Báo chí xây dựng không 'hả hê' trước sai phạm, bất cập của doanh nghiệp
Ông Lê Quốc Minh cho rằng, từ khóa 'nhân văn' là điều báo chí cách mạng hướng tới. Báo chí xây dựng không 'hả hê' trước những sai phạm, bất cập của doanh nghiệp.
Sáng nay (29.6), tại Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo, Ban Nghiệp vụ – Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn đàn “Báo chí – doanh nghiệp đồng hành cùng chính phủ vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng”.
Dự diễn đàn có ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, doanh nghiệp.
Minh bạch trong mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện “mục tiêu kép”, báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp khi vừa đảm bảo sản xuất, vừa phải chống dịch, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành giữa báo chí trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm.
Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh dòng thông tin chủ lưu, tích cực, đâu đó vẫn còn một số những thông tin gây bất lợi, thậm chí làm tổn hại tới uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.
Nguyên nhân căn bản là do nhiều doanh nghiệp chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, bên cạnh đó, một vài nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội đưa tin sai sự thật, thổi phồng quá mức sự việc để làm tiền doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng “con sâu bỏ rầu nồi canh”.
“Vậy giải pháp gì để doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin với các cơ quan báo chí và báo chí cần làm gì để minh bạch hơn trong việc xử lý thông tin” - ông Lê Quốc Minh đặt câu hỏi và cho rằng, sự minh bạch chính là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa báo chí và doanh nghiệp.
Trình bày tham luận tại diễn đàn, nhà báo Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, rất cần báo chí chung tay với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy cải cách thể chế.
Đây là thời điểm thích hợp để báo chí trở thành là kênh quan trọng giúp khơi dậy lòng tự hào của người Việt, ví như vấn đề người Việt ưu tiên người Việt dùng hàng Việt, khuyến khích và khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo nhà báo Nguyễn Anh Tú, thông qua các cơ quan báo chí, những mặt chưa được trong môi trường kinh doanh của Việt Nam được phản biện, góp ý xây dựng để ổn định và minh bạch hơn. Bên cạnh đó, những thông tin phân tích của báo chí là những gợi ý tốt cho các doanh nghiệp mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi, thay đổi tính chất của các mối liên kết trong hoạt động quản lý kinh doanh.
Không "hả hê" trước những bất cập của doanh nghiệp
Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thúy Hường - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Trường học Quang Minh (QMS) cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, sự phát triển với tốc độ vũ bão về số lượng, đa dạng hóa các hình thức truyền thông và báo chí được ghi nhận. Báo chí đã đổi mới nhanh, nhạy bén với công nghệ 4.0 để người đọc dễ dàng tiếp cận thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, bà Hường cho rằng, chính vì số lượng phát triển ồ ạt nên đâu đó vẫn còn hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Bên cạnh các ngòi bút chân chính vẫn còn những ngòi bút chưa khách quan, chưa trung thực.
“Báo chí và doanh nghiệp cần thấu hiểu nhau. Trong đó, người viết báo phải biết lắng lòng lại và buồn khi viết về một cái sai của người nào đó, của doanh nghiệp nào đó mà không thể “chữa” được buộc nghề nghiệp mình phải viết lên để làm bài học cảnh tỉnh cho xã hội tránh, chứ không phải tâm trạng hồ hởi, hân hoan khi mình vạch ra được cái sai này với 1 động cơ khác” - bà Hường chia sẻ.
Điều hành diễn đàn, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, mối quan hệ của báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ đồng hành.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ này cũng có những điều khó khăn. Khi viết tốt về doanh nghiệp thì nói là bài PR, khi doanh nghiệp có những sai phạm thì viết không cẩn thận thành “đánh đấm”. Làm sao để duy trì việc giám sát, phản biện và phản ánh đúng đắn kể cả mặt tốt, kể cả những vấn đề còn bất cập một cách công bằng, cân bằng là bài toán của báo chí.
Theo ông Lê Quốc Minh, trong định hướng của Hội Nhà báo Việt Nam có nêu ra những từ khóa rất quan trọng. Bên cạnh những từ khóa là “đoàn kết, kỷ cương” thì yếu tố “chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển” là những yếu tố được nhấn mạnh. Đặc biệt từ khóa "nhân văn" là điều báo chí cách mạng hướng tới.
"Tuy rằng bản chất của báo chí là tò mò và phản ánh những điều bất cập. Chúng tôi mong muốn báo chí cách mạng Việt Nam đặt cao yếu tố nhân văn. Gần đây chúng tôi nêu nhiều khái niệm "báo chí xây dựng". Có nghĩa không phải là "tô hồng" mọi chuyện mà dù nêu những điều tốt đẹp hay phản ánh những điều bất cập thì dưới góc độ mang tính xây dựng khác với việc “hả hê” trước sai phạm, bất cập của doanh nghiệp, cơ quan như phát biểu của chị Hường đã nêu”.
Ông Lê Quốc Minh nhắc lại tính công bằng, cân bằng, chuyên nghiệp, văn minh và hai bên hỗ trợ lẫn nhau thay vì đưa nhau thành 2 phía đối lập.
https://laodong.vn/thoi-su/bao-chi-xay-dung-khong-ha-he-truoc-sai-pham-bat-cap-cua-doanh-nghiep-1061871.ldo
Theo Vương Trần (LĐO)