Báo chí quốc tế đưa tin về Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch
Các hãng tin và báo chí quốc tế đã đưa tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch vào ngày 22/1 và nhắc lại những thành tựu của một trong những lãnh đạo Phật giáo có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh - một bậc thầy giác ngộ tâm linh - đã về với cõi Phật vào lúc 0h ngày 22/1/2022, hưởng thọ 95 tuổi. Theo nhiều học giả quốc tế, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong hai nhà lãnh đạo Phật giáo có sức ảnh hưởng lớn nhất ở phương Tây.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là bậc thầy hướng dẫn tâm linh, là một nhà văn hóa, nhà thơ, học giả, hoằng pháp ở nhiều nước trên thế giới, với những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục nghìn người ở khắp nơi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, và có hơn 120 tác phẩm xuất bản có ảnh hưởng và sức lan tỏa mạnh mẽ như “Đường xưa mây trắng”, “Phép lạ của sự tỉnh thức”, “Hạnh phúc cầm tay”, “Phật trong ta”…
Thiền sư đã mở ra hướng đi và phát triển những pháp môn thực tập với nhiều khóa tu dành cho các nhà giáo dục, thanh thiếu niên, nghệ sĩ, doanh nhân, y bác sĩ…
Hãng tin Reuters ngày 22/1 đăng tải bài viết có tiêu đề: "Thích Nhất Hạnh, nhà hoạt động vì hòa bình, bậc thầy về chánh niệm, qua đời ở tuổi 95".
Trong bài báo, hãng tin gọi Thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhà sư, nhà thơ và nhà hoạt động vì hòa bình. Trong suốt cuộc đời hành đạo, Thiền sư thường sử dụng cách giảng đạo nhẹ nhàng, nhưng mạnh mẽ về sự cần thiết của việc "bước đi như thể bạn đang hôn trái đất bằng bàn chân của mình", Reuters viết.
Hãng tin Anh nhận định, Thiền sư là một nhà tiên phong đưa Phật giáo tới phương Tây. Ông đã thành lập tu viện "Làng Mai" ở Pháp và thường xuyên đề cập về việc thực hành chánh niệm - pháp môn được coi là trái tim của thiền tập - cho các tín đồ trên toàn thế giới. Reuters cũng trích dẫn lại những lời giảng đạo nổi tiếng của Thiền sư trong hàng chục năm tu hành.
Khi đưa tin về sự ra đi của thiền sư Thích Nhất Hạnh, AFP ca ngợi ông mang chánh niệm tới phương Tây, giúp thay đổi cuộc đời nhiều người. "Tôi đã được vinh dự gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Việt Nam năm 2019", thượng nghị sĩ Mỹ Mazie Horono hôm nay đăng trên Twitter. "Những lời dạy của ông về lòng yêu thương và chánh niệm sẽ tiếp tục soi sáng thế giới này. Xin hãy an nghỉ".
Thông điệp được thượng nghị sĩ Horono đưa ra sau khi hay tin thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế, ở tuổi 96. Trong một bài viết cũng vào năm 2019, tạp chí Times đã gọi ông là "thiền sư dạy cho thế giới về chánh niệm".
Sinh thời, thiền sư, người thông thạo tiếng Anh và Pháp, đã tổ chức hàng nghìn buổi thuyết giảng, khóa tu trên khắp thế giới để truyền đi những quan điểm sống, cách nhìn nhận cuộc sống mang tính khai phá, gợi mở.
Ở phương Tây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đôi khi được gọi là "cha đẻ của chánh niệm" và được coi là nhịp cầu nối liền các truyền thống tâm linh Á - Âu. Theo thiền sư, "chánh niệm cho chúng ta thấy những gì đang xảy ra trong cơ thể, cảm xúc, tâm trí chúng ta và thế giới. Nhờ chánh niệm, chúng ta có thể tránh làm hại bản thân và người khác".
Ron Funches, diễn viên và nhà văn người Mỹ, viết trên Twitter: "Những truyền thụ của thiền sư về chánh niệm đã thay đổi cuộc đời và con đường của tôi. Cảm ơn ngài về tất cả".
