Báo Đại Đoàn Kết là kênh thông tin quan trọng của người làm công tác Mặt trận
Đó là phần chia sẻ kinh nghiệm của ông Nguyễn Viết Triều, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận tại Hội nghị giao ban công tác Mặt trận cụm thi đua các tỉnh Miền Đông Nam bộ năm 2017 do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức sáng nay 8/12, tại TP Phan Thiết (Bình Thuận). Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận cùng lãnh đạo Mặt trận 7 tỉnh Miền Đông Nam bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết: Cũng như mọi năm, Hội nghị giao ban công tác Mặt trận cụm là dịp trao đổi, thảo luận những kết quả nỗi bật cũng như những hạn chế trong năm để cùng nhau tìm cách tháo gỡ để ngày càng nâng cao hoạt động của Mặt trận.
Bên cạnh đó, các tỉnh trong cụm cũng có dịp chia sẻ về những kinh nghiệm, hiến kế, cách làm hay của địa phương mình để cùng nhau thảo luận, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau thực hiện.
Trong năm 2017, MTTQ các tỉnh trong cụm đều đẩy mạnh, triển khai thực hiện đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền; xây dựng và duy trì hoạt động trang thông tin điện tử (Website); công tác truyên truyền tập trung hướng về cơ sở, cộng đồng dân cư gắn với tổ chức các hoạt động thiết thực nhân các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước.
Qua đó đã phát huy truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước, đoàn kết của nhân dân, phát huy vai trò tích cực của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng, trong các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo trong việc vận động người Việt Nam ở nước ngoài hưởng ứng thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Triều, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Bình Thuận cho biết: trên địa bàn toàn tỉnh có 706 khu dân cư đều có báo Đại Đoàn Kết.
“Vì chúng tôi cho rằng, đây là kênh thông tin quan trọng, có nhiều mô hình hay, cách làm tốt nhưng bài học cần được thực hiện và đây cũng chính là kênh thông tin cho các ban công tác Mặt trận cơ sở”, ông Triều chia sẻ.
Cũng theo ông Triều, ngoài các báo mạng thì báo giấy của Đại Đoàn Kết thì khu dân cư nào cũng phải có.
Trong năm qua dù có một số khu dân cư do thiếu kinh phí nên còn lơ là đặt báo Đại đoàn kết nhưng chúng tôi đã chỉ đạo tất cả các khu dân cư đều phải có báo và đó cũng chính là tiêu chí thi đua, là kênh thông tin quan trọng của người làm công tác Mặt trận nên các đơn vị phải có.
Trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được nâng dần chất lượng với nhiều nội dung, biện pháp, cách làm mới, duy trì nhân rộng các mô hình hiệu quả góp phần cùng địa phương xây dựng khu dân cư văn hóa, phường văn minh đô thị, xã xây dựng nông thôn mới…
Tiêu biểu có một số tỉnh đã có chương trình phối hợp với UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội: Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận...
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp của các tỉnh trong cụm thường xuyên nắm bắt tình hình và tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phối hợp giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự nhân các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh.
Ngoài ra, Ban Thường trực MTTQ các tỉnh trong cụm đã hướng dẫn tổ chức ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư năm 2017, mỗi tỉnh chọn một số khu dân cư tổ chức điểm.
Có 100% khu dân cư các tỉnh trong cụm tổ chức ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” Nhìn chung, các hoạt động thiết thực đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia như: huy động sức dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương, làm thủy lợi nhỏ; xây dựng các thiết chế văn hóa....
Qua đó, đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả của các tỉnh trong cụm được triển khai nhân rộng như: mô hình “Ánh sáng an ninh”, “khu dân cư bảo vệ môi trường”, “Khu dân cư đảm bảo ATGT”, “Khu dân cư không có mại dâm, ma túy”,... của Bình Thuận, Bình Dương; mô hình “Thùng thư tố giác tội phạm”, “Khu nhà trọ công nhân an toàn” của Bình Phước...
