Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình dự hội nghị đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Sáng ngày 9/11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 khu vực miền trung-Tây Nguyên.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia Hầu A Lềnh; đại diện lãnh đạo, chuyên viên các bộ, ngành; đại biểu các địa phương của 16 tỉnh khu vực miền trung và Tây Nguyên.

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ 2021 đến năm 2025 Ủy ban Dân tộc cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 rất quan tâm.

Nội dung chương trình có nhiều chính sách đa dạng và địa bàn triển khai bao phủ rộng, trải dài trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số cả nước. Chương trình có 10 Dự án, 14 Tiểu Dự án và 36 Nội dung chính sách thành phần với sự tham gia trực tiếp của 23 bộ, cơ quan trung ương trong công tác quản lý, điều hành...

Đến nay, sau gần 4 năm thực hiện, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình đã đi vào vận hành tương đối tốt, kết quả triển khai thực hiện Chương trình năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Giai đoạn từ năm 2021-2024, Chính phủ đã phân bổ hơn 66 nghìn tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong đó, phân bổ cho các địa phương là: 62.754,661 tỷ đồng (vốn đầu tư: 34.093,370 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 28.661,291 tỷ đồng). Riêng địa bàn các tỉnh miền trung và Tây Nguyên, tổng số vốn được giao giai đoạn 2021-2024 tổng số là: 21.386,3 tỷ đồng, chiếm khoảng 31,09% tổng vốn của cả Chương trình. Trong đó, vốn đầu tư phát triển 11.120,773 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 9.408,639 tỷ đồng.

Theo tổng hợp từ 16 địa phương khu vực miền trung-Tây Nguyên báo cáo, kết quả thực hiện giải ngân vốn ngân sách trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2024 đến thời điểm 30/9/2024 của 16 tỉnh khu vực miền trung và Tây Nguyên cao hơn so tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Riêng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình hiện nay đạt 74,3%, cao hơn gần 1,3 lần so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của cả nước.

Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm cao và tính chủ động trong phối hợp của cơ quan chủ Chương trình với các bộ, cơ quan trung ương, thành viên Tổ công tác, đến nay cấp trung ương đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện về Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi.

Một số chỉ tiêu ước đến ngày 31/12/2024 đã hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 16 tỉnh khu vực miền trung-Tây Nguyên, trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đăk Nông...;

Tỷ lệ thôn có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa; Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến trường; Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; Tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; Tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ....;

Thu nhập bình quân của các tỉnh miền trung và Tây Nguyên đạt 4,5 triệu đồng/người/năm (tăng 2,5 lần thu nhập bình quân vùng dân tộc thiểu số đầu giai đoạn); thu nhập bình quân đầu người ước tính hết giai đoạn đạt 35,4 triệu đồng/người/năm (tăng 2,54 lần), khu vực Tây Nguyên đạt 38,9 triệu 11 đồng/người/năm (tăng 2,8 lần); ước tính hết giai đoạn đạt 40,3 triệu đồng/người/năm (tăng 2,9 lần).

Tuy vậy, so với mục tiêu đề ra chương trình còn một số hạn chế, tồn tại cần được khắc phục trong giai đoạn 2 như: về quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP) và Nghị quyết số 111/2024/QH15 tại một số địa phương còn chậm;

Việc ban hành các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương còn có độ trễ nhất định do nhiều địa phương còn gặp lúng túng; việc lồng ghép vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và quy trình thanh quyết toán vốn các địa phương còn gặp lúng túng);

Việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo của một số địa phương còn chậm trễ, chất lượng báo cáo chưa đạt yêu cầu, việc giải ngân vốn có nhiều chuyển biến; tuy nhiên kết quả giải ngân còn chưa được như mong muốn, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp....

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao những kết quả đạt được của Chương trình. Đây là Chương trình mới chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm nhưng kết quả chương trình đem lại là hết sức to lớn, có ý nghĩa, đã giúp cho đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh (như kết nối đường giao thông, các công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, các công trình tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, sinh hoạt văn hóa…) tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi....

Về nội dung chương trình giai đoạn II: từ năm 2026 đến năm 2030 khu vực miền trung-Tây Nguyên, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo, các bộ, ngành và các địa phương liên quan cần rà soát để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ bổ sung hành lang pháp lý cho các chính sách của chương trình đúng pháp luật quy định; các chương trình, dự án giai đoạn 2 sẽ phân cấp mạnh để các địa phương chủ động thực hiện mang lại hiệu quả cao nhất.

“Các tỉnh phải kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn mới có thể hoàn thành mục tiêu chung: Giai đoạn sau phải hoạch định được con đường, các giải pháp thực chất. Cần phải đề xuất các giải pháp, các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của chương trình trong giai đoạn tới. Cần cơ cấu, nội dung các dự án thành phần và nguồn vốn của chương trình, hiến kế cho ban chỉ đạo chương trình những cơ chế chính sách đặc thù, điểm nghẽn trong thực hiện chương trình giai đoạn I, để tháo gỡ trong giai đoạn II. Để từ đó thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là tháo gỡ các điểm nghẽn, để đưa các dự án, các nguồn lực đã đầu tư nhưng chưa phát huy tác dụng vào nền kinh tế để phát huy tác dụng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là tập trung giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả 100% so với yêu cầu. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương nào không hoàn thành việc giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia là có tội với người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình mục tiêu quốc gia bao gồm nhiều dự án, nhiều chương trình phức tạp, khó khăn vì vậy cần bố trí các cán bộ có năng lực, có trách nhiệm, đặc biệt là có tâm thực hiện nhiệm vụ, góp phần để chương trình đạt kết quả và hiệu quả cao nhất, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta, của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

ĐINH SỸ TẠO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/pho-thu-tuong-nguyen-hoa-binh-du-hoi-nghi-danh-gia-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-post843971.html