Bà Marie Damour, đại biện lâm thời phái đoàn Mỹ tại Việt Nam hôm nay cũng gửi lời chia buồn sâu sắc trước sự viên tịch của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
"Trong hơn 60 năm qua, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một người thầy, nhà lãnh đạo tinh thần được yêu mến và là nhà hoạt động không mệt mỏi vì hòa bình cho đất nước của mình và trên khắp thế giới. Những lời giảng dạy của ông, đặc biệt là về việc đưa chánh niệm vào cuộc sống hàng ngày, đã làm phong phú thêm cuộc sống của rất nhiều người Mỹ", bà Damour viết.
Đại biện lâm thời Mỹ cho rằng Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được nhớ đến như một trong những lãnh đạo tôn giáo nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. "Thông qua những lời dạy và tác phẩm văn chương của ông, di sản của ông sẽ còn lưu truyền mãi cho các thế hệ mai sau", bà nhấn mạnh.
Trong cuốn sách "Điều kỳ diệu của Chánh niệm", Thiền sư Thích Nhất Hạnh khẳng định chánh niệm đã cứu sống ông trong giai đoạn trầm cảm nặng sau cái chết của mẹ.
Theo bình luận viên Sylvia Thompson của Irish Times, thông điệp của thiền sư "đơn giản nhưng sâu sắc". "Thông qua nhận thức về hơi thở của chúng ta và những hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, ta có thể biến đổi và chữa lành cuộc sống và hòa đồng với những người khác trong tình yêu thương cũng như lòng trắc ẩn", bà viết trong một bài bình luận hồi năm 2012.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là tác giả của hơn 100 cuốn sách, trong đó hướng dẫn mọi người cách tìm thấy bình yên mà theo ông là "luôn hiện hữu trong mọi khoảnh khắc cuộc sống".
"Thầy dạy chúng tôi sống mọi khoảnh khắc một cách có ý thức, biết ơn những điều tốt đẹp và giải quyết những khó khăn mà chúng tôi gặp phải trong chính bản thân mình và cả bên ngoài thế giới", sơ Jina, một trong 50 nữ tu và tu sĩ từng đồng hành cùng Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chuyến thăm Anh và Ireland hồi năm 2012, cho hay.
Trong một khóa tu do thiền sư hướng dẫn tại Mỹ, bác sĩ Jon Kabat-Zinn lần đầu tiên nhận ra mối tương quan của chánh niệm trong điều trị các bệnh mạn tính. Sau này, Kabat-Zinn đã đưa những lời dạy của thiền sư vào khóa học "Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm" của ông. Khóa học này trở nên nổi tiếng và hiện được áp dụng ở hàng nghìn bệnh viện, trung tâm y tế trên khắp thế giới.
Nhiều người nổi tiếng toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng bởi những quan điểm sống, thế giới quan của thiền sư. Tỷ phú truyền thông Mỹ Oprah Winfrey từng có cơ hội phỏng vấn thiền sư và nói rằng ông đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ của bà.
Christiana Figueres, cựu thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu, hồi năm 2016 chia sẻ rằng bà khó lòng thúc đẩy thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thành công "nếu không có những lời dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đồng hành".
Cuộc đời của Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn gắn liền với các hoạt động vì hòa bình. Sau khi gặp thiền sư năm 1966, nhà hoạt động nổi tiếng Mỹ Martin Luther King Jr. đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ Chiến tranh Việt Nam.
"Tôi không biết có ai xứng đáng với giải Nobel hơn nhà sư Phật giáo hiền lành đến từ Việt Nam này", mục sư người Mỹ viết trong thư đề cử thiền sư cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967. "Những ý tưởng của ông ấy về hòa bình, nếu được áp dụng, sẽ tạo động lực cho chủ nghĩa đại kết, cho tình anh em thế giới, cho toàn nhân loại".
Peter Phan, giảng viên Khoa Thần học và Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Đại học Georgetown, Mỹ, cho biết ông biết ơn trước những nỗ lực vì hòa bình và công lý của thiền sư, cũng như những hướng dẫn tinh thần của ông đối với hàng triệu người thuộc các tôn giáo khác nhau.
