Báo chí xây dựng 'thế trận' bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: 'Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa'…'Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch'…

Trong bài viết "Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" đăng trên các tờ báo trong nước ngày 4/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; ráo riết tiến hành chiến lược "diễn biến hòa bình" với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc; triệt để lợi dụng hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng để thâm nhập nội bộ, thúc đẩy các yếu tố "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ bên trong”…

Đại tá, nhà báo Phan Tùng Sơn, Trưởng ban Đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ kỹ năng viết bài chuyên luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho các cơ quan báo chí khu vực phía Nam - Ảnh: Lê Đức

Trên đây là những đánh giá, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước ta, là cơ sở lý luận để các cơ quan báo chí, đặc biệt là hệ thống báo Đảng tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hoạt động báo chí trong lĩnh vực này cần bám sát, giải quyết tốt mối quan hệ giữa “xây” và “chống” theo phương châm “lấy xây để chống”. Đây là cơ sở để mỗi cơ quan báo chí xác định đúng nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, đấu tranh phản bác… “Xây” là chiến lược cơ bản, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách... Nhiệm vụ này rất khó khăn, phức tạp và đầy thách thức. Để thực hiện một cách có hiệu quả, đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí phải xác định rõ mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, có quá trình chuẩn bị chu đáo, có chiến lược tuyên truyền đúng hướng, dài hạn…

Cần tổ chức chuyên trang, chuyên mục

Đây là yêu cầu mang tính nguyên tắc. Xuất phát từ phương châm “Lấy xây để chống”, muốn tuyên truyền có hiệu quả, phải tổ chức xây dựng “trận địa” bài bản, có tính khoa học, nghệ thuật. Các thế lực thù địch sử dụng thông tin xấu độc, tận dụng không gian mạng chống phá Đảng ta rất quyết liệt, thực hiện các chiến dịch truyền thông rất rầm rộ. Báo chí muốn đấu tranh phản bác có hiệu quả, đòi hỏi phải tổ chức xây dựng hệ thống “trận địa” vững chắc. Việc xây dựng các chuyên mục, chuyên trang về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, “Đấu tranh phản bác thông tin sai trái” chính là cách báo chí xây dựng “trận địa” trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Các chuyên trang, chuyên mục trên từng ấn phẩm báo chí có ý nghĩa như là những “pháo đài”, “chiến lũy”, “công sự”… hình thành nên “thế trận” đấu tranh liên hoàn, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Tuyên truyền xây dựng Đảng về đạo đức góp phần lan tỏa thông tin tích cực, đẩy lùi tiêu cực. Trong ảnh: Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước ghi hình cho phim tài liệu về người anh hùng Điểu Ong tại trảng cỏ Bù Lạch, huyện Bù Đăng - Ảnh: Viết Bằng

Đối với hệ thống báo Đảng, chuyên mục, chuyên trang nên tổ chức ở tất cả các ấn phẩm, trang tin điện tử và trên các nền tảng mạng xã hội, đặt ở vị trí cố định, trang trọng, coi đây là một trong những mảng đề tài trọng tâm. Cách “định vị” chuyên mục là phải bám sát phương châm, quan điểm chỉ đạo: “Lấy xây để chống”, đi từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến chuyên sâu. Báo in mỗi tuần cần có 1 chuyên trang, nên bố trí cố định ở trang 1, vào ngày cố định trong tuần. Phát thanh, truyền hình mỗi tuần cần có 1 chuyên mục, phát sóng vào khung giờ “vàng” vào ngày cố định trong tuần và phát lại ở khung giờ khán, thính giả tiện theo dõi. Sự sắp đặt này đảm bảo cho việc đọc, nghe, xem, tra cứu, nghiên cứu… của công chúng được dễ dàng, thuận tiện, hình thành thói quen trong văn hóa đọc, văn hóa nghe nhìn trong công chúng.

Việc đặt tên chuyên mục, chuyên trang cần sử dụng thuật ngữ mạnh, ngắn gọn, khái quát, thể hiện rõ lập trường tư tưởng, thông điệp, định hướng dư luận, phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, ví dụ: “Lấy xây để chống”, “Bảo vệ - Đấu tranh”, “Nhận diện - Đấu tranh”, “Nhận diện - Phản bác”, “Đối diện”, “Nhìn thẳng, nói thật”, “Nhận diện sự thật”, “Chống quan điểm sai trái”, “Làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình”, “Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”…

Xác định nội dung, phương pháp tuyên truyền và xây dựng, bồi dưỡng lực lượng

Quán triệt phương châm “Lấy xây để chống”, trong đó “xây” là yếu tố chủ đạo; phương pháp tổ chức tác phẩm báo chí của chúng ta cần lấy thể loại chuyên luận, bình luận làm chính. Bên cạnh đó có thể áp dụng thêm các thể loại khác, như phỏng vấn, điều tra, phản ánh, tiểu phẩm… để tăng tính hấp dẫn, thuyết phục cho nội dung chủ đề.