Nổi bật trong năm 2017 của các tỉnh trong cụm là tích cực vận động xã hội, vận động nhân dân tham gia đóng góp và ủng hộ một ngày lương của cán bộ, công chức mà Quỹ “Vì người nghèo”, các cấp trong các tỉnh của cụm đã vận động hơn 195,81 tỷ đồng, từ đó xây dựng được 2.853 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với tổng số tiền 82,505 tỷ đồng; sửa chữa 174 căn, tổng số tiền 2,73 tỷ đồng.
Trong công tác xóa nhà tạm, ông Nguyễn Văn Nhiếm, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Tây Ninh chia sẻ: là địa phương có số hộ nghèo và cận nghèo rất lớn, nên từ đầu năm, MTTQ tỉnh đã có chủ trương xóa nhà tạm cho hộ nghèo, từ đó năm 2017, 1059 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo đã được xây dựng nên Tây Ninh không còn hộ nghèo nào phải ở nhà tạm.
“Bên cạnh đó, chúng tôi đang tiếp tục khảo sát để xóa hơn 1000 căn nhà cho hộ cận nghèo. Ngoài ra, Mặt trận đã trao 692 con trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo và đang triển khai phân bổ 308 con trâu bò cho hộ cận nghèo”, ông Nhiếm chia sẻ.
Thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về công tác giám sát và phản biện xã hội; Ban Thường trực MTTQ các tỉnh trong cụm đã cụ thể hóa và triển khai Kế hoạch giám sát phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của MTTQ với những nội dung cụ thể của từng địa phương đạt nhiều kết quả khá tốt như: giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát về môi trường, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách của các cơ quan Nhà nước; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; việc đền bù, giải tỏa đất đai; giám sát việc xử lý chất thải y tế, việc khám chữa bệnh BHYT... năm 2017, các cấp MTTQ các tỉnh trong cụm đã tiến hành giám sát được 215 cuộc giám sát.
Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tiếp tục được củng cố và phát huy hiệu quả và đi vào chiều sâu, góp phần hạn chế những tiêu cực tại cơ sở.
Ông Phan Hữu Đức, Chủ tịch MTTQ tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: Giám sát của Mặt trận không cần số lượng mà cần đi sâu vào chất lượng, hậu giám sát như thế nào và phải nâng cao vị thế, tiếng nói của Mặt trận như thế nào.
Theo ông Đức, riêng MTTQ tỉnh Ninh Thuận, ngoài các chương trình giám sát chung đã đề ra đầu năm thì Mặt trận tỉnh đã giám sát những vấn đề nóng trên địa bàn tỉnh, mời các người có uy tín, có tiếng nói, có chuyên môn để phát huy được trí tuệ của họ, nên sau giám sát những kiến nghị, đề xuất được đưa lên Tỉnh ủy và UBND tỉnh đều có câu trả lời và chỉ đạo xử lý ngay từ đó vị thế của Mặt trận ngày càng được khẳng định.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh hoan nghênh tinh thần chung của cụm là mỗi tỉnh đóng góp 50 triệu đồng để xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người nghèo của đơn vị cụm trưởng.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đã nêu lên 10 điểm nổi bất của các tỉnh trong cụm đã làm tốt trong năm 2017.
Trong đó, các điểm đáng chú ý mà các tỉnh đã làm tốt như: Công tác vân động và quản lý tốt Quỹ “Vì người nghèo”, hạn chế những vi phạm; chương trình giám sát, phản biện xã hội được triển khai đồng bộ hơn, chú trọng vào những vấn đề nóng mà dư luận và nhân dân quan tâm, phát huy được những người có kinh nghiệm, uy tín; các mô hình tự quản được quan tâm và hướng mạnh về cơ sở; đổi mới công tác hoạt động trong công tác dân tộc, tôn giáo.
Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền, thành lập các tổ nắm bắt ý kiến dư luận, ý kiến nhân dân luôn được thường xuyên đổi mới.
Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cũng hoan nghênh một số địa phương đã triển khai, phủ báo Đại Đoàn Kết về khắp các khu dân cư.
Đối với các kiến nghị của các tỉnh, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh tiếp thu để báo cáo với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, đồng thời trả lời một số kiến nghị ngay tại Hội nghị.