"Những lời dạy và bài viết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ mãi mãi là nguồn thông tin trí tuệ, mang đến cái nhìn sâu sắc, không chỉ cho những người bình thường mà còn cho các học giả tôn giáo hay nhà thần học thuộc mọi tín ngưỡng", ông nói.
Năm 2003, Thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức các khóa tu thiền ba tuần cho người Israel và người Palestine để hòa giải, khuyến khích họ lắng nghe và học hỏi lẫn nhau tại Làng Mai, tu viện của ông ở miền nam nước Pháp.
"Họ không nói chuyện với nhau chứ đừng nói đến nhìn nhau. Phải mất ba tuần để tự chuyển hóa và chữa lành", thiền sư cho hay, thêm rằng chìa khóa hòa giải là "lắng nghe bằng lòng từ bi". "Lắng nghe bằng lòng từ bi để giúp đối phương bớt khổ đau. Nếu nhận ra người khác cũng như mình, chúng ta không còn tức giận họ nữa".
Năm 2008, thiền sư nói rằng chiến tranh Iraq là kết quả của nỗi sợ hãi, hiểu lầm và bạo lực "tự nuôi sống chính nó". "Chúng tôi biết rất rõ rằng máy bay, súng đạn và bom mìn không thể xóa bỏ nhận thức sai lầm. Chỉ có lời nói bác ái và lắng nghe bằng lòng từ bi mới có thể giúp mọi người sửa chữa điều đó. Nhưng các lãnh đạo không được đào tạo với tư tưởng đó, họ chỉ dựa vào lực lượng vũ trang để loại bỏ khủng bố", ông chia sẻ.
Năm 2015, thiền sư được trao giải Hòa Bình trên Trái Ðất, giải thưởng thường niên của Thiên chúa giáo toàn cầu. Ông là "người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp hòa bình và công lý", chứng thư mà Giám mục Martin Amos trao cho thiền sư có đoạn viết.
Giải thưởng Hòa Bình trên Trái Ðất được Giáo hoàng John XXIII đề xướng từ năm 1963 nhằm vinh danh những người tạo dựng thành tựu về hòa bình và công lý, không chỉ riêng cho đất nước họ mà cho toàn thế giới. Martin Luther King Jr. cũng từng giành giải thưởng này.
Năm 2019, thiền sư được quỹ Hòa bình Schengen và Diễn đàn Hòa bình Thế giới trao giải Hòa bình nội tâm, một hạng mục trong giải thưởng Hòa bình Luxembourg, vì những bài pháp thoại đầy thuyết phục và những cuốn sách bán chạy nhất về chánh niệm và hòa bình.
"Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một tu sĩ hiền lành, khiêm nhường, người mục sư Martin Luther King gọi là tông đồ của hòa bình và bất bạo động", quỹ Hòa bình Schengen nêu.
Thông điệp của Luther King cũng được nhà nhân chủng học Michael Oman-Reagan, giáo sư tại Đại học Newfoundland, Canada, dẫn lại trên Twitter hôm nay.
"Tôi tin rằng nếu chúng ta hỏi thiền sư Thích Nhất Hạnh về cái chết của ông, ông sẽ trả lời bằng một nụ cười", giáo sư Oman-Reagan viết. "Và ông sẽ nói: Các vị không thấy dạng thức mới của thầy sao? Một đóa hoa, đám mây, cơn mưa, biển cả, gió, cây cối, nhà sư. Tất cả đều là sự nối tiếp của thầy. Các vị cũng là sự nối tiếp của thầy".
Những lời dạy còn mãi của thiền sư
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nhiều câu nói, lời dạy để đời với nhiều Phật tử và cả những người bình thường. Ở chùa Từ Hiếu còn lưu hai câu thơ của ông “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Đã cho ta ngày mới để yêu thương”.
Đặc biệt, tùy bút nổi tiếng “Bông hồng cài áo” của thiền sư làm nguồn cảm hứng cho nhạc phẩm cùng tên của Phạm Thế Mỹ có những đoạn văn thấm thía, cảm động: “Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ, con cần mẹ, mẹ cần con”…