Báo chí toàn cầu năm 2023: Bước ngoặt để đổi mới
Việc phát triển công nghệ len lỏi vào mọi khía cạnh cuộc sống, bên cạnh đó là những tiềm tàng rủi ro về suy thoái kinh tế, thay đổi xu hướng người đọc sau 2 năm đại dịch thúc đẩy 2023 có thể trở thành năm bản lề của đổi mới cho các hãng tin tức toàn cầu.
Định dạng podcast, video lên ngôi
Theo nghiên cứu của Viện Báo chí Reuters, trong năm nay, việc đọc báo trực tuyến qua các nền tảng website sẽ chỉ là một trong nhiều cách gắn kết người xem. Kết nối dữ liệu tốt hơn đã mở ra những khả năng vượt ra khỏi những định dạng thông thường như văn bản và hình ảnh, đồng thời việc thích ứng với điện thoại thông minh đã thúc đẩy ứng dụng báo chí trực quan, video dọc (được tạo ra bằng camera, máy tính) và podcast.
Đáp ứng nhu cầu đó, phần lớn các nhà xuất bản cũng cho biết sẽ tập trung vào podcast và các định dạng kỹ thuật số khác (chiếm 72% người trả lời), bản tin email (69% số người trả lời) và video kỹ thuật số (67%).
Nhìn chung, các cơ quan báo chí lớn trên thế giới kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của lượng người đọc trực tuyến và có trả phí đọc báo. Với tình trạng quá tải nội dung tin tức chung, các nhà xuất bản đang ngày càng tìm cách phát triển nội dung chuyên biệt hoặc độc đáo hơn có thể đi kèm với gói thuê bao đăng ký hiện tại hoặc có thể được tính phí riêng biệt.
Ngoài nội dung trả phí, nguồn thu có mức tăng trưởng nhanh nhất của các nhà xuất bản trong những năm gần đây đến từ nguồn tài trợ từ các nền tảng công nghệ. Theo kết quả cuộc khảo sát, 33% số người được hỏi cho biết các khoản thanh toán cho việc khai thác tin tức hoặc sáng tạo kỹ thuật số là những nguồn thu quan trọng nhất, tăng 4% so với kết quả khảo sát hồi năm ngoái.
Báo chí tích cực, xoay quanh con người
Dữ liệu của Digital News Report cho thấy xu hướng người đọc “né tránh có chọn lọc” các nguồn tin tiêu cực tăng gấp đôi ở một số quốc gia kể từ năm 2017, đặc biệt sau 2 năm đại dịch và xung đột tại Ukraine nổ ra khiến xu hướng này ngày càng gia tăng.
Do đó, trong năm nay các nhà xuất bản sẽ tập trung vào thông tin tích cực và xoay quanh những câu chuyện về con người, đặt con người vào trung tâm. Trong một cuộc khảo sát gần đây, nhà xuất bản LGBTQ+ cho biết khoảng 25% độc giả cho biết họ chỉ thích đọc những câu chuyện tin tức nâng cao tinh thần.
Gần như hầu hết người đọc được hỏi mong muốn những thông tin báo chí mang tính phân tích sâu (94%) và định dạng hỏi & đáp (87%) trong năm nay, mặt khác vẫn còn hoài nghi đối với các ý tưởng như “báo chí giải pháp” (73%) – chưa nói đến việc tăng số lượng của những câu chuyện tích cực (48%).
Mặt khác, một mạng lưới báo chí lấy con người là trung tâm chia sẻ trên toàn thế giới những câu chuyện truyền cảm hứng về con người và có tác động sâu rộng đã bắt đầu vào năm 2021 bằng cách chia sẻ nội dung tại 8 quốc gia Mỹ Latinh và sẽ mở rộng ra toàn cầu vào đầu năm 2023, với sự hỗ trợ của Trung tâm quốc tế báo chí (ICFJ).
Bài toán thương hiệu cho mỗi hãng tin tức
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ khiến một số hãng tin phải dựa nhiều hơn vào các gói quảng cáo, truyền thông của Chính phủ hoặc các công ty trung gian thân thiết. Từ đó, có thể ngành truyền thông – báo chí sẽ chứng kiến một làn sóng cắt giảm nhân sự rộng khắp và các thương vụ mua bán – sáp nhập, hợp tác trong bối cảnh toàn ngành đang thực hiện cắt giảm chi phí và gia tăng giá trị theo các phương thức mới. Xu hướng thu hẹp của ngành là thách thức nhưng cũng là cơ hội thúc đẩy các hãng tin tìm cách xây dựng thương hiệu khác biệt với trọng tâm vào những nhu cầu và thị trường cụ thể.
Tháng 12/2016, Rebecca Haptinstall - Trưởng bộ phận thương hiệu của tờ Financial Times cho trang web Innovation biết, sau 128 năm, lần đầu tiên tờ báo lớn của nước Anh mới đặt báo chí ở trung tâm của hoạt động marketing với chiến dịch “Make the Right Connections”. Chiến dịch được tung ra nhằm kích hoạt thương hiệu và quảng cáo do các biên tập viên phối hợp cùng bộ phận marketing xây dựng nên.
Tỷ phú Donald Trump sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2017 đã liên tục chỉ trích vấn nạn tin giả. Tờ New York Times đã cùng Công ty Quảng cáo Droga5 đã đưa ra chiến dịch truyền thông thương hiệu với tên “Truth Is Hard” (sự thật thật khó) trên truyền hình, bảng quảng cáo ngoài trời và trên chính tờ báo.
Việc thương hiệu hóa các chiến dịch truyền thông hay cơ quan báo chí không còn là mục tiêu hiếm hoi trong bối cảnh “khác biệt hay là chết”. Vào thời điểm các cơ quan tin tức ngày càng cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội và các nguồn tin khác, mục tiêu này ngày càng được coi trọng.
Do đó năm 2023 dự kiến sẽ là thời điểm các hãng tin phải tìm cách xây dựng thương hiệu khác biệt với trọng tâm vào những nhu cầu và thị trường cụ thể. Mặt khác, thế giới sẽ chứng kiến sự phát triển của các mô hình và công cụ có chi phí thấp, mang đặc tính thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của người đọc hơn, giúp người đọc được hưởng lợi nhiều hơn.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-chi-toan-cau-nam-2023-buoc-ngoat-de-doi-moi.html