Việc xác định chủ đề, nội dung tác phẩm báo chí cần coi trọng việc khẳng định thành tích, thành tựu, hiện thực đời sống… làm luận điểm, luận chứng, luận cứ…, làm căn cứ bác bỏ thông tin xấu độc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Cần bám sát dòng thời sự chủ lưu, nắm chắc thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để dự báo sát, nắm chắc tình hình, định hướng, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền kịp thời…

Mục đích tuyên truyền là phục vụ bạn đọc, định hướng dư luận, lấy lý lẽ thuyết phục để phản bác, phủ nhận những thông tin sai trái, phản động. Không phải viết để đôi co, cãi vã vô bổ, vô ích. Tác phẩm báo chí về thể tài này cần có cách thể hiện gây chú ý, dễ đọc, gắn với thực tế ở địa phương, cơ sở; không viết kiểu lý luận suông hoặc sa vào tranh luận những câu chuyện, chi tiết vụn vặt, vô căn cứ. Ngôn ngữ thể hiện mang tính đại chúng, không quá hàn lâm, không “đao to búa lớn”…

Mỗi cơ quan báo chí cần lựa chọn những cán bộ, phóng viên có năng lực trên các lĩnh vực: Chính trị, xã hội, kinh tế, nội chính, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng - an ninh… để thành lập nhóm chuyên luận, giao cho một phó tổng biên tập phụ trách, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tổng biên tập. Nhóm này cần được các chuyên gia, nhà báo giàu kinh nghiệm tập huấn chuyên sâu về kỹ năng, phương pháp xây dựng, duy trì chuyên trang, chuyên mục và sáng tạo tác phẩm báo chí. Hàng tháng, tổ chức họp, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, dự báo, xác định nội dung, chủ đề, phân công tác giả (nhóm tác giả) phụ trách. Cần coi trọng, bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm để phát huy trí tuệ tập thể trong việc xác định chủ đề, nội dung, phương pháp tổ chức tác phẩm báo chí.

Kỹ năng thực hiện tác phẩm báo chí

Việc xác định đề tài cho các chuyên trang, chuyên mục cần đáp ứng yêu cầu giải quyết mối quan hệ “xây” và “chống”. “Xây” tập trung cho công tác tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chấn hưng văn hóa, đạo đức trong Đảng; lan tỏa điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị. “Chống”, tập trung cho các nội dung đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái do các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động, chống phá.

Nguồn thông tin phục vụ cho công tác tuyên truyền về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nằm ở Điều lệ Đảng và hệ thống các văn bản, nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận… Các tác giả cần nghiên cứu sâu các tài liệu như: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Kết luận số 21 - Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII); Quy định 08; Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Những điều đảng viên không được làm; các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; phát biểu nhậm chức và bài viết “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm... Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, các tác giả cần liên hệ thực tiễn gắn với thực tế trong Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở.

Tư liệu phục vụ cho tuyên truyền chống các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cần theo dõi trên không gian mạng, nhất là các nền tảng mạng xã hội, gom các nội dung thành các vấn đề, cụm vấn đề, xử lý bằng phương pháp quy nạp, diễn dịch, vận dụng cơ sở lý luận, thực tiễn để viết bài đấu tranh, phản bác. (Lưu ý, không đôi co, cãi vã, tranh luận vô bổ với những loại tin “rác” vô căn cứ…)

Lưu ý, để làm phong phú, sinh động mảng đề tài này, cần chú trọng xây dựng các tuyến bài về xây dựng, củng cố, chấn hưng văn hóa, đạo đức trong Đảng; sinh hoạt tư tưởng về các giá trị, chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là diễn đàn bổ ích, sinh động để chúng ta mở rộng mạng lưới cộng tác viên, huy động đa dạng các tác giả tham gia, nhất là cán bộ, đảng viên từ cơ sở. Các bài viết sinh hoạt tư tưởng cần đi sâu vào những câu chuyện, tình huống cụ thể trong sinh hoạt, học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng ở cơ sở; tác phong, lề lối làm việc; vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên; những tâm tư, tình cảm, gửi gắm, kỳ vọng của người dân đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; đấu tranh phê bình những biểu hiện tiêu cực, thiếu chuẩn mực của đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị... Nội dung này có thể viết dưới dạng bài phản ánh, câu chuyện, tiểu phẩm, tăng tính hấp dẫn, thu hút bạn đọc.

Bài chuyên luận cần có độ dài từ 1.200 đến 2.000 chữ. Có thể tổ chức thành vệt bài, loạt bài dài kỳ nhưng không nên dài quá 5 kỳ. Bài bình luận ngắn, phản ánh, tiểu phẩm, khoảng 400-700 chữ.

“Chống” là để “xây”. “Lấy xây để chống”. Phương châm của chúng ta là lấy hoa thơm lấn át cỏ dại, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy chính nghĩa, lẽ phải để thuyết phục bạn đọc, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, sai trái. Mục đích cao nhất là củng cố lòng tin của nhân dân, đẩy lùi luận điệu xuyên tạc, phản động, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, bên cạnh tăng cường kỹ năng, phương pháp tổ chức tin, bài đấu tranh, cần đặc biệt lưu ý đẩy mạnh tuyên truyền thành tựu, lan tỏa năng lượng tích cực. Các cấp, các ngành cần phát động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… lan tỏa, chia sẻ thông tin tích cực trên các nền tảng mạng xã hội, làm cho các tài khoản rực lên sắc màu, âm thanh của tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, chia sẻ năng lượng tích cực trong đời sống xã hội…

Đại tá, Nhà báo Phan Tùng Sơn, Trưởng ban Đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP. Hồ Chí Minh, Giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam

Đại tá, nhà báo Phan Tùng Sơn, Trưởng ban Đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP. Hồ Chí Minh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/160993/bao-chi-xay-dung-the-tran-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang