cũng là phương pháp thực tập để mỗi bài báo đều mang dấu ấn “bút sắc, lòng trong” sâu sắc thêm.
Báo chí cần tránh cực đoan khi đưa tin xấu về Phật giáo
Hiện tượng câu view, câu like trong báo chí đã khiến cho các tòa soạn, người viết đôi khi bám vào “miếng” thông tin xấu từ một ngôi chùa, vị tu sĩ nào đó để đẩy sự việc đi xa. Một đốm lửa nhỏ, một “con sâu” bị biến thành “chất liệu” đưa tin, tô đậm bởi liều lượng và nâng quan điểm khiến dư luận ngộ nhận, hiểu lầm, nghĩ đó là Phật giáo trong khi chỉ là cá nhân. Đó có thể xem là sự cực đoan trong thông tin về Phật giáo. Ở trường hợp này, rất cần Giáo hội, người phát ngôn của Phật giáo nhanh chóng có thông tin chính thức, phát ngôn, họp báo để đính chính, tránh làm cho đốm lửa lan ra thành một đám cháy của rừng cây.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/bao-chi-phat-giao-va-bao-chi-voi-phat-giao-post67686.html