Báo chí và doanh nghiệp: Đồng hành kiến tạo phát triển bền vững

Trong kỷ nguyên cạnh tranh và chuyển đổi không ngừng, báo chí và doanh nghiệp không thể đi riêng rẽ. Sự đồng hành chính là 'chìa khóa' phát triển bền vững.

Báo chí - doanh nghiệp: Mối quan hệ không thể tách rời

Tại Diễn đàn “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” do Báo Kinh tế đô thị tổ chức chiều 5/6, ông Nguyễn Đức Kiên – nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra một nhận định dứt khoát: “Báo chí không thể tách khỏi doanh nghiệp nữa”.

Ông Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại diễn đàn

Ông Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại diễn đàn

Trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, kinh tế thế giới thay đổi theo nguyên lý “lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết”, báo chí vốn là kênh truyền thông, giờ đây còn giữ vai trò như một cấu phần trong cấu trúc phát triển doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, doanh nghiệp Việt đang gánh vác trọng trách lớn lao, là trụ cột chính giúp đất nước đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Trên hành trình đó, báo chí không chỉ đưa tin, phản ánh mà cần đồng hành, bảo vệ và thúc đẩy doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp phải đối mặt với sức ép từ cả trong nước và quốc tế.

PGS. TS. Bùi Thị An (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII) khẳng định: “Một bài báo có thể tôn vinh doanh nghiệp đi lên, nhưng cũng có thể giết chết một doanh nghiệp nếu thiếu khách quan và công tâm”. Theo bà, báo chí không chỉ phản ánh hiện tượng mà còn phải lặn sâu vào thực tiễn, dấn thân để nêu bật bản chất của sự việc. Nhiều vụ việc tiêu cực trong thời kỳ dịch Covid-19 như gian lận đấu thầu thiết bị y tế, quản lý xăng dầu… chỉ được bóc tách nhờ sự quả cảm của báo giới.

PGS. TS. Bùi Thị An phát biểu tại diễn đàn

PGS. TS. Bùi Thị An phát biểu tại diễn đàn

Bà An nhấn mạnh: “Muốn phản ánh đúng dù là cái tốt hay cái xấu, người làm báo phải có một cái đầu lạnh, một trái tim nóng và một bàn tay sạch”. Báo chí cần lan tỏa điều tử tế, tôn vinh doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, phát triển bền vững, đồng thời phải lên tiếng công khai và công tâm với những sai phạm.

Ông Nguyễn Đức Kiên chia sẻ thêm, sự hỗ trợ của báo chí không có nghĩa là tô hồng hay bỏ qua vi phạm, mà là nhìn nhận sự việc đa chiều, đúng bản chất, khách quan và nhân văn. Đặc biệt, trong môi trường mạng xã hội dễ lan truyền sai lệch, báo chí chính thống càng cần lên tiếng để giữ công bằng và niềm tin xã hội. “Chúng tôi mong báo chí không chỉ là người đồng hành, mà là một phần trong cấu trúc phát triển của doanh nghiệp”, ông Kiên nhấn mạnh.

Phát huy vai trò phản biện trong kỷ nguyên mới, TS Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu đặt câu hỏi thẳng thắn: “Báo chí cần thay đổi thế nào trong kỷ nguyên mới?”. Theo ông, báo chí cần lắng nghe phản ứng đa chiều của người dân, doanh nghiệp và chủ động tham gia vào quá trình xây dựng chính sách. Vai trò phản biện xã hội của báo chí phải mạnh mẽ hơn, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như chống tham nhũng, lợi ích nhóm, cải cách hành chính và thể chế thị trường.

Đồng quan điểm với TS Hiếu, Đại tá, nhà báo Hòa Văn, Nguyên Tổng biên tập Báo Biên Phòng chia sẻ, với chức năng nhiệm vụ của báo chí, sự đồng hành của báo chí cùng doanh nghiệp phải trên cơ sở đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xin cấp phép, đấu thầu, tiếp cận các nguồn lực, cơ quan báo chí, nhà báo cần lên tiếng để cơ quan chức năng của nhà nước làm đúng chức năng, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp phát triển. Khi doanh nghiệp làm sai, có vi phạm pháp luật, dù có mối quan hệ thân hữu thì cơ quan báo chí và nhà báo cũng cần lên tiếng, phê phán, chỉ trích.

Tuy nhiên, bản thân báo chí cũng có lúc nghiêng ngả, thiên vị, thiếu công tâm, khách quan vì lợi ích riêng của báo chí. Hoặc đôi khi báo chí cũng bị cuốn theo sự kiện. Có nhiều doanh nghiệp có sai phạm, bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý. Trên cơ sở quyết định của cơ quan chức năng, báo chí cứ thế đưa tin, cứ gợi mở ra để bình luận theo hướng vi phạm, đôi khi doanh nghiệp cảm nhận bị vùi dập bởi truyền thông. Trong lúc nhiều mặt tích cực, nhiều sự nỗ lực của doanh nghiệp không được báo chí nhắc tới.

Báo chí lên án mặt tiêu cực, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp chưa đủ mạnh. Bên cạnh đó, vì lợi ích cục bộ của báo chí, mà việc thực hiện chức năng của báo chí còn thiếu tính vô tư khách quan. Đây là vấn đề mà trong thời điểm lịch sử này cần phải được triệt tiêu”- nhà báo Hòa Văn nói.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp

Diễn đàn thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp

Báo chí là đồng minh chiến lược của doanh nghiệp bất động sản

Trong tham luận tại diễn đàn, TS Trần Xuân Lượng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam khẳng định, báo chí giữ vai trò trung tâm trong hệ sinh thái truyền thông của lĩnh vực bất động sản. Khi thị trường chịu áp lực kép từ chính sách, pháp lý và biến động người tiêu dùng, báo chí trở thành công cụ định hướng, phổ biến thông tin chính thống, kết nối giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư và khách hàng.

Diễn đàn không chỉ dừng lại ở việc khẳng định vai trò báo chí mà còn mở ra định hướng hợp tác giữa ba trụ cột: Nhà nước - doanh nghiệp - báo chí. TS Lượng đề xuất ba nhóm giải pháp:

Với doanh nghiệp, cần chủ động minh bạch hóa thông tin, xây dựng thương hiệu gắn với trách nhiệm xã hội, đầu tư vào chuyển đổi số và công nghệ xanh. Hợp tác với báo chí không chỉ là mua quảng cáo mà là hợp tác chiến lược để quản trị hình ảnh, xử lý khủng hoảng và gia tăng niềm tin thị trường.

Với báo chí, phải giữ vững bản sắc, chuyên nghiệp và khách quan. Cần mở rộng các chuyên mục phản biện chính sách, đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ động định hướng thông tin tích cực cho xã hội, tránh bị cuốn theo tin đồn hay sự kiện giật gân thiếu kiểm chứng.

Với Nhà nước, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính ổn định và linh hoạt cho doanh nghiệp hoạt động. Đồng thời, khuyến khích mô hình hợp tác công – tư – truyền thông để phát triển hệ sinh thái thông tin minh bạch, công khai, thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực quản lý trong kỷ nguyên số.

Báo chí Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử, luôn đi cùng với vận mệnh của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp. Giờ đây, hơn bao giờ hết, mối quan hệ ấy cần được nâng tầm, từ người đưa tin thành đối tác chiến lược trong phát triển. Không một doanh nghiệp nào có thể vươn xa nếu thiếu niềm tin thị trường. Đồng thời, không một nền báo chí nào có thể bền vững nếu thiếu động lực từ thực tiễn kinh doanh, khát vọng đổi mới và những câu chuyện sống động từ cộng đồng doanh nghiệp.

“Chúng ta không thể xây dựng một nền kinh tế mạnh nếu không bảo vệ doanh nghiệp, và không thể bảo vệ doanh nghiệp nếu báo chí chỉ đứng bên lề”, ông Nguyễn Đức Kiên kết luận.

Theo các chuyên gia, với lịch sử 100 năm của báo chí cách mạng Việt Nam, có thể khẳng định báo chí nước nhà luôn song hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Báo chí không chỉ phản ánh thực tiễn mà còn định hướng dư luận, góp phần thúc đẩy cải cách, khơi dậy khát vọng sáng tạo, đổi mới và phát triển quốc gia.

Lan Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-chi-va-doanh-nghiep-dong-hanh-kien-tao-phat-trien-ben-vung-391018.html