Báo chí với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Sáng 22.6, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia 'Báo chí, dư luận xã hội và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay'.
Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lỗi của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đây lùi tham nhũng, tiêu cực, tạo ra một diễn đàn khoa học dân chủ, cởi mở để các nhà khoa học thảo luận.
Báo chí và dư luận xã hội là lực lượng, công cụ chủ lực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta. Điều này đã được khẳng định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước từ trước đến nay, như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Báo chí. Kết luận số 21 KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII cũng đã đặt ra yêu cầu “Nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội và đánh giá sự hài lòng của người dân; chủ động dự báo tình hình, xử lý kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội”...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, chức năng, nhiệm vụ của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được luật hóa.
Trong nhiều năm qua, báo chí đã thể hiện vai trò đặc biệt trong điều tra, phát hiện, phản ánh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, từ đó tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các cơ quan hữu quan xử lý, giám sát việc thưc thi của các cơ quan chức năng. Đồng thời tuyên truyền cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
"Thực tiễn báo chí Việt Nam cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham những, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí và các nhà báo. Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay".
Báo chí là diễn đàn quan trọng để huy động sức mạnh của toàn dân, là cầu nối để Đảng, Nhà nước lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng, những sáng kiến của nhân dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc khi báo chí tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò, tác động của báo chí, dư luận xã hội đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay; phân tích thực trạng, dự báo những thuận lợi, khó khăn, thời cơ và thách thức đối với việc phát huy vai trò của báo chí, dư luận xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta, đặt trong điều kiện, bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước; đề xuất phương hướng, giải pháp và đưa ra các khuyến nghị nhằm phát huy hiệu quả vai trò của báo chí, dư luận xã hội đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta thời gian tới...
Các ý kiến tiếp cận dưới nhiều góc nhìn nhưng tập trung xoay quanh nội dung chủ đạo là làm rõ thực trạng báo chí, dư luận xã hội với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời nhấn mạnh báo chí cần phải tích cực và cần được tạo điều kiện, cơ chế trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.
Kết quả của Hội thảo là cơ sở để cung cấp luận cứ khoa học quan trọng, hữu ích cho việc tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay, cũng như hiện thực hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát huy vai trò của báo chí, dư luận xã hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.